VnReview
Hà Nội

Google đã làm gì để giảm phân mảnh cho Android?

Từ trước tới nay, hệ điều hành Android của Google vẫn luôn bị chê là quá phân mảnh, trong đó sự kiểm soát của hãng sản xuất và nhà mạng khiến cho các bản cập nhật Android phải mất rất lâu mới tới được tay người dùng.

Với độ mở của hệ điều hành Android, số lượng nhà sản xuất và thiết bị chạy hệ điều hành này là quá nhiều. Điều này dẫn tới tự phân mảnh trong hệ điều hành Android: thường phải mất một vài tháng sau khi được Google phát hành, bản cập nhật Android mới nhất mới chính thức được phát hành những thiết bị đầu tiên. Nhiều thiết bị, tuy mới được phát hành, vẫn phải sử dụng những phiên bản Android đã hơn 1 "tuổi".

 

Google đã làm gì để giảm phân mảnh cho Android?

Sự phân mảnh sẽ không còn là vấn đề của Android trong tương lai?

Thực ra việc phát hành bản Android mới nhất cho các thiết bị không hề dễ dàng đối với các nhà sản xuất. Sau khi Google phát hành bản cập nhật, các nhà sản xuất phải mất thời gian điều chỉnh bản cập nhật cho phù hợp với phần cứng của thiết bị, cũng như cài thêm các phần mềm hay giao diện của họ. Thời gian vài tháng để cập nhật là hợp lý, nhưng có vẻ vẫn quá dài với người dùng.

Đó là lý do Google đang đưa ra một phương thức cập nhật mới: cập nhật những tính năng quan trọng mà không cần phải thay đổi phiên bản Android.

Ở phiên bản Android 4.3 mới nhất, Google không mang đến nhiều cải tiến. Giao diện camera mới, hỗ trợ tốt hơn cho nhiều người dùng, Bluetooth 4.0 hay OpenGL ES đều là những bổ sung nhỏ và không rõ rệt đối với người dùng. Không phải là Google đã mất ý tưởng, mà thực sự những tính năng mới, thú vị nhất của Android đã đến với thiết bị của người dùng mà không cần phải thông qua bản cập nhật Android 4.4.

Tại Google I/O năm nay, Google đã công bố nhiều cải tiến cho Android: Google Hangouts, Google Play Games, giao diện mới của Google Play Music và Google Maps, API mới cho Google Maps, tính năng lưu dữ liệu game và ứng dụng trên mạng, và một tính năng quan trọng khác là Android Device Manager. Tất cả những tính năng này không được tích hợp trong một bản cập nhật Android, mà đều được cung cấp qua một ứng dụng: Google Play Services.

Google đã làm gì để giảm phân mảnh cho Android?

Google Play Services yêu cầu rất nhiều quyền điều khiển thiết bị

Thực sự việc gọi Google Play Services là một ứng dụng có thể chưa chuẩn xác. So với những ứng dụng khác, nó đòi hỏi rất nhiều quyền truy cập và sử dụng thông tin cũng như phần cứng trong điện thoại. Thậm chí nếu như một tính năng mới yêu cầu thêm quyền truy cập, nó còn tự cho phép sử dụng quyền đó mà không thông qua người dùng.

Google Play Services cũng thường xuyên cập nhật, nhưng không phải thông qua Play Store như các ứng dụng khác, mà nó sử dụng cơ chế cập nhật ngầm, tự động và người dùng không thể kiểm soát hoặc thậm chí không biết được. Google Play Services chính là nền tảng mới cho Android. Hoặc, nói theo cây viết Ron Amadeo của Ars Technica thì với Google Play Services, Google thực sự đã có thể kiểm soát được phần "nền tảng bên trong nền tảng" của Android.

Cách hoạt động của Play Services rất rõ ràng: Nó là một thứ có thể điều khiển cả hệ thống, nhưng lại có thể cập nhật được. Nó là một phần của gói ứng dụng Google, và các bên thứ hai không thể tác động đến nó; hay nói cách khác là Google hoàn toàn kiểm soát Play Services.

