VnReview
Hà Nội

Bộ TT&TT: đợt tăng cước 3G vừa qua là “hợp lý”

Chiều 8/11/2013, tại cuộc Họp báo về một số nội dung quản lý cước viễn thông dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, đại diện Cục Viễn thông thuộc Bộ khẳng định: "phương thức, mức độ và phạm vi điều chỉnh của đợt tăng giá cước 3G vừa qua là tương đối hợp lý, đảm bảo tăng từng bước theo chủ trương đã phê duyệt".

Buổi họp báo không có đại diện của các nhà mạng đứng ra trả lời các câu hỏi của nhà báo, chỉ có đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT nêu ra các luận điểm để giải thích cho các vấn đề liên quan đến đợt điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G đang gây xôn xao dư luận.

tăng cước 3g

Ông PhạmHồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông đưa ra một loạt các căn cứ để Cục này chấp thuận cho các nhà mạng điều chỉnh cước 3G.

Trước hết, về sở cứ điều chỉnh giá cước, ông Hải cho biết: khi thẩm định việc đăng ký điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của các doanh nghiệp, Bộ TT&TT đã căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông, giá, cạnh tranh và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Theo đó, giá cước phải xác định trên cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường, mặt bằng giá cước khu vực, thế giới, bảo đảm môi trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế; và các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.

Về giá thành, theo doanh nghiệp báo cáo và đã được Bộ TT&TT xác nhận thì giá thành trung bình kế hoạch của năm 2013 đối với dịch vụ dữ liệu 3G là 167,66 đồng/MB (chưa tính VAT) và 184,4 đồng/MB (gồm VAT). Trong khi đó, giá cước trung bình trên thị trường là 100 đồng/MB (gồm VAT), chỉ bằng 54% giá thành.

Về cung cầu trên thị trường: Các doanh nghiệp đã đầu tư 27.779 tỷ đồng cho mạng thông tin di động băng rộng công nghệ HSPA (3,5G) với khoảng 44.000 trạm phát sóng (tính đến quý 2/2012). Giai đoạn đầu cung lớn hơn cầu, doanh nghiệp phải hạ giá cước xuống thấp để phát triển thuê bao và khai thác hiệu quả hạ tầng đã được đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay số thuê bao dịch vụ dữ liệu 3G tăng mạnh đến 18,9 triệu thuê bao, dung lượng tăng mạnh vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới. Doanh nghiệp cần từng bước điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G đến giá thành để có nguồn thu nhằm tái đầu tư mở rộng mạng lưới.

Về so sánh giá cước ở Việt Nam với khu vực và thế giới: Giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của Việt Nam sau điều chỉnh trung bình là 111 đồng/MB chỉ bằng 34,9% so với mức giá cước trung bình của khu vực ASEAN (318 đồng). So sánh tương đối theo thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI) thì mức giá cước của VN (4,8 USD) chỉ bằng 18% (trả trước) đến 27% (trả sau) so với mặt bằng chung thế giới, bằng 34% (trả trước) đến 57% (trả sau) so với mặt bằng chung khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hơn nữa, việc khuyến mại, chiết khấu lớn và thường xuyên làm cho giá cước dịch vụ thông tin di động giảm mạnh, trong khi nhu cầu sử dụng không tăng bằng mức giảm giá cước, dẫn đến doanh thu bình quân trên thuê bao (APRU) chỉ từ 4,4 USD/tháng thuê bao (2013), thấp hơn nhiều so với mức xấp xỉ 20 USD/tháng thuê bao tại các nước phát triển.

Cũng theo ông Hải, để bảo đảm việc tăng giá cước theo lộ trình hợp lý, không gây tác động quá lớn đối với người sử dụng và thị trường, các doanh nghiệp đã áp dụng phương án điều chỉnh giá cước theo hướng tăng một số gói cước, giảm một số gói cước, giữ nguyên một số gói cước và đưa ra một số gói cước mới nhằm đáp ứng tính đa dạng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng. Với các gói tăng giá, mức độ tăng khoảng 15% so với trước. Với các gói cước giảm giá, mức độ giảm là 4,9%. Mức độ điều chỉnh phương thức tính cước sang 50KB+50KB là khoảng 10%. Tính chung tổng mức điều chỉnh trung bình tăng khoảng 20%.

