VnReview
Hà Nội

Đánh giá phim Blackhat (2015): Trùm hacker mũ đen nổi giận

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet, các hoạt động hằng ngày cũng như các cơ sở hạ tầng của con người ngày càng gắn liền với công nghệ, bên cạnh những người kiến tạo thế giới số còn có những hacker mũ đen và mũ trắng. Thế giới tội phạm lúc này cũng vì thế mà trở nên nguy hiểm và khó lường hơn…

Đánh giá phim Blackhat (Trùm mũ đen): Khi hacker nổi giậnBlackhat (tựa tiếng việt: Trùm mũ đen) | Phát hành ngày 16/01/2015

Kịch bản:;Morgan Davis Foehl

Đạo diễn: Michael Mann

Diễn viên chính: Chris Hemsworth, Viola Davis, Wei Tang.

Sản xuất: Forward Pass, Legendary Pictures

Thời lượng: 133 phút

Điểm IMDb: 5,4/10

 

Diễn viên thập cẩm, diễn xuất nhạt nhòa

Việc mời anh chàng diễn viên điển trai người Úc Chris Hemsworth vào vai "trùm tin tặc mũ đen" Nicholas Hathaway có lẽ đã gây ngạc nhiên cho không ít người, bởi mặc định người xem đã quen với hình tượng "cơ bắp" của anh chàng này trong vai "Thần sấm Thor" (của loạt phim Thor) hơn là một vai diễn mang tính trí tuệ như một trùm hacker tinh ranh trong phim. Tuy nhiên, sau khi xem xong thì dễ nhận thấy có vẻ như sự lựa chọn này là ý đồ của đạo diễn.

Trong khi đó, vai nữ chính được giao cho nữ minh tinh Thang Duy (Wei Tang) đến từ Trung Quốc, vốn nổi tiếng bởi những vai diễn mang đậm màu sắc dục hơn là chiều sâu, trong phim này Thang Duy vào vai Lien Chen, em gái cậu bạn cũ của Hathaway.

Trùm hacker mũ đen Hathaway (Chris Hemsworth) hành động như một "Thần sấm Thor" trong Blackhat.

Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của diễn viên, kiêm ca sĩ, nhạc sĩ Vương Lực Hoành (Đài Loan) trong vai sĩ quan cao cấp Chen Dawai đến từ Hong Kong (Trung Quốc); nữ diễn viên Viola Davis trong vai một nữ trợ lý cao cấp của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và một số diễn viên khác cùng hàng loạt diễn viên phụ của địa phương theo từng bối cảnh.

Dàn diễn viên đa quốc gia đến từ Mỹ và châu Á của phim tỏ ra khá hùng hậu và hứa hẹn sẽ đem đến sự đa dạng cho một kịch bản hình sự tầm cỡ quốc tế của Blackhat. Tuy nhiên, có vẻ như các diễn viên đã hơi đuối so với vai diễn, họ không thể lột xác so để thoát ra khỏi hình ảnh của họ trong những bộ phim trước đó. Trong phim, chúng ta sẽ bắt gặp một Thang Duy thiên về dục vọng như trong phim Sắc Giới hơn là lý trí, một Hemsworth hành động thiên về cơ bắp hơn là trí óc, một Vương Lực Hoành "giống ca sĩ" hơn là một sĩ quan an ninh rắn rỏi từng trải,… Một phần lý do của sự diễn xuất kém ấn tượng đó nằm ở kịch bản và chính cách xử lý phim của đạo diễn Michael Mann.

Anh em Chen Dawai (Vương Lực Hoành) và Lien Chen (Thang Duy) 

Nói chung, khó mà trách dàn diễn viên trong phim, khi mà đạo diễn đã xây dựng hình tượng một hacker mũ đen siêu hạng nhưng lại đầy cơ bắp và sẵn sàng giải quyết mọi thứ bằng dao súng, các diễn viên trong phim đã cố gắng thể hiện tròn vai (theo kịch bản), nói đúng hơn các diễn viên bị buộc là chính họ trong các vai diễn trước đó (Sắc giới, Thần sấm Thor,…). Sự gượng ép đó phần nào thể hiện qua một số lời thoại "ngô nghê" của Thang Duy hay cảnh quay của cô... gợi cảm trên giường nhiều hơn là căng thẳng trước màn hình máy tính. Tuyến nhân vật trong phim đa dạng nhưng thực sự lại nghèo nàn, không có bất ngờ hay đột biến nào đáng kể để người xem có thể "há hốc" miệng khi xem.

