VnReview
Hà Nội

Tăng cước 3G và những hứa hẹn không giới hạn

Ba "ông lớn" di động: Viettel, MobiFone, VinaPhone không có câu trả lời thỏa đáng nào về vấn đề "bóp" băng thông và chất lượng 3G không ổn định, nhưng lại rất chắc chắn rằng việc tăng giá cước 3G lần này mới chỉ là bắt đầu.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Tại sao tăng cước 3G" hôm nay diễn ra tại trụ sở Bộ TT&TT, lãnh đạo ba nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone đã trả lời hàng chục câu hỏi về giá cước 3G, chất lượng dịch vụ 3G.

Những thông tin mà các nhà mạng, và cả đại diện cơ quan quản lý là Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) thanh minh cho việc tăng cước 3G tại buổi tọa đàm hôm nay không mới: Giá cước 3G hiện thấp hơn giá thành; giá cước 3G thấp hơn các nước trong khu vực (ASEAN).

Theo lời của đại diện Cục Viễn thông, giá cước 3G sẽ còn tiếp tục tăng để "tiến tới giá cước không thấp hơn giá thành".

Sau một thời gian các nhà mạng kêu than lỗ, người tiêu dùng đã xác định tăng cước là điều không tránh khỏi. Điều họ đòi hỏi duy nhất ở các nhà mạng là tăng cước có tăng chất lượng không?

Tại buổi tọa đàm, vấn đề chất lượng dịch vụ 3G được nhiều độc giả quan tâm nhất. Nhưng trả lời của cả ba nhà mạng đều khiến những ai hy vọng tăng giá đi đôi với tăng chất lượng phải thất vọng.

Có thể hình dung thế này, bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nhà hết gạo, bạn phải đến cửa hàng gạo để mua, nhưng nhận được câu trả lời: giá gạo tăng gần gấp đôi! Đắt à? Nếu không mua gạo, chúng tôi còn có nhiều lựa chọn khác cho bạn: tấm, cám, ngô... rẻ hơn nhiều. Đáng nói là tất cả các hàng gạo đều đồng thanh như vậy: gạo đắt thì có tấm, cám đấy.

Và với giá cước 3G cũng hệt như câu chuyện nói trên: Khi khách hàng kêu giá cước tăng cao, nhà mạng trả lời ngụ ý rằng: Chúng tôi còn có nhiều gói cước khác để bạn chọn. Đương nhiên, cái gọi là nhiều gói cước khác cũng tương đương như tấm, cám so với gạo trong cửa hàng gạo.

"Thực ra có nhiều gói cước cho khách hàng lựa chọn. Thuê bao của Viettel có thể chọn gói giảm 40% chứ không nhất thiết chọn gói đắt. Nên chọn gói cước phù hợp với mình", ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông giải thích hộ các nhà mạng như vậy.

"Tùy thuộc vào túi tiền của mình hoàn toàn có thể lựa chọn gói cước phù hợp. Tôi ví dụ như gói cước của Viettel đưa ra chẳng hạn, thậm chí còn rẻ hơn trước. Nếu tôi là sinh viên, hay là công chức tôi sẽ lựa chọn gói cước đó. Hiện từng doanh nghiệp có những gói cước đáp ứng với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Các doanh nghiệp thậm chí có gói cước 10 nghìn, cũng có gói cước trung bình 50 nghìn cho công chức, sinh viên, nhưng cũng có gói cước rất lớn thường dùng cho giới doanh nhân", ông Trung giải thích thêm.

