VnReview
Hà Nội

Giá thành con người để làm ra iPad (III)

Mặc dù Apple đã có quy tắc ứng xử đối với các nhà cung cấp nhưng việc bóc lột lao động vẫn xảy ra tại nhiều nhà máy trong chuỗi cung cấp của hãng. Tại sao Apple nhắm mắt làm ngơ?

Phần 3 bài điều tra "In China, Human Costs Are Built Into an iPad" đăng trên New York Times hôm 25/1.

Bài liên quan

Giá thành con người để làm ra iPad (I)

Giá thành con người để làm ra iPad (II)

công nhân làm iPhone

Quy tắc ứng xử của Apple

Trong năm 2005, một số nhà quản lý hàng đầu của Apple đã được triệu tập tham gia một cuộc họp đặc biệt bên trong trụ sở của hãng ở Cupertino, California. Các công ty khác đã xây dựng quy tắc ứng xử để giám sát nhà cung cấp của mình. Apple quyết định đã đến lúc họ phải đi theo luật chơi chung. Quy tắc Apple công khai năm đó yêu cầu "các điều kiện làm việc trong chuỗi cung cấp của Apple là an toàn, rằng công nhân được đối xử tôn trọng và phẩm giá, và rằng các quy trình sản xuất có trách nhiệm với môi trường".

Nhưng năm sau đó, tờ báo Anh The Mail số Chủ nhật đã bí mật thăm một nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến (Trung Quốc), nơi sản xuất máy nghe nhạc iPod và đã đưa tin về việc công nhân làm việc nhiều giờ, ký túc xá chật chội, trừng phạt bằng cách bắt chống đẩy. Các giám đốc ở Cupertino bị sốc. "Apple tràn ngập người thực sự tốt, những người không biết điều này đang diễn ra", một cựu nhân viên Apple nói. "Chúng tôi muốn tình trạng này thay đổi, ngay lập tức".

Apple đã kiểm tra nhà máy đó, là cuộc điều tra đầu tiên của hãng về điều kiện làm việc của công nhân ở nhà máy của đối tác, và đã ra các yêu cầu cải thiện. Các giám đốc cũng tiến hành một loạt sáng kiến, trong đó có báo cáo thanh tra hàng năm. Báo cáo đầu tiên được công khai năm 2007. Vào cuối năm ngoái, Apple đã thanh tra 396 cơ sở - gồm các nhà cung cấp trực tiếp và nhiều nhà cung cấp cung cấp linh kiện cho họ. Đây là một trong những chương trình kiểm tra chuỗi cung cấp lớn nhất trong ngành điện tử.

Theo các tóm tắt được công bố, những cuộc kiểm tra này đã phát hiện nhiều vi phạm quy tắc ứng xử của Apple. Chẳng hạn, trong năm 2007, Apple đã tiến hành hơn 3 chục cuộc kiểm tra, 2/3 trong số đó chỉ ra rằng công nhân thường làm việc quá 60 giờ mỗi tuần. Thêm nữa, có 6 "vi phạm cốt lõi", có nghĩa vi phạm nghiêm trọng nhất, gồm có tuyển dụng lao động 15 tuổi cũng như báo cáo sai sự thật.

Trong ba năm tiếp theo, Apple tiến hành 312 cuộc kiểm tra và mỗi năm, khoảng một nửa hoặc nhiều hơn cho thấy bằng chứng số lượng lớn công nhân lao động hơn 6 ngày mỗi tuần, thời gian làm việc kéo dài. Một số công nhân được trả lương không bằng lương tối thiểu hoặc bị phạt trừ lương. Apple phát hiện 70 vi phạm cốt lõi trong giai đoạn đó, gồm một số trường hợp lao động không tình nguyện, lao động trẻ em, báo cáo sai và hàng trăm công nhân bị thương vì tiếp xúc hóa chất độc hại.

Năm ngoái, Apple đã thực hiện 229 cuộc kiểm tra. Trong một số nhóm loại có sự cải thiện nhẹ và tỷ lệ vi phạm nghiêm trọng bị phát hiện giảm. Tuy nhiên, trong 93 cơ sở, có ít nhất một nửa công nhân làm việc quá giới hạn 60 giờ mỗi tuần. Với con số tương tự, công nhân làm việc hơn 6 ngày một tuần. Ngoài ra có những vụ phân biệt đối xử, không bảo đảm an toàn lao động, không trả tiền làm quá giờ theo yêu cầu và các vi phạm khác. Năm đó, bốn công nhân đã thiệt mạng và 77 công nhân khác bị thương do xưởng đánh bóng vỏ iPad phát nổ.

