VnReview
Hà Nội

Việt Nam "hài lòng" với vị trí 89/125 về KHCN trên thế giới?

Việt Nam "đội sổ" khi nằm ở vị trí một trong những quốc gia đóng góp ít nhất cho sự phát triển nhân loại trong bảng xếp hạng 125 nước trong cuộc khảo sát vừa qua. Ngoài lý do khách quan là chiến tranh kéo dài thì căn nguyên của sự yếu kém này là do đâu? Vì sao "thế mạnh" KHCN của chúng ta chỉ xếp thứ 89/125?

Việt Nam đóng góp ít nhất cho sự phát triển toàn cầu

Theo kết quả này, Việt Nam xếp hạng 124/125 trong số các quốc gia đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của nhân loại, với các chỉ số khá thấp như khí hậu 123/125, sức khỏe và phúc lợi 111/125. Vương quốc Anh xếp thứ 7 tổng thể, nhưng họ được xếp thứ nhất về những đóng góp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN), trong khi ở lĩnh vực được coi là "tự hào" này thì Việt Nam cũng đứng thứ 89 trong lĩnh vực KHCN, một vị trí vô thưởng vô phạt và tầm thường nếu như không nói là yếu kém.

Bệnh thành tích trong giáo dục và quản lý

Chúng tôi đã có nhã ý phỏng vấn một số nhà quản lý giáo dục và các giáo sư tiến sĩ đầu ngành, nhưng hầu hết ai cũng khước từ trả lời về vấn đề này, hầu như ai cũng cảm thấy xấu hổ về thực trạng hiện tại của KHCN nói riêng và giáo dục trong nước nói chung, và không ai muốn "lên báo". Xin trích dẫn lời của một GS ở ĐH Kiến Trúc HN (xin được phép giấu tên theo yêu cầu): "…Về chuyện VN được xếp hạng bét ;trong bảng xếp hạng thì đương nhiên là phải bét rồi, vì cái cốt yếu nhất giữ gìn và làm cho cộng đồng phát triển được là nền tảng đạo đức (trong đó có nhận thức của mỗi con người về trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng) càng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng (có thể dùng từ "suy đồi"). Đến một cộng đồng nhỏ là gia đình còn chả giữ gìn được nói gì một quận, một TP, một quốc gia nữa là nhân loại. Em thông cảm là thực sự thầy không còn muốn tham gia phát biểu đóng góp gì nữa". Có thể có nhiều người coi đây là hành động né tránh, nhưng nhìn vào cách mà nền giáo dục trong nước đang vận hành thì ai cũng ngán ngẩm thở dài, nhất là những con người tâm huyết đang gồng mình công tác trong bộ máy đó…

Học sinh Việt Nam đạt điểm thi quốc tế cao hơn Mỹ

Ảnh minh họa: Bệnh thành tích sẽ dần biến các em học sinh thành những... con gà luyện thi

Không phải đến bây giờ người ta mới "ngỡ ngàng" hay "thở dài" với những con số đáng báo động về KHCN lẫn giáo dục trong nước, mà từ lâu nay ở Việt Nam tình trạng chạy bằng cấp, quay cóp và gian dối, mua điểm,… đã trở nên phổ biến đến mức "chả ai buồn nói" nữa. Thậm chí khi có người tố cáo về tình trạng gian dối / quay cóp trong giáo dục thì người ta cười nhạo và thậm chí là tìm cách hãm hại họ?!?

Trên phương diện quốc tế, các cuộc thi về giáo dục nói chung lẫn KHCN nói riêng đều có những thành tích đáng ghi nhận, nhưng đó chỉ là bề nổi, thành tích đó chỉ đến từ những khóa "luyện gà chọi" điển hình chứ không hề đại diện cho sự tiến bộ của một nền giáo dục, và do đó chúng ta chưa thể hài lòng với những gì đang có.

Tệ hơn nữa, ở cấp độ quản lý và chính sách hầu như đang bế tắc trong việc khai thác các nhân tài. Nên nhớ rằng, nhân tài chỉ thực sự tỏa sáng nếu họ được khai thác, được cống hiến và được tôn trọng. Tôn trọng ở đây là không chỉ là chế độ đãi ngộ mà còn là môi trường làm việc nữa. Thiết nghĩ nếu một người trẻ thực sự có tài thì không một ai muốn nhận lương khủng và vào viện nghiên cứu… ngồi không. Đến đây chắc sẽ có bạn hỏi, những tài năng xuất sắc như Lê Bá Khánh Trình ngày xưa giờ ở đâu?

