VnReview
Hà Nội

Lo ngại Sopa và Pipa đánh sập Internet

Hạ viện Mỹ đang mang ra thảo luận dự luật ngăn chặn vi phạm bản quyền trên mạng (Sopa) và dự luật về sở hữu trí tuệ (Pipa) cho phép kiểm duyệt các website nước ngoài và đánh sập nó nếu nhận thấy có sự vi phạm bản quyền.

Anti SOPA, PIPA

Nhiều doanh nghiệp Mỹ như Google, Twitter, Facebook đã lên tiếng phản đối hai dự luật Sopa và Pipa

Sopa là viết tắt của chữ Stop Online Piracy Act. Đây là dự luật nhằm chống nạn vi phạm bản quyền nội dung số như âm nhạc, phim ảnh hay trò chơi.

Theo nội dung Sopa, nếu phát hiện một website nước ngoài chứa hay có liên quan đến các nội dung vi phạm bản quyền, chính quyền Mỹ có quyền:

- Chặn dân Mỹ truy cập đến website đó;

- Yêu cầu các công cụ tìm kiếm của Mỹ như Google, Bing… loại bỏ kết quả dẫn đến website vi phạm;

- Ra lệnh cho các dịch vụ thanh toán trực tuyến vô hiệu hóa tài khoản giao dịch từ website vi phạm

- Các dịch vụ quảng cáo trực tuyến như Google AdSense từ chối làm ăn với website vi phạm.

Pipa là viết tắt của Protect-IP Act. Đây là dự luật có mục tiêu trao quyền cho chính phủ Mỹ và các chủ sở hữu bản quyền công cụ bổ sung để hạn chế truy cập đến "các trang web giả mạo chuyên để lừa đảo hoặc hàng giả, đặc biệt là những website đăng ký bên ngoài nước Mỹ".

Hai dự luật này đang bị chính dư luận Mỹ cũng như các công ty Internet lớn của Mỹ phản đối vì chúng cho phép chính phủ Mỹ kiểm duyệt các website nước ngoài và đánh sập những website nước ngoài bị kết tội vi phạm bản quyền hay sở hữu trí tuệ và sự đe dọa đến sự tồn vong của Internet.

Chẳng hạn, nếu như hai dự luật này được thông qua, các mạng xã hội như YouTube, Facebook phải xác minh bản quyền nội dung do người dùng đăng tải. Đây là một quá trình phức tạp và khó khăn. Chưa kể, nếu một bên khác cũng nắm giữ một bản sao chép của nội dung trên và xác nhận bản quyền với nhà cung cấp dịch vụ sớm hơn thì người dùng đăng sau sẽ gặp rắc rối lớn về pháp lý.

Nếu hai dự luật được thông qua, đây sẽ là thảm họa đối với chính các nhà cung cấp dịch vụ Internet Mỹ như Google, Facebook, Twitter… vì không ít nội dung như nhạc, ảnh, sách… do người dùng mạng xã hội của các doanh nghiệp này chia sẻ cho nhau là vi phạm bản quyền. Nếu các trang của người dùng bị đánh sập vì vi phạm bản quyền thì có nghĩa, các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải đóng cửa.

Châu Giang

Chủ đề khác