VnReview
Hà Nội

"Tài sản" trên Web sẽ thế nào sau khi bạn chết?

Mặc dù Internet và thế giới mạng đang mang lại niềm vui cho bạn hàng ngày, song công nghệ cũng không thể làm cho ta sống mãi mãi. Nhưng nếu chúng ta muốn, nó vẫn có thể đảm bảo "dấu chân kỹ thuật số" của chúng ta vẫn còn online rất lâu sau khi chúng ta rời khỏi thế giới này.

Mọi thứ đã thay đổi khá đáng kể trong vài năm qua khi một thế hệ kỹ thuật số đã trưởng thành, già đi và trong một số trường hợp, đã qua đời. Một số trang web không thực sự nghĩ rằng khách hàng của họ đã chết, chẳng hạn như Facebook hiện nay đã có chính sách và thủ tục để tưởng nhớ người chết.

Theo TechRadar, Facebook được cho là trang web quan trọng nhất để ghi nhớ mọi người, vì nó là nơi mà hàng trăm triệu người trong chúng ta kết nối với gia đình và bạn bè trực tuyến. Trong trường hợp có ai đó bị chết, thân nhân của họ có thể sử dụng một biểu mẫu có sẵn để yêu cầu "memorialise" (tưởng nhớ) trang cá nhân của người đó.

Điều này sẽ thay đổi hoạt động trang cá nhân của người đã khuất, nghĩa là nó sẽ không thể được truy cập tới bởi những người chưa từng là bạn Facebook của người đó và nó cũng không còn trong kết quả tìm kiếm. Mặc dù bạn bè và gia đình của người chết có thể truy cập vào để gửi lên những nội dung "tưởng nhớ", bản thân tài khoản đó được khóa lại và không thể sửa đổi.

Như với hầu hết các dịch vụ trực tuyến khác, tài khoản Facebook cũng có thể được đóng lại hoàn toàn khi có ai đó chết, mặc dù để làm điều đó bạn sẽ cần phải cung cấp tài liệu chính thức, chẳng hạn như giấy chứng tử.

Các dịch vụ như Flickr và Windows Live cũng đang cung cấp những thủ tục tương tự. Windows Live có một thủ tục gọi là Next of Kin Process cho phép các thành viên gia đình (đã qua xác minh) được truy cập vào địa chỉ Hotmail của người chết và danh sách bạn bè trong email, cũng như có thể đóng tài khoản đó. Google cũng có một thủ tục tương tự cho các tài khoản Gmail.

tài khoản gmail sau khi chết

Google đã có thủ tục cho phép truy cập tài khoản gmail của một khách hàng đã chết

Giữ lại tài sản online của bạn

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không muốn tài khoản người dùng của bạn hết hạn? Nó tùy thuộc vào chính sách của từng dịch vụ web.

Nhiều dịch vụ có chính sách gọi là "tài khoản không hoạt động", nhằm đình chỉ hoặc loại bỏ các tài khoản có vẻ như không được sử dụng trong một thời gian. Ví dụ, Twitter giám sát bằng cách kết hợp các thông tin về việc đăng tin (tweeting), đăng nhập và ngày tạo tài khoản để đóng lại những tài khoản không hoạt động. Hoặc bất cứ điều gì được đăng trên một tên miền mà bạn sở hữu đều có một khoảng thời gian hạn chế. Trong hầu hết các trường hợp, tên miền được đăng ký trong thời gian khoảng hai năm, và nếu bạn không gia hạn đăng ký thì tên miền đó sẽ được giải phóng để bán lại cho người khác.

Và tất nhiên, các dịch vụ lưu trữ trang web có thanh toán và các dịch vụ lưu trữ trực tuyến khác chỉ hoạt động khi các hóa đơn được thanh toán.

Mặc dù vậy, không phải tất cả các tài khoản có yêu cầu thanh toán sẽ bị xóa nếu bạn không trả tiền nữa. Chẳng hạn như trường hợp tài khoản Flickr Pro là tài khoản có trả tiền, nếu bạn không gia hạn thuê bao, tài khoản của bạn chỉ đơn giản là trở lại trạng thái của một tài khoản miễn phí tiêu chuẩn - có nghĩa là một số thiết lập của bạn và các hình ảnh độ phân giải cao sẽ không hiện ra nữa khi có khách truy cập tới, nhưng chúng sẽ không bị xóa đi. Nếu tài khoản tiếp tục được đóng tiền, những hình ảnh "mất tích" sẽ xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, lưu ý rằng các tài khoản Flickr là không thể chuyển nhượng, do đó, một người họ hàng truy cập vào tài khoản của bạn là vi phạm về mặt kỹ thuật các điều khoản sử dụng dịch vụ.

Một số thứ khác cũng không thể được chuyển nhượng, ví dụ như bộ sưu tập âm nhạc iTunes hay thư viện sách điện tử Kindle của bạn. Với những hàng hóa kỹ thuật số mà bạn chỉ trả tiền cho giấy phép sử dụng nội dung chứ không phải là sở hữu nội dung đó, thì những giấy phép như vậy thường không được chuyển nhượng.

Nói chung, cũng khó mà có công ty nào đủ kiên nhẫn và khó tính để cố gắng ngăn chặn thân nhân của người chết nghe những bản nhạc, xem phim hoặc đọc những cuốn sách mà người đó đã mua online. Nhưng nếu bạn muốn truyền lại cho người thân những tài sản trên mạng đó, bạn cần truyền lại cả tài khoản và các thông tin đăng nhập của tài khoản đó, hoặc chuyển đổi tất cả các tài sản số đó thành những định dạng không vi phạm luật bản quyền số (DRM-free format), ngay khi bạn còn sống.

Hãy viết một di chúc

Nếu bạn thực sự quan tâm đến việc giữ gìn sự hiện diện trực tuyến của bạn, bạn nên suy nghĩ đến một "di chúc" kỹ thuật số và người thực hiện, một ai đó có thể tiếp tục duy trì tài sản online của bạn sau khi bạn ra đi. Tất nhiên người thực hiện sẽ cần các chi tiết đăng nhập của bạn, và nếu có những thông tin trong máy tính hoặc trên mạng mà bạn không muốn gia đình biết, bạn cũng có thể yêu cầu người thực hiện xóa những nội dung cụ thể.

Chắc chắn có những công ty sẽ xử lý việc này cho bạn với một lệ phí, nhưng không có lý do gì mà bạn không đưa các thông tin về tài sản kỹ thuật số vào trong một bức di chúc thông thường, đặt nó vào một cái phong bì lớn có ghi "hãy mở ra sau khi tôi chết" và để ở một nơi mà người thân của bạn có thể tìm thấy. Nếu một phần trong các ước muốn sau khi chết của bạn liên quan tới việc chi tiêu tiền bạc cho các tài sản kỹ thuật số - duy trì thanh toán cho các tài khoản trực tuyến, gia hạn tên miền… - thì hãy lịch sự để lại một khoản tiền cho việc đó.

Đã có những công ty, như công ty Entrustet này, mở dịch vụ duy trì tài sản trực tuyến của khách hàng sau khi họ chết

Nếu không thích điều đó, bạn còn có dịch vụ Internet Archive. Những bức ảnh trên Flickr và một số nội dung được bảo bằng mật khẩu sẽ không được lưu trữ, nhưng hiện giờ đã có dịch vụ cho phép công bố công khai những dữ liệu đó nếu bạn muốn. Trang Alexa đang vận hành dịch vụ này.

Chúng ta có thể không sống được mãi mãi, nhưng một số tài sản trực tuyến của chúng ta có thể.

Vân Hà

Chủ đề khác