VnReview
Hà Nội

Sự thật đáng xấu hổ sau chiếc iPhone, iPad

"This American Life" vừa phát một chương trình đặc biệt về quy trình sản xuất sản phẩm của Apple khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhiều công nhân tại nhà máy trong chuỗi sản xuất của Apple mới chỉ 13 tuổi, nhiều người làm việc trung bình 14-16h/ngày, thậm chí 34h và chết vì kiệt sức.

Công nhân ở nhà máy Foxconn

Công nhân ở nhà máy Foxconn

Hâm mộ iPhone, iPad, chấp nhận giá thành của chúng, cũng như khâm phục mức siêu lợi nhuận của Apple nên chúng ta quên mất một điều rằng, mức giá thấp của iPhone hay iPad và lợi nhuận khổng lồ của Apple là nhờ vào lượng lao động có thể xem là bất hợp pháp ở Mỹ.

Thực tế là những người mà chính tay họ làm ra iPhone và iPad, chẳng thể đủ khả năng sở hữu những sản phẩm này. Thậm chí, họ còn chưa bao giờ nhìn thấy chúng một cách hoàn chỉnh. Đây là một vấn đề phức tạp nhưng cũng rất quan trọng. Và khi nền kinh tế thế giới đang xích lại gần nhau hơn như hiện nay, vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng.

Tuần trước, chương trình "This American Life" của NPR, do hai phóng viên Mike Daisey và Nicholas Kristof thực hiện, đã làm một phóng sự đặc biệt về quy trình sản xuất sản phẩm của Apple. Và có nhiều chi tiết của chương trình khiến mọi người đi từ bất ngờ đến kinh ngạc.

Những công nhân 13 tuổi

Thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc là nơi mà hầu hết những chi tiết của iPhone được sản xuất. Cách đây 30 năm, Thâm Quyến chỉ là một ngôi làng nhỏ. Nhưng hiện tại, nó là một thành phố với 13 triệu dân và lớn hơn cả New York.

Foxconn - một trong những công ty làm ra iPhone và iPad (và nhiều sản phẩm khác cho các hãng điện tử khác) - có một nhà máy tại Thâm Quyến với 430.000 nhân công. Có 20 quán ăn tự phục vụ tại nhà máy Foxconn Thâm Quyến. Mỗi quán ăn này trung bình phục vụ 10.000 người.

Một nữ công nhân của Foxconn được phỏng vấn bên ngoài công nhà máy, mới chỉ 13 tuổi. Nhà máy được bao quanh bởi rất nhiều bảo vệ được trang bị súng. Cô bé 13 tuổi cho biết Foxconn không thực sự kiểm tra độ tuổi. Trước đây, có những người đến kiểm tra nhiều lần nhưng Foxconn luôn biết trước việc này. Vì thế trước khi thanh tra đến, Foxconn chỉ cần đổi vị trí người công nhân trẻ cho một người già hơn.

Trong 2 tiếng đầu tiên ở bên ngoài cổng nhà máy, Mike Daisey đã được rất nhiều công nhân cho biết họ mới chỉ 13 hay 14 tuổi, thậm chí 12 tuổi (bên cạnh những người lớn tuổi khác). Daisey ước tính có khoảng 5% số công nhân mà ông bắt chuyện ở dưới tuổi vị thành niên.

Daisey cho rằng Apple, là người giám định từng chi tiết, nên phải biết điều này. Còn nếu hãng không biết thì chỉ có một nguyên nhân đó là do Apple "cố tình" không biết.

Điều kiện làm việc hà khắc

Daisey cũng tới thăm nhiều nhà máy khác tại Thâm Quyến trong vai một khách hàng tiềm năng. Ông ta khám phá ra rằng hầu hết các nhà máy đều là những căn phòng khổng lồ với sức chứa tới 20.000 – 30.000 công nhân. Căn phòng rất im lặng. Ở đó không có máy móc và không được phép trò chuyện. Bởi chi phí lao động quá rẻ, tất cả đều được làm bằng tay.

Giờ làm việc của các công nhân Trung Quốc là 60 tiếng. Tuy nhiên nó không như giờ làm việc ở Mỹ, có thể bao gồm cả giờ nghỉ giải lao cho sử dụng Facebook, tắm rửa, gọi điện thoại, trò chuyện...

Số giờ làm việc chính thức ở Trung Quốc là 8h/ngày, nhưng tiêu chuẩn này đã chuyển lên thành 12h. Nói chung, mức thay đổi này có thể lên đến 14 - 16h, đặc biệt là khi có những chi tiết mới cần sản xuất. Trong thời gian Daisey thăm Thâm Quyến, một công nhân của Foxconn đã chết sau khi làm liên tục 34h.

Dây chuyền sản xuất chỉ có tốc độ nhanh nhất trừ phi người công nhân làm việc chậm nhất. Vì vậy tất cả các công nhân đều bị theo dõi bằng camera, hầu hết đều phải đứng.