Đánh giá: 5/10

Hình ảnh và âm thanh ở mức trung bình

Nhìn chung, phần hình ảnh và âm thanh của phim không thực sự ấn tượng, thậm chí ở phần đầu phim có vẻ đạo diễn Michael Mann hơi lạm dụng kiểu quay mô phỏng tín hiệu số truyền tới từng vi mạch và linh kiện điện tử để thực hiện các mã lệnh đóng mở (logic 0 và 1) của transitor trên các con chip, cảnh quay này dễ khiến người xem liên tưởng tới cảnh đấu đàn piano của Châu Kiệt Luân trong phim The Secret (Bí mật không thể nói, 2007). Ban đầu khá ấn tượng nhưng việc lạm dụng bằng cách lặp đi lặp lại liên tục cảnh quay mô phỏng đó ở phần đầu phim khiến người xem cảm thấy nhàm chán và khiên cưỡng.

Mang tính là cảnh quay xuyên quốc gia, nhưng thực sự thì ấn tượng chuyển đổi bối cảnh giữa nước này sang nước khác chưa tạo ra được ấn tượng gây bản sắc như series phim Điệp viên 007, Nhiệm vụ bất khả thi hoặc các phim tương tự. Chúng ta khó nhận ra sự khác biệt giữa Jakatar (Indonesia) và Malaysia trong phim, ngay các cảnh quay ở Trung Quốc cũng không gây ấn tượng nhiều về một vùng đất rộng lớn và đậm đặc văn hóa độc tôn như nó đang sở hữu.

Hiệu ứng kỹ xảo các cảnh cháy nổ và đấu súng, rượt đuổi trong phim chỉ ở mức trung bình, thậm chí là hơi bị kéo lê thê. Chẳng hạn, cảnh chiếc xe nổ tung hầu như khán giả cả rạp đều đoán ra và ngồi thì thầm bảo nhau "chiếc xe sẽ nổ" trước khi cảnh đó trở thành hiện thực trước mắt họ. Cách xử lý bối cảnh của đạo diễn có vẻ hơi non tay.

Trong khi đó âm thanh của phim không có gì nổi trội, nhạc phim chỉ ở mức "vô thưởng vô phạt", cùng với đó chúng ta sẽ không có nhiều ấn tượng gì về không khí huyên náo hay âm thanh bản địa (tiếng người, âm thanh sinh hoạt,…) khi Thang Duy và Vương Lục Hoành dạo giữa chợ Jakarta, Hong Kong hay truy tìm dấu vết bên Malaysia. Thật khó để tìm một điểm cộng cho phần hình ảnh và âm thanh của phim.

Đánh giá: 5/10

Kịch bản lạc đề, nội dung gượng ép và đạo diễn xử lý non tay

Blackhat được xây dựng dựa trên một hacker mũ đen (blackhat) khét tiếng có tên là Nicholas Hathaway đang bị giam tại nhà tù liên bang vì đã khoắng sạch 4 ngân hàng bằng chiếc máy tính của gã. Có lẽ sẽ không có gì để nói nếu như lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc và Mỹ bị mã độc tấn công đồng loạt, tuy chỉ lò hạt nhân của Trung Quốc bị tàn phá nhưng sự việc sàn chứng khoán Mỹ bị thao túng sau đó khiến các giới chức an ninh của Mỹ và Trung Quốc đứng ngồi không yên.

Hathaway được phóng thích tạm thời với sự can thiệp của bạn cũ và là sĩ quan cao cấp Chen Dawai đến từ Trung Quốc. Sự hợp tác lúc này là bất khả kháng, dù hai nước "bằng mặt nhưng không bằng lòng", luôn dè chừng nhau trong các hoạt động song phương. Cuộc chạy đua với thời gian của hacker mũ đen Hathaway với bạn cũ và là sĩ quan cao cấp Chen cùng em gái của anh Lien Chen đến từ Hong Kong trở nên gay khó khăn hơn khi được đặt trong bối cảnh NSA, FBI không tin hoàn toàn vào sự hợp tác của Hathaway cũng như dè chừng phía an ninh Hong Kong (thuộc Trung Quốc đại lục), chưa kể kẻ thù của họ đều là những tin tặc ẩn danh và dùng… chính đoạn mã của Hathaway và Chen từng tạo ra thời sinh viên để tạo ra mã độc nguy hiểm.

Đánh giá phim Blackhat (Trùm mũ đen): Khi hacker nổi giận

Một cảnh chạy trốn khỏi kẻ thù của Lien Chen (Thang Duy) và siêu hacker Hathaway (Chris Hemsworth) trong Blackhat.