Đến báo động trong công tác đào tạo KHCN

Sau một thời gian dài trì trệ và ít nhiều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh cũng như điều kiện kinh tế chủ quan của đất nước, Việt Nam đã quyết tâm đổi mới và ngành KHCN nhận sứ mệnh đón đầu và đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, không những thế còn muốn vươn tầm châu lục. Được coi là ngành mũi nhọn và là thế mạnh của Việt Nam, dựa trên nền tảng giáo dục "hiếu học và chăm chỉ" mà chúng ta tự phong cho mình…

Nhưng nhìn lại 10 năm qua, các thành tự KHCN trong nước vẫn chủ yếu mang tính tự phát nhỏ lẻ, manh mún và thiếu tầm nhìn chiến lược. Nếu để ý, hầu hết những phát minh và thành tựu hữu dụng hầu hết đều xuất phát từ những "nhà phát minh tay ngang", những người xuất phát điểm không phải là các nhà khoa học. Không hiểu một đất nước có tỷ lệ nông nghiệp lên tới 80% như Việt Nam mà các phát minh/sáng chế lại rất ít khi gắn liền với nông nghiệp, đến mức các giống lúa/thuốc bảo vệ thực vật vẫn thường được… nhập khẩu từ Trung Quốc?! Chúng ta đang thua ngay trên sân nhà chứ chưa nói là đóng góp gì cho nền nông nghiệp quốc tế ngoài sản lượng gạo xuất khẩu.

Chúng ta đã có những phát minh mang ý tưởng cao xa hơn như tàu ngầm Trường Sa hay vệ tinh của FPT,… nhưng nó chỉ mang tính tự phát và thiếu sự nhìn nhận/đầu tư của các bên liên quan và trực tiếp là các nhà quản lý. Nên tàu ngầm Trường Sa hiện vẫn loay hoay với mô thủ công, trong khi vệ tinh FPT thì một đi không trở lại…

Bên cạnh đó, tâm lý ăn xổi, háo danh và bệnh thành tích của giáo dục đã lây sang cả lĩnh vực KHCN. Hãy thử nhìn xem các công ty công nghệ trong nước đang tự tung hô các sản phẩm smartphone "mác Việt" của mình như thế nào? Trong khi thực chất đó chỉ là những sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc và lắp ráp tại Việt Nam (thậm chí đôi khi lắp ráp ở Trung Quốc luôn), công đoạn "Việt hóa" duy nhất chỉ là dán nhán mác Việt lên sản phẩm. Thử hỏi kiểu tiếp cận này có thực sự "đi tắt đón đầu" KHCN hay không? Hay chỉ là trò ăn xổi và làm hao mòn, tiêu tan mất năng lực của chính mình?

Những nghi vấn xung quanh "kỷ lục" của VNPT Vivas Lotus S1

Chắc đến đây phần nào chúng ta đã hình dung được những cái kết buồn cho một nền KHCN "ăn xổi/háo danh/bệnh thành tích" thay vì "đi tắt đón đầu" như đã định hướng trước đó. Một kết cục không phải ai cũng muốn nhìn nhận nhưng đó là sự thật! Chúng ta gần như trắng tay về KHCN và những thành tựu đạt được đang vô cùng bé nhỏ và hạn chế. 

Nói vậy không phải để phủ nhận những tiến bộ và đóng góp của các tập thể và cá nhân trong nước, những người đang miệt mài lao động trí óc vì một xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng liệu sự nỗ lực của họ có thể bù đắp nổi sự yếu kém của các cấp quản lý, vừa thiếu tầm nhìn vừa thiếu năng lực quản lý? Rất khó nếu như không nói là bất khả thi. Ngạn ngữ có câu, "bạn không thể chạy phi mã chỉ với cái bánh mì không!", KHCN khó mà khởi sắc khi nền giáo dục còn quá nhiều bệnh, thiếu đi cơ chế và một tầm nhìn mang tính định hướng lâu dài, thể hiện sự quyết tâm của cả xã hội và bộ máy.

Thay lời kết

Kết quả xếp hạng kia thực sự đáng buồn cho những ai tâm huyết với sự phát triển của KHCN nói riêng và của đất nước nói chung, nhưng nó chưa đáng sợ bằng thực tế mà chúng ta đang thấy hằng ngày: Chúng ta đang dần trở nên suy yếu, dễ thỏa hiệp với cái xấu và sự yếu kém.

Việt Nam đóng góp ít nhất cho sự phát triển toàn cầu

Thậm chí hầu như chúng ta không còn quan tâm nhiều tới bảng xếp hạng này, và khi biết về nó chúng ta cũng chỉ cười nhạt rồi lại hối hả quay lại với màn hình smartphone hay những trò chơi kéo họ ra khỏi thực tế nhạt nhẽo quanh ta. Điều đáng sợ không phải là kết quả của bảng xếp hạng KHCN hay bảng xếp hạng đóng góp cho nhân loại kia, mà điều đáng đáng sợ hơn cả cho một xã hội đang yếu kém là khi mà những điều bất thường đang trở nên bình thường: Chúng ta bất lực và hài lòng với sự thấp kém của mình.

Bài liên quan:

Tại sao học sinh Việt Nam đạt điểm toán PISA vượt Mỹ?

Việt Nam đóng góp ít nhất cho sự phát triển toàn cầu

Hữu Thắng

Chủ đề khác