VnReview
Hà Nội

Giá thành con người để làm ra iPad (IV)

Apple là một khách hàng đòi hỏi cao. Được là nhà cung cấp của hãng đã khó, nhưng khi vượt qua các rào cản khó khăn như vậy, họ chỉ nhận được lợi nhuận tối thiểu từ giao dịch với Apple. Muốn công nhân có điều kiện tốt, lợi nhuận càng ít đi. Còn muốn lợi nhuận nhiều hơn, phúc lợi của công nhân bị ảnh hưởng.

Bài liên quan:

Giá thành con người để làm ra iPad (I)

Giá thành con người để làm ra iPad (II)

Giá thành con người để làm ra iPad (III)

công nhân iPad

‘Lẽ ra chúng tôi có thể cứu nhiều mạng sống'

Trong năm 2006, Business for Social Respondsible (BSR) cùng với một bộ phận của Ngân hàng Thế giới và các nhóm khác đã sáng kiến một dự án cải thiện điều kiện làm việc ở các nhà máy lắp ráp điện thoại di động và các thiết bị khác ở Trung Quốc và các nơi khác. Các nhóm và các công ty cam kết sẽ thử nhiều ý tưởng khác nhau. Foxconn đồng ý tham gia.

Trong 4 tháng, (BSR) và một nhóm khác đàm phán với Foxconn tham gia một chương trình thử nghiệm để lập các "đường dây nóng công nhân" để công nhân có thể thông báo các điều kiện lạm dụng, tìm kiếm tư vấn tâm thần và thảo luận các vấn đề nơi làm việc. Theo BSR,; Apple không phải là một thành viên tham gia dự án nhưng được báo cáo tóm tắt về nó. 

Khi các cuộc đàm phán diễn ra, yêu cầu của Foxconn để tham gia liên tục thay đổi. Đầu tiên, Foxconn yêu cầu chuyển từ thiết lập các đường dây nóng mới để đánh giá các đường dây nóng hiện tại. Sau đó, Foxconn khăng khăng rằng tư vấn sức khỏe tâm thần bị loại bỏ. Foxconn yêu cầu các bên tham gia ký các thỏa thuận nói rằng họ sẽ không tiết lộ những gì họ quan sát được và sau đó viết lại các thỏa thuận này nhiều lần. Cuối cùng, một bản thỏa thuận đã diễn ra và dự án được lên kế hoạch thực hiện từ tháng 1/2008. Một ngày trước khi thực hiện, Foxconn đòi hỏi nhiều thay đổi nữa, cho đến khi rõ ràng là dự án sẽ không tiến hành nữa, theo BSR và bản tóm tắt năm 2008 của BSR không có tên Foxconn.

Năm sau đó, một công nhân Foxconn ngã hay nhảy từ một tòa nhà chung cư xuống đất sau khi làm mất một mẫu iPhone. Hơn 2 năm sau đó, ít nhất 18 công nhân Foxconn khác đã cố tự vẫn hoặc ngã từ các tòa nhà. Trong năm 2010, Foxconn đã lập đường dây nóng chuyên tư vấn sức khỏe tâm thần và bắt đầu cung cấp tư vấn tâm lý miễn phí.

"Chúng tôi lẽ ra đã cứu được nhiều mạng sống và chúng tôi đề nghị Apple gây sức ép lên Foxconn nhưng họ không làm", một nhà tư vấn của BSR nói. Người này đề nghị không nêu tên bởi thỏa thuận giữ bí mật thông tin. "Các công ty như HP và Intel, hay Nike thúc các nhà cung cấp của họ. Nhưng Apple muốn giữ một khoảng cách và Foxconn là nhà sản xuất quan trọng nhất của họ vì thế họ từ chối thúc ép".

Ngay sau đó, trong một thông cáo BSR tuyên bố những quan điểm của nhà tư vấn đó không phải là của công ty.

"Các đồng nghiệp BSR của tôi và tôi xem Apple là một công ty đang thực hiện những nỗ lực rất nghiêm túc để đảm bảo rằng các điều kiện lao động trong chuỗi cung cấp của họ đáp ứng kỳ vọng của thực tiễn luật pháp, tiêu chuẩn của công ty và kỳ vọng của người tiêu dùng", chủ tịch BSR, ông Aron Cramer viết. Ông Cramer nói thêm rằng đề nghị Apple thúc ép Foxconn có thể là không phù hợp với mục đích của chương trình thí điểm và có nhiều lý do khiến chương trình đó không thực hiện được.

Trong một thông cáo, Foxconn nói hãng đã hành động nhanh chóng và toàn diện để xử lý các vụ tự tử và "báo cáo đã cho thấy các biện pháp này đã thành công".

Một khách hàng đòi hỏi cao

Mỗi tháng, các sếp ở các công ty trên khắp thế giới khăn gói đến Cupertino hoặc mời các giám đốc Apple đến thăm các nhà máy nước ngoài của họ. Tất cả đều theo đuổi một mục đích: Trở thành nhà cung cấp cho Apple.

