VnReview
Hà Nội

Tại sao giá TV rẻ đến vậy?

Ba lý do chính: (1) Người tiêu dùng biết giá TV sẽ tiếp tục giảm; (2) Sản xuất TV ngày càng hiệu quả; (3) Tất cả TV về cơ bản là giống nhau.

Ở thời điểm mà cảm giác là chẳng có thứ gì sẽ rẻ đi thì bạn có thể khuây khỏa khi biết có một sản phẩm thiết yếu – tức là bạn thường sử dụng hàng ngày – có giá bán chỉ ngang với giá 10 năm trước nhưng chất lượng, kích cỡ tốt hơn nhiều.

Đó là chiếc TV.

Giá TV từ hàng thập kỷ trở lại đây giảm kinh ngạc không chỉ là một xu hướng lịch sử. Nếu bạn quan sát kỹ hơn, hãy kiểm tra ở các cửa hàng bán điện tử tiêu dùng thì có thể thấy các nhà bán lẻ vẫn giảm giá TV và người dùng tiếp tục chờ thêm tuần nữa để có giá giảm hơn nữa.

Bình thường có thể thấy giá TV thường được niêm yết mới với giá sau thường thấp hơn giá trước đó. Chưa kể, vào các dịp mua sắm như cuối tuần, cuối năm, đại hội thể thao… các nhà bán lẻ tổ chức giảm giá, khuyến mại đặc biệt.

Người tiêu dùng chờ giá giảm để mua là một trong ba lý do được giải thích cho việc tại sao giá TV rẻ (ít nhất là so với nhiều năm trước đây) như vậy.

Giảm giá TV

Người dùng thường chờ đợi dịp TV giảm giá mới rút hầu bao

Tuy nhiên, nến lý do này chưa đủ để thuyết phục bạn thì bạn sẽ có một lý do nữa. Đó là bởi sản xuất TV đã trở nên thực sự hiệu quả. Đây là một câu chuyện phổ biến trong thế giới điện tử: Sản phẩm đầu ra mắt có tiếng vang lớn. Những người mua đầu là những người giàu có. Các công ty khác học theo. Chuỗi cung cấp cải thiện. Chi phí giảm mạnh. Giá cũng được giảm theo. Nhiều người tiêu dùng sau này mua nhiều hơn. Lợi nhuận biên bị co hẹp. Các nhà sản xuất phải chấp nhận thực tế con bò sữa đã cạn sữa.

Câu chuyện này từng xảy ra với đầu đĩa DVD. Nó cũng đang diễn ra với TV màn hình phẳng. Các nhà sản xuất ngày càng tìm ra được nhiều công nghệ sản xuất màn hình hiển thị hiệu quả hơn. Cạnh tranh gay gắt buộc giá cả giảm xuống. Tôi còn nhớ, cách đây khoảng chục năm, một chiếc TV Sony Bravia Trinitron loại CTR màn hình 21 inch khoảng 7-8 triệu đồng. Hiện nay, một chiếc TV Sony Bravia LCD màn hình phẳng, kích cỡ 32 inch cũng khoảng… 8 triệu đồng.

Nguyên nhân cuối cùng khiến giá TV quá rẻ là bởi chúng giống nhau một cách chán ngắt.

Với nhiều gia đình, một chiếc TV "phù hợp" là chỉ có hai yếu tố: Chất lượng hình ảnh và kích cỡ màn hình. Hầu hết các nhà sản xuất TV tốt nhất cung cấp các sản phẩm TV cỡ lớn với hình ảnh sắc nét, sống động tương đương – điều đó có nghĩa là sản phẩm TV chẳng có nhiều tính năng độc đáo khác biệt và người dùng chẳng có nhiều để lựa chọn.

Điều này làm cho TV khác với máy tính bảng chẳng hạn. Bạn có thể so sánh iPad và BlackBerry Playbook ở trên khắp mọi phương diện: cỡ màn hình, chất lượng hiển thị hình ảnh, tốc độ, kết nối, độ nhạy của màn hình, kho ứng dụng…

iPad thực sự khác so với BlackBerry PlayBook. Còn một chiếc TV Sony 40 inch thì thực sự giống với một chiếc TV Panasonic hay TV Samsung. Điều này làm cho nhà sản xuất khó mà xây dựng được "thương hiệu đẳng cấp". Bạn có thể trả thêm tiền cho một sản phẩm Apple bởi bạn biết rõ những gì Apple đem lại hơn hẳn các sản phẩm khác có giá tương tự. Nhưng TV không có cái khác biệt tương tự như thế.

Kết quả là giá bán TV có xu hướng hội tụ về giá thành hơn các sản phẩm khác.

Châu Giang

Chủ đề khác