Google đã làm gì để giảm phân mảnh cho Android?

Không có Google Play Services, điện thoại của bạn sẽ như thế này đây

Hầu hết các ứng dụng của Google trên Android đều cần tới Play Services để hoạt động. Hiện tại, Play Services đang điều khiển API của Google Maps, việc đồng bộ tài khoản Google, xóa hết nội dung từ xa, đẩy tin nhắn, điều khiển phần nền của Play Games, và nhiều tính năng khác. Không có Play Services, hầu hết các ứng dụng Google trên máy của bạn sẽ không hoạt động.

Google đã làm gì để giảm phân mảnh cho Android?

Số lượng thiết bị đã cập nhật Android Jelly Bean chưa nhiều, đặc biệt là phiên bản Android 4.3 mới nhất

Google đã làm gì để giảm phân mảnh cho Android?

Nhưng phần lớn thiết bị Android hiện tại có thể dùng Play Services

Vì sao Play Services lại quan trọng đến như vậy? Hãy nhìn vào hai biểu đồ ở phía trên. Số thiết bị chạy các bản Jelly Bean (từ Android 4.1) chưa chiếm tới một nửa tổng số thiết bị Android, trong đó Android 4.3 mới chỉ được cập nhật trên 6% thiết bị. Trong khi đó Play Services đã được phát hành tới tất cả các thiết bị chạy bản Android từ 2.2 trở lên, có nghĩa là phần lớn các thiết bị Android được phát hành trong 3 năm gần đây (theo Google thì con số này lên tới 98,7%). Như vậy, mỗi khi có thay đổi quan trọng trên các ứng dụng Google, phần lớn các thiết bị sẽ được cập nhật chỉ trong vòng 1 tuần. Play Services chính là sợi dây kết nối trực tiếp từ Google tới thiết bị của bạn.

Google đã làm gì để giảm phân mảnh cho Android?

Google đang cung cấp tới hơn 40 ứng dụng của hãng trên Play Store, trong đó có nhiều ứng dụng quan trọng

Bên cạnh Play Services, Play Store cũng là một phần trong kế hoạch giảm phân mảnh của Google. Trong những năm qua, Google đã tách hầu hết các tính năng quan trọng, nhưng không cần phải gắn chặt với hệ điều hành, thành các ứng dụng riêng lẻ, có thể tải về và cập nhật từ Play Store: Gmail, Bản đồ, Tìm kiếm, Chrome, Calendar, một số bàn phím ảo, YouTube, hoặc chính Play Store.

Google đã làm gì để giảm phân mảnh cho Android?

Từ danh sách phía trên, có thể thấy hầu hết các tính năng trên Android đã không còn gắn chặt với hệ điều hành nữa. Chỉ những tính năng cơ bản nhất, yêu cầu hỗ trợ từ phần cứng, API hay liên quan đến bảo mật như điện thoại, cài đặt, khóa màn hình hay giao diện hệ điều hành mới cần phải cập nhật qua phiên bản Android mới.

Đây chính là cách mà Google đang làm để chống lại sự phân mảnh trên Android. Khi có một tính năng mới, họ đơn giản chỉ cần đưa ra cập nhật qua các ứng dụng, không còn phải chờ đợi những nhà sản xuất làm việc với bản cập nhật mới. Còn gì thú vị hơn thế: Thay vì phải chờ nhà sản xuất hàng tháng, người dùng có thể trải nghiệm tính năng mới của Android chỉ sau vài tuần.

Và khi một phiên bản cập nhật của Android chỉ cải tiến những tính năng ít rõ ràng, người dùng sẽ ít quan tâm hơn tới việc điện thoại của họ đã có phiên bản mới chưa? Chính Google cũng muốn người dùng quen dần với điều này: Ba bản cập nhật mới nhất của Android đều có chung một tên gọi, Jelly Bean!

Anh Minh

Theo;Ars Technica

Chủ đề khác