Khi có tin tức rằng Apple quan tâm đến một sản phẩm hoặc dịch vụ xuất hiện thường kéo theo các buổi lễ kỷ niệm. Rượu mạnh được tiêu thụ. Các phòng hát karaoke nhộn nhịp.

Sau đó, những yêu cầu của Apple tuôn ra.

Apple đặc biệt yêu cầu nhà cung cấp nói rõ mỗi linh kiện chi phí bao nhiêu, cần bao nhiêu công nhân và quy mô trả lương. Các giám đốc muốn biết mọi thông tin tài chính. Sau đó, Apple tính toán họ sẽ trả bao nhiêu cho một linh kiện. Hầu hết các nhà cung cấp được phép chỉ thu về khoản lợi nhuận mỏng nhất.

Do vậy, nhiều nguồn tin cho hay các nhà cung cấp thường cố cắt xén chi phí, thay thế các hóa chất đắt tiền bằng hóa chất thay thế rẻ hơn hoặc thúc công nhân làm việc nhanh hơn, lâu hơn.

"Cách duy nhất anh kiếm tiền từ làm việc cho Apple là tìm cách làm mọi thứ hiệu quả hơn hoặc rẻ hơn", nột nhà quản lý ở một công ty giúp đưa iPad ra thị trường nói. "Và sau đó, năm tới Apple sẽ trở lại và buộc cắt giảm giá 10%".

Trong tháng 1/2010, các công nhân ở một nhà máy Trung Quốc thuộc sở hữu của Wintek, một đối tác sản xuất của Apple, đã đình công vì nhiều lý do, trong đó có các tin đồn lan rộng rằng công nhân bị phơi nhiễm chất độc. Các cuộc điều tra của báo chí phát hiện rằng hơn 100 nhân viên đã bị thương bởi chất n-hexane, một hóa chất độc hại có thể gây tổn thương thần kinh và tê liệt.

Các công nhân nói họ đã bị buộc phải sử dụng chất n-hexane để làm sạch màn hình iPhone bởi nó bốc hơi nhanh gấp gần 3 lần cọ rửa bằng cồn. Bốc hơi nhanh hơn có nghĩa mỗi phút công nhân có thể cọ rửa màn hình nhiều hơn.

Apple bình luận về các vụ thương vong của công nhân Wintek một năm sau đó. Trong báo cáo trách nhiệm nhà cung cấp, Apple nói họ đã "yêu cầu Wintek chấm dứt sử dụng n-hexane" và rằng "Apple đã làm rõ rằng tất cả các công nhân bị ảnh hưởng đã được điều trị khỏi và chúng tôi tiếp tục giám sát các báo cáo sức khỏe của họ cho đến khi họ hoàn toàn hồi phục". Apple cũng yêu cầu Wintek sửa hệ thống thông gió.

Trong cùng tháng đó, phóng viên báo New York Times đã phỏng vấn hàng tá công nhân Wintek bị thương, những người cho biết họ chưa bao giờ được Apple hoặc người trung gian của Apple liên hệ và rằng Wintek đã gây sức ép với họ từ chức hoặc nhận tiền giảng hòa, có nghĩa công ty thoát trách nhiệm. Sau những phỏng vấn này, Wintek cam kết bồi thường thêm cho các công nhân bị thương và Apple cử đại diện đến nói chuyện với một số người.

Sáu tháng sau, các báo đưa tin Apple cắt giảm giá hợp đồng đáng kể với Wintek.

"Anh có thể định ra tất cả quy định theo ý muốn nhưng chúng là vô nghĩa nếu anh không để các nhà cung cấp đủ lợi nhuận để đối xử tử tế với công nhân", một cựu giám đốc Apple nói. "Nếu anh bóp nghẹt các lợi nhuận biên, anh đang buộc họ cắt giảm an toàn". Người quản lý này biết trực tiếp về nhóm trách nhiệm các nhà cung cấp.

Wintek hiện vẫn là một trong những nhà cung cấp quan trọng của Apple. Trong một thông cáo, Wintek từ chối bình luận trừ việc nói rằng sau vụ nổ, công ty đã thực hiện "nhiều biện pháp" để xử lý tình huống và "cam kết bảo đảm phúc lợi công nhân và tạo môi trường lao động lành mạnh, an toàn".

Nhiều công ty công nghệ lớn đã làm việc với các nhà máy nơi điều kiện lao động bị phàn nàn. Tuy nhiên, các nhà cung cấp và nhà giám sát độc lập nói một số hành động là khác nhau. Các giám đốc ở nhiều nhà cung cấp trong các cuộc phỏng vấn cho biết HP và các hãng khác cho phép họ có nhiều lợi nhuận hơn một chút và các trợ cấp khác nếu chúng được sử dụng để cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.

"Các nhà cung cấp rất cởi mở với chúng tôi", ông Zoe McMahon, một giám đốc trong chương trình trách nhiệm xã hội và môi trường trong chuỗi cung cấp của HP nói. "Họ để chúng tôi biết khi họ đang khó khăn trong việc đáp ứng kỳ vọng của chúng tôi và việc đó ảnh hưởng đến quyết định của chúng tôi".

(Còn tiếp phần cuối)

Châu Giang

Chủ đề khác