VnReview
Hà Nội

Tương lai nào cho Windows Phone?

Mặc dù smartphone Windows Phone gần đây đã gặt hái được một số thành công tại Mỹ và châu Âu song nền tảng này vẫn đang tiếp tục gặp nhiều thách thức đến từ Trung Quốc và những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, Microsoft có tiền và Windows Phone có thể sẽ hội tụ với Windows và Windows RT.

Hệ điều hành Windows Phone vẫn xếp thứ 3 trên toàn cầu, thua xa nhiều so với hệ điều hành Android và iOS, song hầu hết các chuyên gia đều nói Windows Phone sẽ có thêm sức mạnh trong những năm tới.;Đó là vì đại gia phần mềm Microsoft có ngân sách đầu tư mạnh cho Windows Phone và rõ ràng muốn xây dựng hệ điều hành này một cách bền vững. Microsoft và Windows Phone cũng sẽ tăng trưởng hơn nữa khi công ty hội tụ hệ điều hành di động này vào hệ điều hành Windows.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel ComTech, smartphone chạy Windows Phone đã có gần 5% thị phần tại Mỹ trong quý thứ 3 kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua, và có tổng cộng 10% thị phần tại 5 quốc gia châu Âu lớn nhất. Sự tăng trưởng của Windows Phone đến từ những mẫu máy giá rẻ, như Nokia Lumia 520.

Trong khi đó, Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới, vẫn là một thách thức với Nokia và Windows Phone. Theo nhà phân tích Dominic Sunnebo của Kantar, thị phần của Windows Phone tại Trung Quốc chỉ là 3,5%. Nhiều nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang bán các thiết bị Android ở mức giá thấp, nhưng lại có các đặc tả phần cứng khá tốt.

Sunnebo nói rằng, Microsoft nên hợp tác với một nhãn hiệu Trung Quốc nổi tiếng, nhưng điều đó "có thể sẽ không xảy ra sớm", vì Microsoft đã có kế hoạch sáp nhập với bộ phận di động của Nokia.

Thành công ở châu Âu vẫn chưa làm được gì

Những thành công gần đây của Windows Phone tại châu Âu vẫn còn bị hạn chế và sẽ không thúc đẩy doanh số tại Trung Quốc hay các quốc gia khác có tăng trưởng kinh tế lớn trong những thập kỷ tới, như Ấn Độ, Brazil hoặc Nga.

"Vụ thâu tóm hãng Nokia ở Phần Lan của Microsoft có thể sẽ bất lợi cho Windows Phone tại châu Âu, nếu nó không duy trì nhãn hiệu Nokia, và tôi cho là Microsoft sẽ không giữ nhãn hiệu Nokia", Jack Gold, nhà phân tích của hãng J. Gold Associates nói.

Thậm chí tại Mỹ, Windows Phone cũng đang phải chật vật phát triển. "Tại Mỹ, những người làm trong các gian hàng bán điện thoại di động đều không dùng Windows Phone, và chính vì thế họ vẫn ủng hộ iPhone và Android", J.P. Gownder, nhà phân tích của Forrester, nói.

Gownder thêm rằng, ở Trung Quốc, các thiết bị Android giá rẻ "cực kỳ phổ biến" một phần vì nền tảng Android được các nhà phát triển địa phương Trung Quốc ưa thích và nó hỗ trợ ngôn ngữ Trung Quốc.

"Cả Mỹ và Trung Quốc đều là hai thị trường smartphone hàng đầu", Kevin Restivo, một nhà phân tích của IDC, nói. "Bạn phải thành công ở cả hai thị trường này nếu muốn thành công trên toàn cầu. Nhưng Windows Phone vẫn có rất ít thị phần tại cả hai quốc gia này".

Microsoft có sẵn tiền ủng hộ Windows Phone lâu dài

Mặc dù Windows Phone gặp nhiều khó khăn, song các nhà phân tích đều đồng ý rằng Microsoft sẽ ủng hộ Windows Phone lâu dài, ngay cả khi nền tảng này không có được 10% thị phần và vẫn giẫm chân ở vị trí thứ 3.

"Tôi cho rằng thị phần Windows Phone sẽ lên chậm, nhưng Microsoft có nhiều nguồn lực và có thể hỗ trợ Windows Phone trong thời gian dài", Gold nói.

Windows Phone gia nhập thị trường smartphone cách đây 3 năm, vào tháng 10/2010. Patrick Moorhead, một nhà phân tích của Moor Insights & Strategy cho rằng "Windows Phone đã gia nhập thị trường quá muộn, song ứng dụng công nghệ mới và sáng tạo".

"Windows Phone xuất hiện muộn màng với màn hình cỡ lớn, kết nối 4G, vi xử lý lõi tứ và đồ họa cấp cao", Moorhead nói. "Vì thế, Microsoft phải nhắm vào thị trường tầm trung, làm tổn hại đến sức mạnh thương hiệu của họ".

