VnReview
Hà Nội

Đi tìm “phanh” hãm nạn trộm cắp linh kiện điện tử

Sự kiện mất trộm cắp 333 bản mạch của Galaxy S5 với trị giá trên 800 triệu đồng tại nhà máy Samsung Bắc Ninh chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc mà người Việt bị tuyên án trộm cắp tài sản của cơ quan chủ quản.

Đi tìm căn nguyên của bệnh trộm cắp tài sản

Những ngày vừa qua, cộng đồng xôn xao và có nhiều tranh cãi về vụ việc hai công nhân của nhà máy Samsung tại Bắc Ninh lấy trộm 333 bản mạch của Galaxy S5 với trị giá lên tới trên 800 triệu đồng. Tuy nhiên đó chưa phải là vụ việc đầu tiên mà người lao động Việt Nam bị tuyên án trộm cắp tài sản của cơ quan chủ quản. Nếu tìm kiếm cụm từ này trên Google, ta còn biết được thêm nhiều vụ việc khác như trộm điện thoại Galaxy S3, trộm linh kiện mắt camera, trộm vi xử lý của Galaxy S3…cũng từng xảy ra tại nhà máy Samsung, thuộc KCN Yên Phong, Bắc Ninh.

Tang vật bị thu giữ tại cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh

Những vụ mất cắp, mất trộm tài sản doanh nghiệp được thực hiện thành công từ những thủ đoạn hết sức tinh vi: dùng giấy vệ sinh quấn các bản mạch rồi nhét dưới đế giày có mũi kim loại, giấu linh kiện điện thoại vào trong quần lót…và lần lượt vượt qua các chốt chặn là máy từ, đội ngũ bảo vệ để tuồn trót lọt hàng ngàn linh kiện điện tử ra ngoài. Dường như sự nghèo đói, tiền lương ít ỏi và lòng tham đã khiến một bộ phân người lao động Việt trở nên biến chất và dần bị đồng tiền thao túng.

Nếu nhìn rộng hơn, tình trạng người Việt ăn cắp đã diễn ra ở khắp mọi nơi, ở công sở, ở công ty, nơi công cộng, siêu thị, điểm du lịch... và thậm chí còn lan ra nước ngoài. Những câu chuyện về người Việt ăn cắp, như giám đốc một công ty tên tuổi ở TP.HCM lấy trộm ô dù trong siêu thị tại Nhật, đã lan truyền nhanh trên mạng xã hội khiến nhiều người cũng cảm thấy xấu hổ.

Theo Thanh niên, nhiều siêu thị ở Nhật vì thế đã ghi biển "nhắc nhở", cảnh báo ghi rõ ràng bằng tiếng Việt với nội dung: "Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức", đã được đưa lên mạng.

Bức ảnh chụp biển cảnh báo hành vi ăn cắp vặt tại Nhật vào tháng 6/2013

Không chỉ ở Nhật Bản, mà các nước và vùng lãnh thổ khác như Thái Lan, Đài Loan cũng đều có biển cảnh báo về thói trộm cắp vặt của người Việt, điều đáng buồn là chúng đều được viết bằng tiếng Việt và được "ưu tiên" dành riêng cho người Việt đọc. Những lời cảnh cáo này đã khiến những người Việt chân chính bị vạ lây và cảm thấy buồn và xấu hổ khi hình ảnh, đất nước mình đang trở nên xấu xí trong mắt người nước ngoài. Và có lẽ không it người đã tự hỏi liệu sự tham lam có phải tính cách căn cốt của người Việt? Nó có từ bao giờ và sẽ hạn chế sự phát triển của dân tộc ta ra sao?

Kìm hãm lòng tham như thế nào?

Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên không phải là việc đơn giản, bởi trước kia, người Việt ta luôn tự hào rằng mình dũng cảm, anh hùng, cần cù chịu khó… Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng dân tộc mình vẫn còn có rất nhiều tính xấu như tham lam, lười biếng…

Trong câu chuyện cổ tích mà ông cha ta để lại như Tấm Cám, Cây khế cũng từng lên án lòng tham của con người: Mẹ con Cám vì ham giàu sang, phú quý nên đã tìm cách hãm hại người thân thiết với mình; tương tự, người anh trai cũng vì tham lam tiền bạc nên đã phải mất mạng ở biển khơi…Tính tham lam của không ít người Việt bắt nguồn từ lối sống tiểu nông ngày trước. Đó là quan niệm "đèn nhà ai, nhà nấy rạng", lúc nào cũng tranh đua để được hơn người khác…

Nhưng ngày nay, đời sống xã hội ngày càng mang nhiều màu sắc thì lòng tham của người Việt đã bắt đầu có sự thay đổi muôn hình muôn vẻ. Sự tham lam này dường như ngày càng thể hiện một cách lộ liễu, công khai bằng các hành động, thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của công bằng mọi giá.

Trộm cắp của công là hiện tượng cho thấy lỗ hổng đạo đức của xã hội - Ảnh minh họa

Vậy làm thế nào để khắc phục và giảm thiểu một "căn bệnh" đang dần biến hình ảnh người Việt trở nên xấu xí như thế này? GS. Trần Lâm Biền từng đưa ra nhận định trên Petrotimes rằng lòng tham là bản tính của con người nói chung nhưng có thể trung hòa và khắc chế được. Để khắc chế lòng tham của con người phải xem trọng giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và tiến hành giáo dục xã hội.

"Chúng ta nhất định phải làm tốt khâu giáo dục trẻ con. Phải bảo cho trẻ biết thương người như thế thương thân. Người đầu tiên nó phải thương kính là bố mẹ. Không có tình thương, con người sẽ không có đạo đức.Trong xã hội ngày nay, con người đấu tranh vì quyền lợi. Đấu tranh đòi quyền lợi mà không có nền tảng đạo đức thì con người sẽ đi đến chỗ tha hóa. Đó là quy luật chung", GS. Trần Lâm Biền chia sẻ.

Theo GS. Biền thì lòng tham chỉ là một hiện tượng, một cái biểu hiện rất nhỏ để nói về một vấn đề rất lớn đằng sau. Do đó chúng ta cần phải mở lại sách đạo đức để dạy cho trẻ con. Nếu không nâng cao giáo dục đạo đức, tăng cường giáo dục gắn với truyền thống thì lòng tham, giống như một căn bệnh dễ lây, sẽ lây ra cộng đồng và làm hạn chế sự phát triển của người Việt Nam.

Tin liên quan:

Galaxy S III bị tuồn ra bán với giá rẻ mạt

Gia Lộc

Chủ đề khác