VnReview
Hà Nội

Đánh giá phim Cyberbully (2015): Mặt trái bạo tàn của mạng xã hội

Mạng xã hội có sức lan tỏa cực mạnh với khả năng kết nối mọi người. Đối với giới trẻ, nó như một chất gây nghiện, nơi họ thể hiện cảm xúc và cái tôi tràn lan mà không suy nghĩ, liệu tác dụng phụ nguy hiểm đó có thể giết chết một con người hay không?;Đạo diễn Ben Chanan đã trả lời câu hỏi đó qua bộ phim Cyberbully.

Đánh giá phim Cyberbully: Mặt trái tàn khốc của mạng xã hội

Bộ phim được "làm lại" từ một bộ phim cùng tên đã ra mắt vào năm 2011, nhưng được đánh giá cao hơn và thành công hơn tác phẩm trước đó. Bối cảnh của phim Cyberbully (2015) chỉ diễn ra trong một căn phòng nhỏ, nơi hầu hết hình ảnh đều thể hiện qua góc nhìn của webcam. Đây cũng là một trong số rất ít bộ phim diễn ra theo dạng real-time, tức là thời gian trong phim bằng đúng thời gian ngoài đời thực, câu chuyện kịch tính và căng thẳng này chỉ gói gọn trong 60 phút.

Hậu quả của việc làm "anh hùng bàn phím"

Câu nói đầu phim của Casey:" Đơn giản ấy mà, trên mạng chả ai biết chúng ta là ai, thế nên thích làm gì thì làm, sao phải sợ?" – chính là mấu chốt của tác phẩm điện ảnh này. Bộ phim sẽ cho chúng ta biết thế nào là bắt nạt online, thế nào là mặt trái tàn ác của mạng xã hội và những hệ lụy từ việc "anh hùng bàn phím".

Mở màn với hình ảnh Casey (Maisie Williams) đang chat skype với cô bạn thân Megan, họ bàn luận về việc người yêu cũ của Casey đang nói xấu cô trên Twitter và tìm cách để "trả đũa" anh chàng xấu tính.

Câu chuyện có lẽ chỉ dừng lại ở đó nếu như Casey không nhờ Alex – Một anh chàng mọt sách cùng lớp –hack tài khoản mạng xã hội của người yêu cũ và post lên đó những điều bệnh hoạn. Cô khoái trá khi thấy chàng trai kia bị điêu đứng vì những trò đùa tai ác của mình, nụ cười của Casey không còn trong veo như lúc đầu phim nữa. Nhưng mọi niềm vui của cô gái trẻ đã tắt ngấm không lâu sau đó.

Tiết tấu căng thẳng của phim dần được đẩy lên cao trào khi Casey biết người đang giúp mình không phải Alex, mà đó là một nhân vật bí ẩn với giọng nói bị bóp méo, lạnh lẽo những vẫn đầy xảo trá.

Hắn đã hack toàn bộ những tài khoản của Casey, tìm ra những điều mà chỉ có cô mới biết, đó là những câu chuyện giả dối, những tấm ảnh tươi mát, những đoạn video bôi bác người khác, những kế hoạch chơi xấu bạn bè. Lúc này đây, Casey mới lộ mặt là một cô gái chuyên đi bắt nạt người khác.

Với câu nói khẳng định "Mày sẽ không bao giờ biết tao là ai", tay hacker này phanh phui những bí mật thầm kín nhất của Casey và dọa sẽ tung hết lên mạng. Và điều đó đã khiến Casey, và có thể là tất cả chúng ta nếu ở trong hoàn cảnh đó, cảm thấy sợ hãi tột độ.

Đạo diễn tài năng và dàn diễn viên trẻ "hợp vai"

Nữ diễn viên trẻ Maisie William, được biết đến với vai diễn Arya Stack trong bộ phim truyền hình ăn khách Game of Thrones, đã chứng tỏ khả năng diễn xuất của cô với 1 giờ đồng hồ độc diễn, cô thể hiện mọi cảm xúc hỉ nộ ái ố một cách mượt mà và trơn tru. 

Casey bắt đầu là một cô nàng tuổi teen thích buôn chuyện và kết thúc là một cô gái vừa nếm thử trải nghiệm kinh hoàng nhất trong đời. Một cô gái bị ép phải tự tử nếu không sẽ bị đăng ảnh khỏa thân lên mạng!

Haruka Abe chỉ diễn xuất bằng ánh mắt trong ‘Cyberbully'

Nhân vật thứ 2 mang dấu ấn đặc biệt là Jennifer Li, diễn viên trẻ Haruka Abe đã vào vai mà không nói một lời nào, đơn giản chỉ là giơ những mảnh giấy lên trước máy quay, nhưng đó lại là trường đoạn căng thẳng và bi kịch nhất phim, Haruka đã phải thực hiện một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là thể hiện sự vui tươi nhưng cũng phải bi kịch và chết chóc chỉ bằng biểu cảm của gương mặt.

