VnReview
Hà Nội

Đánh giá các gói cước 3G sau tăng giá

Hôm nay, 16/10/2013, cả ba nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone đồng loạt áp dụng mức tăng giá cước 3G mới, đồng thời một s ố gói cước bị "bóp" băng thông.

Bài liên quan:

Cước 3G tăng "sốc", nhiều người doạ tẩy chay

Tăng cước 3G tới 40% là vi phạm Luật cạnh tranh?

Cục Viễn thông làm ngơ cho nhà mạng tăng cước Dcom 3G lên đến 230%?

Với giá cước mới, nhiều người hẳn sẽ càng phải đắn đo xem nên chọn gói cước 3G nào phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình hơn và bài viết này sẽ giúp độc giả tìm được câu trả lời cần thiết.

Không chỉ tăng giá mà còn… giảm băng thông

Theo mức giá cước mới nhất mà 3 nhà mạng đưa ra, ta có thể thấy rất ít lựa chọn, thậm chí phía MobiFone còn mạnh tay loại bỏ một số gói cước "không phù hợp" và thay thế bằng các gói cước "đắt đỏ" hơn, "bóp chẹt" băng thông xuống còn 4 KBps.;

Cụ thể, gói BMIU của MobiFone giảm mức dung lượng tốc độ tối đa từ 3,5 GB/tháng xuống còn 3 GB/tháng, loại bỏ các gói M70, FC40, FC80, FCU, FC120, FC220. Trong khi Viettel tăng thêm dung lượng miễn phí nhỏ giọt cho gói MI10 từ 30 MB/tháng lên 50 MB/tháng, bổ sung thêm gói MI50 với mức dung lượng miễn phí là 450 MB/tháng và cũng hạ dung lượng miễn phí của gói Dmax200 xuống từ 3,5 GB/tháng còn 3 GB/tháng.

Bảng giá cước mới dành cho một số gói cước đáng chú ý của MobiFone.

Bảng giá cước mới của Viettel

Đáng chú ý nhất là các gói thuê bao "không giới hạn" giá rẻ mà các bạn trẻ và học sinh, sinh viên (HSSV) lâu nay vẫn ưa thích đồng loạt nhảy vọt từ 50.000 đồng/tháng lên 70.000 đồng/tháng, cụ thể là các gói Mimax của Viettel, MIU của MobiFone và gói MAX của Vinaphone. Kèm theo đó, mức phí ưu đãi của các gói "không giới hạn dung lượng" ở trên dùng cho HSSV cũng tăng vọt tương ứng từ 30.000 đồng/tháng lên mức 50.000 đồng tháng (riêng VinaPhone thì gói MAX cho HSSV có tên là MAXS).

Trong số các dịch vụ 3G tăng cước theo đợt này thì mức phí các thê bao 3G cho khách hàng sử dụng USB 3G của các nhà mạng Viettel, MobiFone đều tỏ ra "chơi trội" hơn cả. Cụ thể Viettel mạnh dạn tăng phí dịch vụ D-Com 3G tới hơn 233%, từ 60đ/MB lên 200đ/MB, MobiFone cũng tỏ ra không thua kém khi áp phí cho các gói của dịch vụ Fast Connect từ 2,93đ/50kB (tương đương 60đ/Mb) lên 9,77đ/50 kB (tương đương 200đ/MB).

Tuy chưa cập nhật chính thức mức giá mới áp dụng từ ngày 16/10 nhưng VinaPhone cũng có động thái tăng cước tương tự khi "chủ động" gửi tin nhắn thông báo tăng cước cho các thuê bao của mình.

Bảng giá cước của Vietnamobile vẫn như cũ và được coi là rẻ nhất hiện nay

Hiện nay chỉ còn các nhà mạng ít phổ biến và có cơ sở hạ tầng 3G còn yếu như Vietnamobile vẫn giữ nguyên cước khá mềm.

Tiếp tục "sống chung với lũ" hay là bỏ cuộc?

Trước những động thái "hưởng ứng" tăng cước có phần "thái quá" của các nhà mạng này, mấy ngày qua người dùng lẫn giới truyền thông đã có những phản ứng gay gắt và đồng loạt đòi tẩy chay các dịch vụ Internet mobile và thuê bao 3G của các nhà mạng trong nước. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ nhận thấy "rất khó" để "tẩy chay" hay "ăn chay" hoặc chuyển qua thay thế bằng WiFi, khi mà nhu cầu sử dụng Internet di động ngày càng tăng và nhất là khi WiFi chưa đủ phổ cập và còn nhiều hạn chế như hiện nay.