Các công nhân ở trong ký túc xá. Trong một căn phòng bằng xi măng rộng 12m2, Daisey đếm được có 15 chiếc giường, đều là giường tầng cao tới tận trần nhà. Những chiếc giường này có kích cỡ nhỏ, không thể vừa đối với một người Mỹ bình thường.

Một vài công nhân đã không thể tiếp tục làm việc bởi tay của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi lặp đi lặp lại một công việc hàng trăm nghìn lần trong nhiều năm. Vấn đề này có thể tránh được một cách đơn giản nếu người lao động chuyển công việc. Một khi tay của mình có vấn đề, hiển nhiên là những người công nhân này sẽ bị sa thải.

Một cựu công nhân đã yêu cầu công ty phải trả tiền cho giờ làm việc thêm của mình và khi công ty này từ chối, cô đã tìm đến hội đồng quản trị lao động. Hội đồng này sau đó đã liệt cô vào một danh sách đen được lưu hành ở tất cả các công ty trong khu vực. Các công nhân trong danh sách đen được cho là những kẻ "gây rối" và các công ty khác sẽ không thuê họ.

Một người đàn ông đã bị nghiền nát tay khi làm việc tại Foxconn. Thế nhưng Foxconn không tiến hành chăm sóc y tế cho anh ta. Khi bàn tay của người đàn ông được chữa lành, nó không thể làm việc được nữa. Vì thế Foxconn đã sa thải ông.

Daisey cho người đàn ông xem chiếc iPad của mình, ông ta nói rằng mình chưa từng thấy thứ như thế này bao giờ. Ông cầm lên thử sử dụng, rồi sau đó gọi nó là "ma thuật". Trớ trêu thay ông lại chính là người sản xuất ra vỏ bọc kim loại cho iPad tại Foxconn.

Bóc lột hay làm giàu cho người nghèo Trung Quốc?

Quan trọng hơn, những nhà máy ở Thâm Quyến, vốn như một địa ngục, đem lại lợi ích cho người dân Trung Quốc, theo nhà kinh tế học Paul Krugman. Nhà báo của New York Times, Nicholas Kristof cũng nói như vậy. Vợ của Kristof; là người Trung Quốc, và tổ tiên của cô sống ở một ngôi làng gần Thâm Quyến. Vì vậy Kristof hiểu những gì mình nói. Theo ông, sự "nghiệt ngã" của những nhà máy, vẫn tốt hơn so với sự "nghiệt ngã" của những cánh đồng lúa.

Nếu nhìn theo cách này, ta có thể thấy Apple đang giúp túi tiền của những người tiêu dùng giàu có ở Mỹ và châu Âu chảy sang túi của những người công nhân nghèo Trung Quốc.

Nếu không có Foxconn và những dây chuyền sản xuất khác, các công nhân Trung Quốc sẽ vẫn phải làm việc trên cánh đồng lúa với mức lương 50 USD/tháng thay vì 250 USD/tháng (theo Reuters, năm 2010, Foxconn trả cho công nhân trung bình 298 USD/tháng, hay 10 USD/ngày). Với số tiền này, những người công nhân đang kiếm được một công việc tốt hơn so với trước kia. Đặc biệt là đối với phụ nữ, khi họ đã có thêm vài sự lựa chọn thay thế khác.

Nhưng, tất nhiên, nguyên nhân chính mà Apple xây dựng nhà máy lắp ráp iPhone và iPad tại Trung Quốc thay vì Mỹ hay châu Âu vẫn là do họ có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Bởi vì tại Mỹ hay châu Âu đòi hỏi phải thiết lập những tiêu chuẩn tối thiểu trong việc đối xử và trả lương cho công nhân. Còn với Foxconn, có lẽ chẳng cần phải nói nhiều, luôn tuyển dụng mà không cần đi kèm bất cứ tiêu chuẩn tối thiểu nào.

Nếu Apple cho xây dựng nhà máy lắp ráp iPhone và iPad tại Mỹ và sử dụng nhân công Mỹ thì sẽ có hai vấn đề xảy ra: Hoặc là giá của iPhone và iPad sẽ tăng cao, hoặc là lợi nhuận của Apple sẽ giảm xuống.

Cả hai điều trên đều chẳng hề tốt cho người tiêu dùng Mỹ hay cho Apple. Nhưng không giống như nhiều công ty điện tử khác, lợi nhuận của Apple là quá cao nên dù có giảm xuống đi chăng nữa, nó vẫn ở mức cao.

Hiện tại Apple hoàn toàn có đủ khả năng để tuân theo nội quy lao động Mỹ khi tiến hành sản xuất iPhone và iPad mà không lo việc kinh doanh của mình bị sụp đổ.

Nhiều người đang đặt câu hỏi tại sao Apple KHÔNG làm như vậy?

Theo Business Insider/ VEF

Chủ đề khác