Nokia đã giải quyết được nhiều khó khăn này khi ra mắt loạt smartphone gần đây, như mẫu Lumia 1520 màn hình 6 inch, chạy Windows Phone 8. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu một chiếc smartphone với các thông số cao cấp như 1520 có thể giúp doanh số gia tăng bao nhiêu. Bởi Windows Phone tăng trưởng tốt nhất tại Mỹ là nhờ các mẫu Lumia cấp thấp như 521.

Nokia Lumia 521

Với Lumia 521 và các thiết bị khác trong phân khúc này, Nokia và Windows Phone có thể dần dần xây dựng sức mạnh, nhưng điều đó cũng khiến Nokia và Microsoft khó khăn hơn để xây dựng một nhãn hiệu mà khách hàng muốn mua. Có được một "nhãn hiệu khát vọng… vẫn là chìa khóa để gia tăng thị phần", Burden nói. "Điều này cũng đúng với các thị trường châu Á Thái Bình Dương".

Một tiêu chí quan trọng để Windows Phone tăng trưởng là thị trường mục tiêu của họ. "Microsoft cần quyết định rõ họ muốn trở thành sản phẩm cao cấp hay vẫn là một nhãn hiệu tầm trung", Moorhead nói.

Windows Phone phải có chỗ đứng trong doanh nghiệp

Còn một câu hỏi nữa là Microsoft sẽ phục vụ thị trường doanh nghiệp như thế nào? Một khi Microsoft kết hợp hệ điều hành Windows Phone với hệ điều hành Windows (và có thể cả Windows RT), hãng có thể dễ dàng bán smartphone cho các doanh nghiệp đã quen với môi trường Microsoft.

Tuy nhiên, Microsoft cũng phải hiểu rằng với chính sách để nhân viên tự quyết định sẽ dùng thiết bị nào, các doanh nghiệp sẽ lựa chọn những mẫu smartphone đang "hot" trên thị trường tiêu dùng. "Microsoft nhất định phải quen thuộc với người tiêu dùng thì mới thúc đẩy được mối quan tâm của doanh nghiệp", Restivo nói.

Đến bao giờ các hệ điều hành Microsoft mới hợp nhất?

Tương lai hội tụ giữa Windows Phone, Windows và Windows RT dường như là điều không thể tránh khỏi, vấn đề là khi nào. Theo một số thông tin, hệ điều hành Windows Phone 8.0 hiện nay sẽ nâng cấp lên Windows Phone 8.1 vào mùa Xuân tới.

Nhưng một thay đổi lớn hơn dự kiến sẽ xảy ra vào mùa xuân năm 2015, khi Microsoft tiết lộ các cập nhật dành cho Xbox One, Windows, và Windows Phone dưới một tên mã "Threshold". Chúng sẽ chia sẻ nhiều điểm chung, nhưng vẫn chưa hợp nhất hoàn toàn.

Xbox One, Windows 8 và Windows Phone 8 hiện đã chia sẻ một nhân (kernel) chung, nhưng Threshold sẽ hỗ trợ nhiều điểm chung hơn nữa, đúng như chủ đề "Một Microsoft" mà CEO Steve Ballmer đã từng tuyên bố hồi tháng Bảy vừa qua.

Một số tin bên lề lại cho rằng, Microsoft có thể tạo ra một hệ điều hành lai giữa Windows RT và Windows Phone, mặc dù nhiều nhà phân tích hy vọng Windows RT sẽ bị khai tử vì doanh số các tablet Windows RT khá èo uột. Tương lai về một hệ điều hành hội tụ tại Microsoft có thể sẽ còn rất xa chứ không phải là vào năm 2015.

Microsoft có phản ứng khác thường

Microsoft sẽ không nói khi nào Windows Phone 8.1 xuất hiện, cũng như không xác nhận bất cứ gì về Threshold. Tuy nhiên, một đại diện của công ty đã nêu vấn đề một cách khá bí ẩn khi được hỏi về tương lai của Windows RT và Threshold. Thông thường, Microsoft sẽ chỉ nói một cách đơn giản rằng hãng không có ý kiến với các tin đồn, nhưng lần này, cách trả lời của Microsoft có vẻ hơi khác. Liệu điều này có hé lộ chút gì về tương lai hội tụ của Microsoft?

"Chúng tôi không có gì để chia sẻ về Threshold hay sự hội tụ của Windows Phone và Windows RT, nhưng chúng tôi cũng mong đợi những cơ hội như thế ở phía trước", đó là nguyên văn câu nói mà đại diện Microsoft đã phát biểu.

Hoàng Lan

Theo PCWorld

Chủ đề khác