VnReview
Hà Nội

Viettel chịu khuất phục, không tăng cước 3G với các tài xế

Viettel vừa có thông báo không tăng cước dữ liệu cho dịch vụ Giám sát phương tiện vận tải sau khi đại diện hàng vạn tài xế kêu cứu lên Bộ GTVT vì tăng cước 3G có thể làm các tài xế bị tước bằng lái.

Bài liên quan:

Đại diện hàng vạn lái xe kêu cứu vì giá cước 3G tăng

Thông cáo của Viettel cho biết chính thức cung cấp dịch vụ giám sát phương tiện vận tải V-tracking từ đầu năm 2011, sau gần 3 năm cung cấp, Viettel đã có hơn 15.000 thuê bao. Khách hàng của Viettel là những doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực cung cấp giải pháp giám sát hành trình và các doanh nghiệp vận tải như: Công ty cổ phần phát triển công nghệ Eposi (EPS); Công ty PT CN Bình Anh, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty TNHH Vận tải Thành Bưởi…

Doanh nghiệp vận tải có thể lựa chọn gói dịch vụ tuỳ theo nhu cầu sử dụng trong 6 gói cước trả sau của Viettel với chi phí chỉ từ 15.000đ/tháng. Các gói cước chuyên biệt này được Viettel thiết kế với giá ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp vận tải và để chia sẻ với các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, trong đợt điều chỉnh cước các dịch vụ data vừa qua, Viettel không điều chỉnh giá cước cũng như block tính cước của cả 6 gói dịch vụ này.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã mua và sử dụng các sim Dcom, di động thông thường để sử dụng vào mục đích giám sát phương tiện vận tải, nên đã chịu ảnh hưởng khi giá cước 3G được điều chỉnh.

Do đó, theo đại diện Viettel, để tiết kiệm chi phí, các công ty vận tải và các công ty khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ data để định vị, kết nối internet nên đăng ký sử dụng các gói cước chuyên biệt cho dịch vụ Giám sát phương tiện vận tải của Viettel. Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng các sim D-com và Mobile Internet thông thường (vốn được sử dụng vào mục đích khác) thì Viettel không thể quản lý được trên hệ thống để áp dụng mức cước ưu đãi.

Theo Nghị định 91, các doanh nghiệp vận tải đã lắp đặt và khai thác sử dụng thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) để báo cáo tình hình hoạt động phương tiện cho các sở giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ".

Mỗi TBGSHT đều phải sử dụng 1 SIM thuê bao di động để truyền phát dữ liệu về máy chủ. Song từ ngày 16/10/2013, TCty Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thực hiện việc điều chỉnh giá cước với cách tính cước tăng "nhảy vọt" gấp nhiều lần, dẫn đến hàng vạn TBGSHT ngừng hoạt động do không truyền phát dữ liệu về máy chủ được.

Trong khi các thiết bị truy cập mạng di động phổ biến hiện nay như smartphone, máy tính bảng, USB 3G... có phiên truyền tin lớn với lưu lượng từ vài chục KB đến hàng MB và sử dụng băng thông lớn (2.5G, 2.75G, 3G) thì hầu hết các TBGSHT có đặc điểm khác biệt là: Truyền tin ở tốc độ thấp với tần suất truyền định kỳ từ 5-60 giây/bản tin, mỗi bản tin dung lượng rất nhỏ cỡ ~ 64-256 byte với yêu cầu tốc độ truyền thấp thường chỉ vào khoảng dưới vài chục Kb/s.

Với đặc điểm truyền tin dung lượng thấp nêu trên, hầu hết các TBGSHT hiện nay đều sử dụng các gói cước Laptop40, Mi10, đặc biệt phổ biến gói Mi10 và Laptop Easy với mức cước hàng tháng từ 10.000đ/tháng đến 40.000đ/tháng. Song từ ngày 16/10/2013, Viettel đã điều chỉnh giá cước theo chiều hướng tăng quá cao làm hàng vạn lái xe nguy cơ bị phạt, tước giấy phép lái xe 30 ngày và phạt 2,5 triệu đồng theo Nghị định 71.

Ngọc Mai

Chủ đề khác