Bộ phim được viết kịch bản và đạo diễn bởi nhà làm phim trẻ Ben Chanan, ông viết nó dựa trên một câu chuyện đe dọa trực tuyến có thật. Được tư vấn kịch bản bởi chính con gái của mình, Ben đã dựng nên một bầu không khí quen thuộc của thế giới mạng, rồi biến nó thành địa ngục chỉ sau vài cảnh quay.

Ben Chanan chuyên dàn dựng thể loại TV Movie (phim điện ảnh để chiếu trên tivi)

Với lối dàn dựng nhanh, chuyển cảnh từ góc nhìn máy quay sang webcam rồi lại ra màn hình máy tính, Ben đã giữ cho bộ phim một nhịp độ ổn định, giữ cho cảm xúc của các nhân vật lúc nào cũng chực chờ vỡ òa.

Để tăng tính chân thực cho bộ phim, những cảnh Casey trên webcam được đạo diễn Ben sử dụng từ webcam thật của một chiếc laptop để quay phim và ghi âm chứ không dùng máy quay chuyên dụng.

Khi kẻ bắt nạt đã trở thành nạn nhân của một kẻ khác

Trong phim, Li (Haruka Abe thủ vai) là một nữ sinh có hoàn cảnh đặc biệt và bị bạn bè bắt nạt, nhưng đoạn video cuối cùng mà cô tự quay lại ánh lên một sự vui tươi và hạnh phúc, phải chăng đó là sự giải thoát của cô gái đã sống qua những chuỗi ngày khủng khiếp?

‘Cyberbully' đã rất khéo léo khi thể hiện sức mạnh và tính lan truyền khủng khiếp của mạng xã hội, chỉ bằng những lời nói và vài trò hack tài khoản, Li  đã tự tử do không thể chịu đựng được sự trêu chọc cả trên mạng Internet và ngoài đời thực.

Nhưng chúng ta cũng không thể quên tay hacker bệnh hoạn đã đưa Li vào con đường cùng và định tiếp tục làm điều đó với Casey. Giọng nói được xử lý qua phần mềm của hắn làm khán giả sởn da gà, nó lạnh lẽo và vô cảm, như chính góc khuất của mạng xã hội vậy. Người xem sẽ phải tự hỏi, liệu nếu họ có trình độ như hắn, muốn hack ai thì hack, đe dọa bất kỳ ai nếu thích, liệu họ có trở thành một "cyberbully" bệnh hoạn như hắn hay không?

Những nhân vật của đạo diễn Ben Chanan cũng như hầu hết thanh thiếu niên ngày nay đều "không thể sống thiếu Internet", "hít thở" bầu không khí online rộng lớn và đầy nguy hiểm tiềm tàng. Và cũng như một xã hội thưc, cuộc sống ảo cũng có vui buồn, có yêu thương, và tất nhiên có rất nhiều kẻ xấu, bị bắt nạt trên mạng có thể không gây ra thương tích, nhưng nó ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý và tinh thần và thậm chí là tính mạng.

‘Cyberbully' làm khán giả phải dán mắt vào màn hình trong suốt một tiếng liền, mặc dù bối cảnh chỉ có căn phòng và một diễn viên, người ta băn khoăn không biết Casey là nạn nhân hay hung thủ khi chính cô đưa bản thân mình vào tình thế nguy hiểm.

"Bắt nạt ảo" nguy hiểm hơn chúng ta tưởng

Bộ phim có cái kết khá dễ đoán khi Casey ngộ ra được quan hệ gia đình, quan hệ bạn bè và quyết định gạt bỏ đi cuộc sống ảo mà cô chìm đắm bấy lâu nay, nếu như Ben Channa đưa vào phim nhiều nút thắt hơn nữa, có thể ‘Cyberbully' sẽ hay hơn, nhưng nó sẽ bị phai nhạt đi thông điệp mà Ben muốn gửi gắm.

Lời cảnh tỉnh cho những con nghiện cuộc sống ảo

‘Cyberbully' là một trong số ít những tác phẩm hiếm hoi đưa ra lời cảnh tỉnh về lối sống ảo của thanh thiếu niên hiện đại, gần đây nhất, đạo diễn David Fincher đã nhắc đến điều này trong phim ‘Social Network', nhưng đến ‘Cyberbully' thì thông điệp này mới rõ ràng và dễ hiểu hơn.

Phim đã khởi chiếu đầu năm 2015 và hiện đã không còn chiếu trên hệ thống rạp trong nước, bạn có thể tìm xem trực tuyến ở các trang phim online. Nội dung phim phù hợp với các khán giả trẻ và các bậc phụ huynh. Do vậy, các bậc cha mẹ nên khuyến khích con cái xem bộ phim này với thông điệp ‘hãy giao tiếp thực nhiều hơn nữa, đừng chỉ biết chat và sống ảo quá nhiều'.

Hoàng Ân

Chủ đề khác