VnReview
Hà Nội

Luật sư Mỹ hiến kế đối phó Trung Quốc

Theo một luật sư Mỹ, Washington nên tuyên bố nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực tại Biển Đông, Mỹ sẽ triển khai hải quân và không quân tới gần khu vực giàn khoan trái phép.

Trong bài viết trên tờ The Daily Caller của Mỹ hôm 3/6, luật sư Paul J. Leaf đồng thời là cựu biên tập viên của tờ Stanford Law Rivew cho rằng, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và điều tàu, máy bay giám sát khu vực này.

Qua hành động này, Bắc Kinh đang dò xét quyết tâm của Washington trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Do vậy, theo ông Paul, Mỹ phải thôi đứng ngoài cuộc trong khi Trung Quốc tăng cường gây hấn ở Biển Đông. Luật sư Paul J. Leaf đưa ra 3 giải pháp nhằm đối phó với Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 4/5. Ảnh: Reuters.

Động thái gây căng thẳng sẽ phải trả giá đắt: Mỹ nên tuyên bố, nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực tại Biển Đông, Washington sẽ triển khai hải quân và không quân tới gần khu vực giàn khoan để khôi phục hòa bình đồng thời Mỹ cũng cần cân nhắc trừng phạt các công ty năng lượng Trung Quốc và giới lãnh đạo nước này.

Bằng cách duy trì tàu cảnh sát biển gần vị trí giàn khoan phi pháp, Việt Nam cho thấy rõ quyết tâm "không chịu khuất phục" trước nước láng giềng. Tuy nhiên, do không có hiệp ước phòng thủ với Mỹ nên Việt Nam cần phải điều chỉnh việc sử dụng các lực lượng nhằm đối phó với Trung Quốc. Việt Nam nên tiếp tục đối thoại với Bắc Kinh, nhưng nhất định không được đơn phương rút tàu trước theo yêu cầu của Trung Quốc.

Tại bãi cạn Scarborough, Mỹ từng làm trung gian yêu cầu Trung Quốc và Philippines cùng rút tàu. Tuy nhiên, chỉ Philippines thực hiện yêu cầu, dẫn tới việc Trung Quốc ngang nhiên giành quyền kiểm soát bãi cạn. Ngoài ra, Việt Nam nên tiếp tục vận động quốc tế ủng hộ và vạch trần bộ mặt của Bắc Kinh. Việt Nam sẽ có lợi nếu Trung Quốc bị gán mác "kẻ đơn phương đi xâm lược".

Tăng cường năng lực quốc phòng: bao gồm việc thực thi luật hàng hải và năng lực giám sát. Để đạt điều này, Việt Nam cần mua thêm vũ khí đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước.

Mỹ sớm kết thúc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Mỹ, Việt Nam, Nhật và 9 nước khác đang đàm phán TPP. Nếu hiệp định thành công, nó sẽ tạo ra một thị trường thương mại thế giới rộng lớn và chiếm khoảng 40% sản lượng toàn cầu. TPP sẽ giúp các thành viên giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, tạo đòn bẩy để chống lại sự thâu tóm quyền lực từ Bắc Kinh.

Theo luật sư Paul J. Leaf, trước đây Bắc Kinh từng "xuống thang" khi Mỹ và các đồng minh phản ứng quyết liệt trước động thái gây hấn, đòi mở rộng Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).;

Đầu năm 2014, khi Trung Quốc đơn phương lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Washington, Tokyo và Seoul đã đưa máy bay vào khu vực mà không báo trước. Mỹ và Nhật đã hỗ trợ quân sự cho một số nước có tranh chấp với Trung Quốc trong khi Nhật tăng ngân sách quốc phòng và soạn thảo chiến lược an ninh quốc gia, trong đó tập trung chống lại Trung Quốc. Hàn Quốc mở rộng ADIZ bao gồm các khu vực tranh chấp với Trung Quốc.

Sau hàng loạt phản ứng của các nước, Bắc Kinh không dám tuyên bố thêm về ADIZ và không còn theo đuổi tuyên bố lập ADIZ mới trên Biển Đông.

Luật sư Mỹ nhấn mạnh, Washington và các đối tác châu Á phải chứng minh rằng, họ có thể lặp lại tiền lệ này. Nếu không, Bắc Kinh sẽ tiếp tục nghi ngờ cam kết của Mỹ đối với khu vực và tiếp tục các động thái gây hấn hòng kiểm soát châu Á.

Từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Mỹ là quốc gia đầu tiên và liên tục đưa ra phản ứng, lên án hành động của Bắc Kinh.

Tại diễn đàn an ninh châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sử dụng ngôn từ mạnh mẽ và trực diện để phê phán Trung Quốc. "Trong những tháng gần đây, Trung Quốc thực hiện những hành động đơn phương gây bất ổn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Mỹ sẽ không thờ ơ khi những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo trật tự quốc tế bị đe dọa", AFPdẫn lời ông Hagel tại Đối thoại Shangri-La hôm 31/5.

Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cũng cảnh báo Trung Quốc đang "lầm đường lạc lối". "Trung Quốc đang lựa chọn những biện pháp không hiệu quả và sai lầm để giải quyết các tranh chấp lãnh hải", ông Locklear nhấn mạnh trước báo giới bên lề Đối thoại Shangri-La.

Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, bà Phó Oánh - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc và nổi danh với khả năng "sử dụng lời lẽ để đẩy văng mọi đối thủ ra khỏi trái đất" - đã tỏ ra bất lực và không thể biện minh cho hành động sai trái của Bắc Kinh. Bà đành quay sang chỉ trích Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nhiều quan chức quân sự Trung Quốc cũng phản ứng gay gắt trước những phát ngôn của giới chức Mỹ tại Đối thoại Shangri-La. Đặc biệt, Thiếu tướng Chu Thành Hổ, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố với thái độ nổi nóng: "Nếu Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù thì Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù của Mỹ".

Theo Zing

Chủ đề khác