Tuy nhiên, gói cước duy nhất "giảm 40%" mà ông Trung đề cập tới (do đại diện Viettel cung cấp tại buổi tọa đàm) là gói MI10 của Viettel, với lưu lượng dữ liệu trong gói tăng từ 30 MB lên 50 MB/tháng. Trên thực tế, theo tìm hiểu của VnReview, Viettel đã tăng lưu lượng dữ liệu của gói MI10 từ lâu (giữa năm 2012) chứ không phải bây giờ mới tăng, và các nhà mạng khác cũng có gói cước tương tự là M10 với 50MB/tháng, do đó lần này không có gói cước nào "giảm" cả. Hơn nữa, do thay đổi cách tính cước từ block 10KB+10KB với giá 2,5 đ/10KB lên block 50KB+50KB và giá mới là 25 đ/50KB, thực chất nhà mạng đã tăng cước lên nhiều lần so với con số "trung bình 20%" như công bố: thay vì tính 7,5 đ/50KB thì cước mới tăng vọt lên 25 đ/50KB (230%). Xem thêm bài "Cục Viễn thông làm ngơ cho nhà mạng tăng cước Dcom 3G lên đến 230%?", chưa kể cách tính block mới cũng là một hình thức tăng cước.

Với 50MB/tháng, phải là người dùng có nhu cầu hết sức hạn chế thì mới đăng ký gói cước này, bởi lưu lượng này chỉ tương đương với 25 phút xem YouTube hoặc 50 phút nghe nhạc online và tổng cộng khoảng 2 giờ đọc báo điện tử. Trừ khi bạn đi đến đâu cũng có sóng Wi-Fi và chỉ dùng 3G như một giải pháp dự phòng thì mới nên chọn gói cước này.

Trong khi tỏ ra hiểu rất rõ các gói cước của nhà mạng, Cục Viễn thông xem ra còn loay hoay với việc làm thế nào đo kiểm chất lượng dữ liệu của gói cước 3G một cách độc lập thay vì chỉ dựa vào kiểm tra theo cam kết của doanh nghiệp, mặc dù dịch vụ 3G đã được cung cấp ra thị trường từ cách đây gần 4 năm, trong khi người dùng thường xuyên phàn nàn về vấn đề chất lượng 3G.

"Hiện [chúng tôi] kiểm tra theo cam kết của doanh nghiệp về chất lượng trong quá trình được cấp phép. Ví dụ doanh nghiệp cam kết có bao nhiêu trạm BTS thì chúng tôi sẽ kiểm tra số lượng BTS như vậy. Để đánh giá trên quan điểm của khách hàng thì chúng tôi đang hoàn thiện tiêu chuẩn cho dịch vụ data trên di động. Khi đấy chúng tôi sẽ đánh giá theo chất lượng do Bộ TT&TT ban hành. Đến thời điểm này, hằng năm chúng tôi vẫn kiểm tra chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp nhưng kiểm tra sâu về data hiện nay thì chủ yếu theo cam kết của doanh nghiệp chứ chưa có tiêu chuẩn cụ thể", ông Trung thừa nhận.

"Trong thời gian sớm nhất, từ giờ đến cuối năm, khi có tiêu chuẩn thì sẽ khẩn trương tiến hành đo kiểm chất lượng dịch vụ data. Sắp tới khi kiểm tra doanh nghiệp về chất lượng thì sẽ công bố công khai toàn bộ kết quả về chất lượng dịch vụ viễn thông nói chung, trong đó có chỉ tiêu mà doanh nghiệp cam kết đồng thời với đợt điều chỉnh giá cước lần này", ông Trung hứa hẹn.

Rốt cuộc, giá cước 3G tăng và sẽ còn tăng nữa. Còn chất lượng dịch vụ thì chỉ nhận được lời hứa hẹn từ nhà mạng "cố gắng hết sức" và lời hứa của cơ quan quản lý nhà nước sắp tới sẽ kiểm tra ngặt nghèo hơn.

Không có gì đảm bảo tất cả m ọi lời hứa được thực hiện ngay nhưng có một điều chắc chắn là người tiêu dùng đã phải chi nhiều tiền hơn cho sử dụng dịch vụ 3G kể từ ngày hôm qua, 16/10/2013.

Hải Ninh

Chủ đề khác