Về phạm vi điều chỉnh, trong tổng số 91,21 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9/2013, chỉ có 18,94 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ dữ liệu 3G, chiếm tỷ trọng 20,77% (chỉ tính khách hàng thông thường, không tính khách hàng lớn, khách hàng đặc biệt không điều chỉnh giá cước đợt này). Trong số này, khoảng 2,72% số thuê bao được giảm giá cước; 9,38% thuê bao được giữ nguyên giá cước, khoảng 8,66% thuê bao bị tăng giá cước.

Ông Hải khẳng định, phương thức điều chỉnh, mức điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh giá cước dữ liệu 3G của 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone tương đối hợp lý, không gây tác động quá lớn đối với xã hội.

Trả lời thắc mắc của các nhà báo về các vấn đề như thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp nên không nên so sánh giá cước với các nước có thu nhập cao, hoặc vấn đề chất lượng 3G rất kém mà giá cứ tăng…, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng việc so sánh mang tính tương đối và quan trọng nhất là giá cước 3G thấp hơn giá thành, giá chưa đạt thì còn tiếp tục điều chỉnh. Chất lượng 3G giai đoạn vừa qua đúng là ở một số khu vực và một số thời điểm là thấp, do số người sử dụng ngày càng đông, vì vậy cần tăng cước 3G để doanh nghiệp có nguồn thu đảm bảo chất lượng. Bộ sẽ yêu cầu doanh nghiệp đầu tư nâng cấp mạng lưới, ban hành quy chuẩn chất lượng dịch vụ dữ liệu, đầu tư hệ thống trang thiết bị kỹ thuật để giám sát chất lượng…

Mặc dù hiện nay ba nhà mạng lớn MobiFone, VinaPhone, Viettel đang xây dựng các gói cước 3G giống hệt nhau và tương đương cả về cước thuê bao gói và dung lượng miễn phí trong gói, nhưng ông Nguyễn Đức Trung, Cục phó Cục Viễn thông cho rằng chỉ có 3/42 gói cước của nhà mạng là tương đồng. Trả lời thắc mắc này của VnReview, ông Trung cho biết, cách tính của Cục chỉ cho là "tương đồng" khi cả ba doanh nghiệp có cùng gói cước, bởi MobiFone, VinaPhone cùng Tập đoàn VNPT nên thiết kế tương đồng nhau, kể cả tên gói cước do chỉ đạo chung của Tập đoàn. Do có hai nhóm: 2 DN của VNPT, và Viettel nên nói tương đồng là cả 3 doanh nghiệp này với nhau.

Về việc gói cước cho laptop của các nhà mạng đồng loạt tăng 233%, từ 60 đ/MB lên 200 đ/MB, bà Nguyễn Phương Hiền, Trưởng phòng Giá cước, khuyến mại - Cục Viễn thông cho rằng đó là mức cước ngoài khoán (tức là cước lưu lượng vượt gói – PV). Nguyên tắc điều chỉnh lần này chỉ quan tâm đến mức trong khoán để mức tăng phù hợp không gây bất ổn cho thị trường. Khi mua ngoài khoán, tức là không có kế hoạch thì phải trở về đúng giá thành. Đây cũng là cơ sở để kiểm tra chất lượng của các nhà mạng, nhằm đảm bảo chất lượng của dung lượng dữ liệu trong gói.

Như vậy, mọi lập luận của cơ quan quản lý đều đã khẳng định xu thế tăng cước 3G và cước 3G sẽ còn tăng đến khi nào đủ bù giá thành và doanh nghiệp có lãi trên dịch vụ này. Nếu bạn còn muốn sử dụng dịch vụ 3G thì buộc phải chấp nhận, không còn cách nào khác.

Vân Hà

Chủ đề khác