VnReview
Hà Nội

3 cựu giám đốc Olympus bị bắt do bê bối tài chính

Cựu chủ tịch và hai giám đốc cao cấp khác của hãng máy ảnh Olympus vừa bị bắt giữ phục vụ điều tra cho một vụ bê bối tài chính lớn.

Đó là cựu chủ tịch Olympus, ông Tsuyoshi Kikukawa, cựu phó chủ tịch Hisashi Mori và cựu kiểm toán viên Hideo Yamada.

Tsuyoshi Kikukawa

Ông Tsuyoshi Kikukawa, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Olympus

Theo BBC News, ông Tsuyoshi Kikukawa đã từ chức Chủ tịch Olympus hồi tháng 10/2011 sau vụ bê bối tài chính do cựu Giám đốc điều hành Michael Woodford lật tẩy. Trước đó, ông Michael Woodford đã bị lật đổ khỏi chức Giám đốc điều hành nên quay sang tố cáo những người khác.

Cựu phó chủ tịch Hisashi Mori đã bị sa thải trong tháng 11 năm ngoái.

Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc điều tra những bất thường trong khâu kế toán tại hãng sản xuất máy ảnh này. Trụ sở chính của Olympus tại Nhật Bản hồi tháng 12 đã bị khám xét để tiến hành điều tra hoạt động kế toán của công ty.

Ngay trước đó, Olympus thừa nhận đã giấu khoản lỗ 1,5 tỉ USD trong hai thập kỷ qua, trong khi các bảng cân đối cho thấy thâm hụt 1,1 tỉ USD. Công ty cũng tuyên bố khoản lỗ 32,3 tỉ yên (406 triệu USD) trong sáu tháng cuối năm 2011.

Vụ việc gây chú ý dư luận do trước đó có nhiều chỉ trích cho rằng Nhật Bản quản trị doanh nghiệp lỏng lẻo, mà đây là một trong những công ty có tên tuổi của Nhật Bản, nên Olympus đã trở thành một phép thử xem Nhật Bản sẽ chống lại loại tội phạm "cổ cồn trắng" như thế nào.

Các nhà chức trách Nhật Bản cũng đã bắt giữ hai cựu giám đốc ngân hàng Nomura, Akio Nakagawa và Nobumasa Yokoo, cũng là những người điều hành công ty tư vấn Global. Theo các nhà điều tra, công ty Global này đã nhận được hàng trăm triệu đô la chi phí tư vấn từ Olympus hồi đầu những năm 2000, và số tiền này đã gây ra những thắc mắc dẫn tới những gian lận kế toán bị phát hiện.

Hai người khác mà nhà chức trách mô tả như là những kẻ liên kết với hai giám đốc ngân hàng trên, Taku Hada và Hiroshi Ono, cũng bị bắt. Cả hai đã phục vụ trong hội đồng quản trị công ty Global.

Vụ gian lận tài chính này được đưa ra ánh sáng vào tháng Mười năm ngoái, sau khi Olympus sa thải Michael Woodford, một người Anh được bổ nhiệm vào chức vụ chủ tịch và giám đốc điều hành Olympus. Michael Woodford đã bị sa thải vào tháng 9/2011 sau khi thắc mắc về các khoản chi của công ty trong khoảng thời gian trước khi ông này được bổ nhiệm làm Chủ tịch hồi tháng 2/2011. Woodford đã làm Giám đốc điều hành chỉ trong hai tuần trước khi ông bị sa thải. Theo New York Times, Woodford còn bị sa thải vì cung cách quản lý kiểu phương Tây của ông.

Ông này đã lên tiếng rất nhiều trên phương tiện truyền thông về vụ việc của mình, và đã cung cấp rất nhiều giấy tờ cho Văn phòng xử lý các vấn đề gian lận nghiệm trọng (Serious Fraud Office) ở London và kêu gọi việc điều tra được thực hiện tại Nhật Bản. Cuộc điều tra được thực hiện bởi các cơ quan thực thi pháp luật và chứng khoán tại Nhật Bản, Anh và Mỹ xảy ra sau đó, đồng thời Olympus cũng thuê một đội điều tra riêng để điều tra nội bộ.

Vân Hà

Chủ đề khác