Ngoại trừ nhu cầu truy cập internet di động của bạn thấp hoặc bạn đang sử dụng dịch vụ 3G cho usb 3G có thể có nhiều lý do để dừng sử dụng dịch vụ của các nhà mạng hoặc chuyển qua dùng WiFi, còn lại đa số chúng ta vẫn phải tiếp tục "sống chung với lũ" hoặc chuyển qua nhà mạng ít phổ biến hơn nhưng rẻ hơn là Vietnamobile.

Vậy theo biểu giá cước mới của các nhà mạng chúng ta nên chọn gói cước nào?

Gói cước nào cho bạn?

- Nếu bạn truy cập Internet ít hoặc không dùng các smartphone, tức là chỉ dùng các ứng dụng lướt web chạy trên nền java như baonet, zalo, ola,...thì nhu cầu sử dụng và truy cập dữ liệu Internet ít hơn, do vậy nên chọn các gói cước chi phí thấp, tương ứng dung lượng thấp. Chẳng hạn như các gói D1, M10, M25 của mạng MobiFone, hoặc MI10, MI30 của Viettel hay M10, M25 của VinaPhone.

Khi chọn một trong các gói này cần cân nhắc mức độ sử dụng dữ liệu để chọn gói phù hợp và lưu ý là khi vượt qua định mức tương ứng của gói cước thì bạn sẽ phải chịu thêm phí phát sinh tương ứng. Ngoài ra, hãy tận dụng các ưu đãi dành cho HSSV của các gói cước tương ứng nếu bạn đang còn ngồi trên ghế nhà trường để giảm thiểu chi phí thuê bao.

- Nếu bạn sử dụng các smartphone chạy Android, iOS, BlackBerry OS hoặc Windows Phone thì nhu cầu truy xuất dữ liệu có thể nhiều hơn, tiệm cận mức "không giới hạn" hoặc "trung bình cao" thì bạn cần tham khảo các gói M25, MIU và thậm chí là M120 của MobiFone; các gói M50, M120 và MAX/MAXS của VinaPhone; và các gói MI50, MiMax, Dmax của Viettel. Chú ý mức phí phát sinh nếu bạn dùng các gói có tính phí phát sinh ngoài dung lượng miễn phí.

- Còn nếu bạn dư giả tài chính thì dĩ nhiên không cần quan tâm tới các mức phí mà các nhà mạng đưa ra, chỉ đơn giản là chọn gói cước phù hợp nhu cầu dữ liệu của bạn.

Riêng với các gói cước thuê bao 3G cho usb 3G, có thể nói mức giá mới khiến nhiều người chùn bước và quay sang sử dụng WiFi hoặc mạng dây. Trừ phi bạn có nhu cầu di chuyển nhiều và cần độ linh hoạt cao, chúng ta hoàn toàn có thể ngừng sử dụng USB 3G và chuyển qua sử dụng kết hợp WiFi/mạng dây cho máy tính và Internet mobile cho smartphone để giảm thiểu chi phí dữ liệu di động.

Tạm kết

Quả thật với các mức giá và gói cước mới mà các nhà mạng đưa ra người dùng Internet di động chúng ta có rất ít lựa chọn, và hầu như phải cân nhắc trước khi chọn gói cước vì mức phí mới dành cho các gói thuê bao không hề rẻ. Trong lúc chờ đợi các động thái cụ thể từ các nhà quản lý đối với mức tăng cước đột biến này, có lẽ chúng ta tạm cân nhắc sử dụng Internet di động một cách phù hợp hơn.

Ngoài việc chọn gói cước phù hợp như đã gợi ý ở trên, bạn cũng nên chủ động thay đổi thói quen sử dụng Internet di động. Cụ thể, chúng ta chỉ nên sử dụng vào các mục đích hữu ích như cập nhật tin tức, chia sẻ thông tin hoặc làm việc, tránh sa đà vào các dịch vụ giải trí vốn chiếm nhiều dữ liệu di động như nghe nhạc/xem phim/chơi game trực tuyến. Khi đó, không chỉ tiết kiệm được tiền bạc mà bạn còn tiết kiệm được thời gian, thay đổi tư duy, giảm bớt thời gian ngồi trước màn hình và biến sự "ức chế" của nhà mạng thành lợi thế cho bạn trong trải nghiệm và hoàn thiện cuộc sống.

Có lẽ chúng ta cần thông minh hơn và cần chủ động thay đổi cách tiếp cận internet, thay vì chờ đợi các nhà mạng thay đổi tư duy và giá cước.

Hữu Thắng

Chủ đề khác