VnReview
Hà Nội

10 câu hỏi kiểm tra kiến thức về hệ điều hành Android

Với thị phần áp đảo, chiếm 80% lượng thiết bị di động thông minh trên toàn thế giới, Android trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất hiện nay.;Nhưng, có bao giờ bạn từng suy nghĩ về lịch sử phát triển của hệ điều hành Android?

Để tìm kiếm câu trả lời, hãy cùng đến với 10 câu hỏi trắc nghiệm về hệ điều hành Android dưới đây để kiểm tra những kiến thức mà bạn có được. Lưu ý, bạn có thể tìm thấy câu trả lời chính xác cùng một đoạn giải thích nhỏ về đáp án đúng ở ngay dưới những bức ảnh.

1. Trước khi bán cho Google, nhà đồng sáng lập Android, Andy Rubin đã từng cố gắng bán hệ điều hành này cho hãng nào?

A. LG

B. Samsung

C. Nokia

D. Siemens

Câu trả lời đúng: Samsung (B)

Giải thích: Trong một cuộc phỏng vấn, Rubin từng kể, "Đội ngũ Android đạt được thành công đầu tiên là nhận được một lịch hẹn với một trong những nhà sản xuất điện thoại lớn nhất lúc đấy (và hiện tại), Samsung. Hội nghị bàn tròn gồm 20 giám đốc điều hành của hãng và đội ngũ phát triển Android đã được diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc. Trong buổi họp, tôi đã cố gắng nêu và diễn giải ý tưởng về một hệ điều hành Android to lớn trong tương lai. Tuy nhiên, thay vì nhận được sự hứng thú và những câu hỏi nhiệt tình, câu trả lời duy nhất mà tôi có chính là một sự im lặng đến "đáng sợ". Và rồi giọng nói của những giám đốc cao cấp Samsung (mà đến giờ vẫn vang vọng trong đầu tôi) cuối cùng đã cất lên: "Anh và đội ngũ của anh đang cố gắng tạo ra nó (Android)? Anh chỉ có 8 người thôi. Anh có bị ảo tưởng không?" Họ đã cười nhạo chúng tôi ở bên ngoài phòng họp. Đó là tất cả những gì diễn ra trước khi Google mua lại Android vào sau đó 2 tuần".

2. Khoản phí để sở hữu Android của Google là bao nhiêu?

A. 1 triệu USD

B. 40 nghìn USD

C. 50 triệu USD

D. 1 tỷ USD

Câu trả lời đúng: 50 triệu USD (C)

Giải thích: Vào đầu năm 2005, CEO của Google, Larry Page đã đồng ý hẹn gặp với Andy Rubin. Sau khi lắng nghe ý tưởng về hệ điều hành Android, thay vì chỉ là nhà đầu tư cho dự án, ông đã quyết định phải sở hữu bằng được hệ điều hành này.

Thực chất, những suy nghĩ về giấc mơ sẽ thay đổi nền công nghiệp di động từ lâu vẫn luôn tồn tại trong Larry Page và người bạn đồng sáng lập Google. Vậy nên, ông luôn tìm kiếm những ý tưởng mới, cơ hội tiềm năng để hiện thực hóa mục tiêu của mình. Đặc biệt trong bối cảnh dưới sức ép của đối thủ Microsoft cũng đang có những động thái tương tự.

Song, may mắn thay, Rubin đã đến với ông vào chính thời khắc mà ông cần họ nhất. Google mua lại bản quyền Android với giá 50 triệu USD cùng các ưu đãi. Đến tầm giữa năm 2005, cả 8 người trong đội ngũ phát triển Android cũng đã được mời đến làm việc tại Google.

3. Ngoài hệ điều hành Android, Andy Rubin còn dành mối quan tâm đến cả phát triển những lĩnh vực khác. Một trong số đó là …?

A. Công nghệ sinh học

B. Robot

C. Smartwatch (đồng hồ thông minh)

D. Google Glass

Câu trả lời đúng: Robot (B)

Giải thích: Thực tế, không chỉ dừng lại ở biểu tượng hình con robot màu xanh (biểu tượng đặc trưng của Android), Rubin còn muốn phát triển Android lên cả các robot thông minh trong tương lai để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của con người như: làm kính chắn gió thông minh, robot vận chuyển thông minh…

4. Phiên bản hoàn chỉnh tương thích 64-bit đầu tiên của Android là …?

A. Android 2.3 Gingerbread

B. Android 4.0 Ice Cream Sandwich

C. Android 5.0 Lollipop

D. Android 3.0 Honeycomb

Câu trả lời đúng: Android 5.0 Lollipop (C)

Giải thích: Để có được nền tảng hoàn chỉnh 64 bit, Google đã phải cho ra mắt một phần mềm thực thi ứng dụng mới được gọi là ART (Android Runtime). Dễ hiểu hơn, đây chính là một loại máy ảo thiết yếu, trình biên dịch phổ biến dùng để viết chương trình trên các thiết bị di động Android. Trên phiên bản Android 4.4 Kitkat, người dùng có thể lựa chọn giữa Dalvik "già nua" hoặc ART "lính mới". Nhưng lên Android 5.0 Lollipop, thiết bị sẽ chỉ sử dụng duy nhất ART.