"Nếu bạn nhìn thấy các vấn đề tương tự, năm này qua năm khác, điều đó có nghĩa là công ty lờ đi vấn đề thay vì giải quyết nó", một cựu giám đốc điều hành của Apple với kiến thức trực tiếp về nhóm trách nhiệm nhà cung cấp nói. "Không tuân thủ được dung thứ, miễn là các nhà cung cấp hứa hẹn lần sau cố gắng hơn nữa. Nếu chúng ta tính đến kết quả kinh doanh thì những vi phạm nghiêm trọng đó sẽ biến mất".

Apple nói khi kết quả kiểm tra phát hiện vi phạm, hãng yêu cầu nhà cung cấp xử lý vấn đề trong vòng 90 ngày và thay đổi để ngăn ngừa tái diễn. "Nếu nhà cung cấp không muốn thay đổi, chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với họ", Apple công bố trên website của hãng.

Tuy nhiên, sự nghiêm túc của lời đe dọa đó không rõ ràng. Apple đã phát hiện vi phạm trong hàng trăm cuộc thanh tra nhưng chưa đến 15 nhà cung cấp bị Apple nghỉ chơi kể từ năm 2007 vì vi phạm quy tắc ứng xử, một cựu giám đốc Apple cho biết.

"Một khi thương vụ được thiết lập và Foxconn trở thành nhà cung cấp được Apple chứng nhận, Apple sẽ không còn để ý đến điều kiện làm việc của công nhân hay bất kỳ thứ gì khác không liên quan đến sản phẩm", ông Li, cựu quản lý của Foxconn nói. Ông Li đã làm việc 7 năm ở Foxconn Thâm Quyến và Thành Đô. Ông cho hay mình đã bị buộc thôi việc hồi tháng 4/2011 sau khi ông phản đối việc di chuyển đến Thành Đô. Còn Foxconn bác bỏ ý kiến của ông Li, nói: "Cả Foxconn và Apple xem vấn đề phúc lợi của công nhân của chúng tôi rất nghiêm túc".

Những nỗ lực của Apple đã tạo ra một số thay đổi. Các nhà máy được thanh tra lại "cho thấy tiếp tục cải thiện và điều kiện lao động tốt hơn", Apple cho biết trong báo cáo về sự tiến bộ về trách nhiệm của các nhà cung cấp năm 2011. Thêm nữa, số nhà máy được kiểm tra đã tăng hàng năm và một số giám đốc nói những nỗ lực mở rộng này đã che khuất những cải thiện hàng năm.

Apple cũng đã huấn luyện hơn 1 triệu công nhân về quyền của họ cũng như các biện pháp ngăn ngừa bệnh tật hoặc tai nạn. Một vài năm trước, sau khi các viên thanh tra sau khi phỏng vấn bí mật các nhân viên nhà máy, họ phát hiện một số công nhân phải trả "phí tuyển dụng" – điều mà Apple xếp vào loại lao động không tự nguyện. Cũng năm đó, Apple đã buộc các nhà cung cấp hoàn lại hơn 6,7 triệu USD các loại phí như vậy.

"Apple là người đi đầu về ngăn chặn lao động trẻ em", Dionne Harrison of Impactt, một công ty Apple thuê để giúp ngăn chặn và phản ứng với lao động trẻ em trong chuỗi cung cấp của hãng. "Họ đang làm nhiều nhất có thể".

Còn các nhà tư vấn khác lại không đồng ý.

"Chúng tôi đã nhiều năm nói với Apple là có những vấn đề nghiêm trọng và khuyến nghị thay đổi", nhà tư vấn ở Business for Social Responsibility (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) nói. Tổ chức này hai lần được Apple thuê để cung cấp tư vấn về các vấn đề lao động. "Họ không muốn đỡ trước vấn đề, họ chỉ muốn tránh những điều xấu hổ".

(Còn tiếp)

Châu Giang

Chủ đề khác