Bối cảnh của phim diễn ra xuyên quốc gia, sẽ đưa bạn từ Trung Quốc qua Mỹ rồi lại quay về Hong Kong và tiếp đó là hành trình sang Malaysia rồi đến Indonesia. Nhưng tiếc là bạn sẽ không cảm nhận được một chuyến hành trình hoành tráng như vậy trong phim, thay vào đó là những bối cảnh ngột ngạt và xử lý non tay, có cảm giác đạo diễn của bộ phim hơi quá sa đà vào đặc trưng của các diễn viên và viết kịch bản dựa trên đặc trưng đó của họ, đi quá sâu vào hành động và tình cảm thay vì kịch tính của các màn đấu trí giữa các hacker, điều này gây ức chế cho người xem. Dù sự ức chế đó phần nào được giải tỏa bằng cảnh trả thù cuối phim, một cảnh… hành động một trăm phần trăm!

Như đã đề cập, ngay từ các cảnh đầu phim, Thang Duy trở nên gợi mở với ánh mắt đắm đuối chàng "Thor" Hemsworth, trong khi Vương Lực Hoành vẫn giữ vẻ thư sinh dù đã cố gắng để tỏ ra là một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm. Trong khi kịch bản lỗi hoặc do các pha hành động của chàng Hemsworth chẳng khác gì "Thần Sấm Thor" khi bẻ cổ, đâm dao hay bắn súng đối phương một cách thành thạo. Ngay cả phe phản diện vốn là hacker chuyên nghiệp cũng… thạo súng hơn là dùng máy tính. Chưa kể trong phim còn tồn đọng nhiều hạt sạn to đùng như cảnh giám đốc an ninh của cơ quan tình báo quốc gia NSA (Mỹ) lại dễ dàng bấm vào link download mẫu thay đổi mật khẩu khi có email gửi tới yêu cầu reset mật khẩu, hay cảnh đột nhập dễ dàng khu "máy chủ chợ đen" ở Jakarta, cảnh dùng USB cài mã độc để đột nhập máy chủ ngân hàng, các cảnh đấu súng,…

Phim bị kéo dài lê thê so với những gì mà nó cố gắng để truyền tải, không những đi lệch chủ đề (sự nguy hiểm của mã độc và tài trí của một hacker mũ đen khi anh xả thân giúp ích cho an ninh) mà còn không có điểm nhấn đáng kể nào, ngay từ đầu phim đã dồn dập một loạt cảnh kịch tính, khiến cho mạch phim đều đều kể từ đó, ít có khoảng lặng để độc giả cảm nhận và thay đổi diễn biến cảm xúc. Một bộ phim hình sự bị biến thành một bộ phim hành động thiên về bạo lực súng ống và tay chân, thay vì các màn đấu trí quen thuộc của các hacker trong thế giới ảo.

Phim đề cập đến một đoạn mã độc khủng bố, vô cùng nguy hiểm với cả thế giới, vai trò của trùm hacker mũ đen Hathaway vô cùng quan trong khi gã vào vai người hùng giải cứu thế giới, nhưng càng xem chúng ta càng cảm nhận nó tầm thường và có vẻ đạo diễn hơi đuối sức khi xử lý và theo đuổi đề tài to tát này. Thậm chí, khi xem xong Blackhat cũng không để lại ấn tượng hay thông điệp gì đáng kể cho người xem, người ta sẽ nhớ tới Hathaway như là một anh hùng cơ bắp hơn là một hacker mũ đen thiên về trí tuệ.

Kịch bản dàn trải thiếu chiều sâu, không có cao trào thắt nút-mở nút và nội dung không hấp dẫn là những gì ngắn gọn có thể dùng để mô tả về bộ phim.

Đánh giá: 3/10

Đáng xem hay không?

Nếu bạn am tường về công nghệ và hiểu biết chút ít về an ninh mạng, thì dự định tò mò về thế giới hacker hay những chiêu trò của họ qua bộ phim này sẽ khiến bạn thất vọng, thế giới hacker không đơn giản và "dễ dãi" như bộ phim muốn kể. Nhưng nếu bạn thích một phim kết hợp giữa kiểu "chiến tranh thế giới số" và hành động thì Blackhat (2015) là phim tạm xem được, nhất là pha trả thù "đã tay" ở cuối phim.

Còn nếu chỉ đơn thuần muốn giải trí và tò mò một chút về hacker thì phim này xem được, dưới danh nghĩa một bộ phim hành động giải trí. Còn không, Taken 3 hay các phim khác đang chiếu rạp khác để thay đổi không khí những ngày cuối tuần này có lẽ là những sự lựa chọn an toàn hơn.

Trailer của Blackhat 2015 (Trùm mũ đen)

VnReview chấm điểm: 4.5/10

Hữu Thắng

Chủ đề khác