5. Điện thoại Android đầu tiên được ra mắt là …?

A. Motorola Droid

B. LG Optimus One

C. T-Mobile G1

D. Samsung Galaxy S

Câu trả lời đúng: T-Mobile G1 (C)

Giải thích: Sau sự kiện Apple giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007, Google đã rất cố gắng để theo kịp đối thủ và đẩy nhanh tiến độ của dự án Android. Nhờ đó, chỉ một năm sau, mẫu smartphone Android đầu tiên với tên gọi HTC Dream, hay T-Mobile G1 cuối cùng cũng được xuất hiện trước công chúng.

6. Khả năng hỗ trợ những bàn phím bên thứ ba như SwiftKey được kích hoạt từ phiên bản Android nào?

A. Android 1.5

B. Android 2.0

C. Android 2.3

D. Android 4.0

Câu trả lời đúng: Android 1.5 Cupcake (A)

Giải thích: Chiếc điện thoại Android đầu tiên, HTC Dream được Google cho ra mắt với một bàn phím vật lý, kiểu dáng nắp trượt và không hỗ trợ bàn phím ảo. Tuy nhiên, từ những thiết bị Android sau đó, hãng đã kích hoạt tính năng bàn phím ảo và cho phép người dùng có thể lựa chọn giữa sử dụng bàn phím mặc định hoặc ứng dụng từ bên thứ 3.

7. Một trong những lý do chính khiến thiết bị Android ngày càng cần nhiều bộ nhớ RAM là bởi …?

A. Garbage Collector trong Java

B. Người sử dụng thiết bị Android có nhu cầu khác biệt so với iPhone

C. Để camera hoạt động hiệu quả hơn

D. Để hỗ trợ những yêu cầu đồ họa game ngày càng tăng

Câu trả lời đúng: Garbage Collector trong Java (A)

Giải thích: Garbage Collector (GC) là một quá trình chạy ngầm dùng để giải phóng vùng nhớ được cấp phát cho các đối tượng mà các ứng dụng không còn sử dụng nữa. Dễ hiểu hơn, mỗi khi người dùng Android đóng một ứng dụng, quá trình GC sẽ tự động được kích hoạt để tái sử dụng bộ nhớ. Vấn đề xảy ra là, để quá trình này vận hành "trơn tru", GC thường yêu cầu một bộ nhớ gấp 4 đến 8 lần bộ nhớ mà ứng dụng đã dùng. Còn nếu không, hoạt động của GC sẽ rất chậm chạp. Đây chính là lý do mà iPhone chỉ cần có 1 GB RAM, bởi Apple không sử dụng GC cho hệ điều hành iOS.

8. Khả năng hỗ trợ ảnh động (live wallpaper) được kích hoạt từ phiên bản Android nào?

A. Android 1.0

B. Android 2.1

C. Android 2.3

D. Android 4.0

Câu trả lời đúng: Android 2.1 Eclair (B)

Giải thích: Một trong những thay đổi lớn nhất khi Android 2.1 phát hành chính là tính năng ảnh động. Dù tính năng này về sau đã trải qua vài lần tinh chỉnh và cân nhắc có nên được sử dụng nữa hay không, do nó có thể làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của thiết bị. Nhưng, cho đến nay, tính năng này đã được Google cải tiến thành công và trở thành một trong những điểm đặc sắc, khác biệt nhất của Android so với các hệ điều hành khác.

9. Máy tính bảng Android đầu tiên là …?

A. LG Optimus Pad

B. HTC Flyer

C. Motorola Xoom

D. Samsung Galaxy Tab

Câu trả lời đúng: Samsung Galaxy Tab (D)

Giải thích: Sau khi Apple giới thiệu chiếc iPad đầu tiên vào đầu năm 2010, các nhà sản xuất điện thoại vào thời điểm đó đã phải nhanh chóng tìm ra một giải pháp "mới" để cạnh tranh cùng Táo. Và giải pháp đó chính là kinh doanh Tablet Android. Dù rất nỗ lực, nhưng phải đến cuối năm 2010, chiếc máy tính bảng đầu tiên, Samsung Galaxy Tab, mới có thể được trình làng.

10. Nhiều người nói rằng, Android có nền tảng đa nhiệm "chuẩn" khác biệt so với các nền tảng hệ điều hành khác. Nhưng, bạn có biết ở phiên bản Android nào thì đa nhiệm mới thực sự được kích hoạt?

A. Android 1.0

B. Android 2.0

C. Android 2.3

D. Android 4.0

Câu trả lời đúng: Android 1.0 (A)

Giải thích: Thực tế, đa nhiệm (multitasking) là yếu tố cốt lõi của Android. Nó đã được tích hợp vào trong nền tảng này ngay từ ngày đầu tiên phát triển. Do đó, ngay cả trước khi phiên bản Android đầu tiên xuất hiện tới người dùng thì đa nhiệm đã được tồn tại. Tuy nhiên, nếu ta chỉ xét đến những bản Android đã được phát hành tới công chúng, Android 1.0 chính là câu trả lời thỏa đáng.

Hoàng Anh

Theo PhoneArena

Chủ đề khác