VnReview
Hà Nội

150.000 chữ ký ra yêu sách với Apple

Một nhà hoạt động Mỹ thông qua website Change.org đã thu thập được hơn 150.000 chữ ký đòi Apple bảo vệ công nhân ở các nhà máy Trung Quốc thuộc chuỗi cung cấp của Apple.

Công nhân ở một nhà máy Foxconn ở Trung Quốc. Foxconn là một đối tác sản xuất lớn nhất của Apple

Công nhân ở một nhà máy Foxconn ở Trung Quốc. Foxconn là một đối tác sản xuất lớn nhất của Apple

"Các ông tuyên bố là phải nghĩ khác. Tôi muốn tiếp tục sử dụng và yêu thích những sản phẩm các ông làm ra bởi vì chúng đang thay đổi thế giới và đã thay đổi cuộc sống của tôi. Nhưng tôi cũng muốn khi tôi mua các sản phẩm của các ông, nó không chứa cái giá sự đau khổ khủng khiếp của con người", Mark Shields, một người dùng các sản phẩm thương hiệu có chữ "i" đứng đầu đã viết thư ngỏ gửi Apple như vậy.

Ông Mark Shields là một nhà hoạt động xã hội ở Washington D.C. Gần đây nhất, ông đã lập website Change.org để kêu gọi Apple can thiệp vào điều kiện lao động hà khắc ở các nhà máy sản xuất cho hãng ở Trung Quốc như giới truyền thông Mỹ gần đây đưa tin.

Dựa trên những bình luận gắn kèm theo lời kêu gọi của Mark Shields, rõ ràng rằng rất nhiều người ký tên - cũng như ông Shields – là người hâm mộ Apple và họ đang kêu gọi Apple hành động để bảo vệ quyền của các công nhân trong chuỗi sản xuất của hãng – một mạng lưới đối tác toàn cầu bao gồm những tên tuổi đình đám như Samsung, Sony, Foxconn… và cả những công ty ít tên tuổi như TriQuint Semiconductor.

Shields viết trên trang Change.org rằng ông đã sốc sau khi nghe một bản tin trên đài phát thanh hôm 6/1 mô tả chi tiết những hành vi lạm dụng công nhân ở các nhà máy Trung Quốc sản xuất sản phẩm cho Apple. Chẳng hạn như công nhân phải làm việc nhiều giờ liền với công việc lặp đi lặp lại, có người xương cổ tay bị tổn thương tệ đến mức tay họ mất khả năng sử dụng hoàn toàn. Trong lá thư gửi Apple, ông Shields nói vấn đề tổn thương cổ tay có thể giảm bớt nếu đơn giản công nhân xoay qua các nhiệm vụ khác nhau thay vì hoạt động một kiểu hết giờ này sang giờ khác trong một ca làm việc mà theo CNN đưa tin là có thể lên đến 35 giờ.

Kiến nghị của ông Shields có hai yêu cầu: Trước tiên, kêu gọi Apple lập một "chiến lược bảo vệ công nhân" để thể hiện hãng sẽ bảo đảm các công nhân an toàn thế nào trong suốt thời gian ra mắt các sản phẩm mới – thời điểm mà ông Shields nói là các vụ thương tích xảy ra nhiều nhất do nhu cầu sản lượng lớn trong một thời gian ngắn.

Đòi hỏi thứ hai là Apple phải công bố các kết quả giám sát của Hiệp hội lao động công bằng (FLA) về điều kiện làm việc của các nhà cung cấp cho Apple. Hồi tháng 1/2012 Apple tuyên bố họ sẽ để FLA tiến hành các cuộc kiểm tra độc lập ở các nhà cung cấp linh kiện của mình. Thông báo này ra đồng thời với việc lần đầu tiên, Apple công bố danh sách 156 nhà cung cấp đối tác. CEO Apple, ông Tim Cook cũng cho biết hãng đã tiến hành 229 cuộc kiểm tra các nhà cung cấp trong năm 2011. Theo hãng tin Reuters, số vi phạm bị phát hiện tăng 80% so với năm 2010. Trong số đó có vi phạm về sử dụng lao động trẻ em.

"Tất cả những điều này có nghĩa mỗi năm qua đi, công nhân sẽ được đối xử ngày càng tốt. Nhưng đó không phải là điều chúng tôi cảm thấy như chúng tôi đã làm những gì có thể làm. Vẫn còn nhiều việc phải làm nữa", ông Tim Cook nói.

Sau khi báo New York Times vừa đăng một bài điều tra dài về điều kiện lao động tồi tệ của công nhân ở nhà máy sản xuất iPhone, iPad cho Apple, ông Tim Cook đã viết thư gửi cho nhân viên, trong đó có đoạn:

"Điều chúng ta sẽ không làm – và chưa bao giờ làm – là đứng yên hoặc nhắm mắt làm ngơ với những vấn đề ở chuỗi cung cấp của chúng ta. Bất kỳ ngụ ý nào nói chúng ta không quan tâm là hồ đồ và xúc phạm chúng ta".

Châu Giang

Chủ đề khác