VnReview
Hà Nội

Teen hiến kế giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm 400 triệu USD mỗi năm

Cậu bé 14 tuổi Suvir Mirchandani vừa khiến cho dư luận Mỹ xôn xao khi tuyên bố Chính phủ Mỹ có thể tiết kiệm tới 400 triệu USD mỗi năm nếu làm theo cách của cậu - đổi font chữ trong các văn bản.

Suvir Mirchandani là một học sinh người Mỹ gốc Ấn. Trong thời gian học tại trường trung học cơ sở Dorseyville ở Pittsburgh, cậu tham gia một đề tài nghiên cứu khoa học. Mục đích của đề tài là tìm cách tiết kiệm chi phí hoạt động của trường. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Suvir nhận thấy các học sinh trung học sử dụng nhiều giấy hơn hẳn so với học sinh tiểu học. Sử dụng giấy tiết kiệm là một cách cắt giảm chi phí cho trường, đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường. Thực ra, từ trước đến nay mọi người đều biết đến một số cách tiết kiệm giấy như tái chế, in trên hai mặt giấy, nhưng chỉ có Suvir là nhìn ra một khía cạnh khác - tiết kiệm mực in trên giấy.

"Mực đắt gấp hai lần nước hoa Pháp", Suvir khẳng định. Thực ra cậu bé này đã đúng. Nước hoa Chanel No.5 có giá 38 USD mỗi ounce (28,35g), trong khi mực in Hewlett-Packard cùng định lượng có giá tới 75 USD.

Vậy làm sao để tiết kiệm mực in trên giấy? Bằng cách thu thập ngẫu nhiên các phiếu bài tập mà thầy giáo phát cho học sinh, Suvir tập trung xem xét các ký tự được sử dụng thường xuyên như e, t, a, o và r. Cậu phân tích các ký tự này thay đổi thế nào khi sử dụng với font chữ Garamond, Times New Roman, Century Gothic và Comic Sans. Cậu tính lượng mực in sử dụng cho mỗi ký tự bằng phần mềm APFill Ink Coverage.

Tiếp theo, cậu phóng to các chữ, in chúng, rồi cắt ra để cân đo. Cậu tiến hành thử nghiệm này tới ba lần nhằm xác định chính xác số lượng mực in sử dụng với mỗi loại font.

Từ những phân tích của mình, Suvir phát hiện ra rằng nếu sử dụng Garamond - một loại font chữ có đường nét thanh mảnh, thì trường học của cậu sẽ cắt giảm được 24% số lượng mực tiêu thụ, tương đương tiết kiệm được 21.000 USD mỗi năm.

Được sự khuyến khích của thầy giáo, Suvir đã gửi nghiên cứu của mình tới tạp chí Journal for Emerging Investigators (JEI). Đây là một tạp chí uy tín do một nhóm sinh viên sau đại học Havard sáng lập. Những nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí này thường được xem xét đánh giá bởi các sinh viên sau đại học cũng như chuyên gia các viện nghiên cứu.

Sarah Fankhauser, một trong những người sáng lập JEI cho biết từ năm 2011 đến nay tạp chí đã nhận được gần 200 đề tài khoa học, nhưng đề tài của Suvir thực sự nổi bật. Nó đơn giản, dễ hiểu, dễ hình dung. Bài viết đã nhận được sự phản hồi rất lớn từ người đọc. Nhưng Suvir chưa dừng lại ở đó.

Giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm tiền

Theo yêu cầu của JEI, Suvir đã nghiên cứu ở cấp độ cao hơn - cấp độ chính phủ liên bang. Hàng năm, chính phủ Mỹ tiêu tốn 1,8 tỷ USD cho các tài liệu in ấn. Suvir đã in ra 5 mẫu giấy tờ trên website của Văn phòng In ấn Chính phủ để thí nghiệm và vẫn rút ra kết luận đơn giản: Thay đổi font chữ sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền!

Theo Suvir, mỗi năm ước tính Cục Quản lý Dịch vụ của chính phủ tiêu tốn 467 triệu USD cho mực in. Nếu sử dụng font Garamond thì chính phủ Mỹ có thể tiết kiệm 30% chi phí, tức là khoảng 136 triệu USD. Nếu các chính quyền tiểu bang cũng tham gia thì sẽ tiết kiệm được thêm 234 triệu USD.

Gary Somerset - người phụ trách quan hệ công chúng của Văn phòng In ấn Chính phủ (GPO) đã mô tả phát hiện của Suvir là "rất đáng chú ý". Tuy nhiên, ông không hứa hẹn gì về việc GPO sẽ thay đổi font chữ trong các văn bản. Ông nói rằng GPO chỉ đang nỗ lực đưa các nội dung hành chính giấy tờ lên web. Ông Gary cho biết: "Năm 1994, mỗi ngày chúng tôi in ra khoảng 20.000 giấy tờ các loại, nhưng đến nay chúng tôi chỉ còn in khoảng 2.500 tờ mỗi ngày".

Sau khi phóng viên truyền hình CNN tiến hành phỏng vấn Suvir, cậu đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía người xem. Tuy nhiên đa phần đều không đồng tình với cách suy nghĩ của cậu. Chuyên gia in ấn Thomas Phinney đã đăng một bài phản biện trên blog của mình. Ông Phinney cho biết các công việc in ấn của chính phủ thường được thực hiện thông qua hợp đồng với các nhà in. Chi phí hợp đồng in ấn được tính trên số trang in chứ không dựa vào lượng mực. Ngoài ra, nếu tiết kiệm mực bằng cách chuyển sang loại font thanh mảnh hoặc giảm kích thước font chữ thì sẽ gây khó khăn cho những người mắt kém, thậm chí gây tổn hại cho sự phát triển của trẻ em.

Cũng giống suy nghĩ của Phinney, một người có nickname là Peter42Y đã đăng ý kiến trên trang điện tử New York Daily News rằng: "Những người mắt kém thì sao? Có phải ai cũng có đôi mắt tinh tường như thiếu niên đâu". Một nick khác là Edgarhal thì nói: "Suvir cậu hãy thử tưởng tượng là mình 64 tuổi xem còn coi đó là một ý tưởng hay không!".

Ở tuổi 14, Suvir cũng đã nhận thức được những khó khăn trong việc áp dụng ý tưởng của mình vào thực tế, nhưng cậu cũng không hết hy vọng: "Tôi biết rất khó để thay đổi thói quen của mọi người. Nhưng tôi sẽ rất vui nếu một ngày nào đó ý tưởng của mình được sử dụng".

Bài liên quan:

Làm thế nào để tiết kiệm mực in

Đăng Khoa

Tổng hợp từ CNN, NY Daily News và The Atlantic

Chủ đề khác