VnReview
Hà Nội

Mỹ thông qua quy định mang tính lịch sử về Internet

Ủy ban Truyền thông Mỹ (FCC) vừa thông qua một biện pháp mang tính lịch sử nhằm quản lý Internet chặt chẽ hơn. Những quy định mới đang gây tranh cãi gay gắt tại Mỹ.

Các quy định mới dựa trên nguyên tắc "net neutrality" (tính trung lập của mạng Internet), để mang lại những cơ hội bình đẳng về tốc độ Internet và truy cập vào các website.

Vấn đề đặt ra ở đây là liệu các nhà cung cấp mạng – như Comcast hay Time Warner Cable của Mỹ - có thể phân biệt đối xử với những nội dung chạy trên mạng lưới của họ không. Câu trả lời của FCC là: Không.

Ủy ban truyền thông FCC đã bỏ phiếu, khẳng định những quyền hạn của chính phủ đối với Internet. Báo chí truyền thông Mỹ cho rằng đây là những quy định mang tính "lịch sử" đối với mạng Internet.

Theo CNN, phải đến vào khoảng mùa hè, những nguyên tắc này của FCC mới được áp dụng chính thức. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tổng thống mới của Mỹ, nếu đó là một nghị sỹ của Đảng Cộng hòa trúng cử, những nguyên tắc này có thể sẽ lại thay đổi.

Điều đó để nói rằng, trước mắt, vẫn chưa có gì thay đổi. Tuy vậy, những gì FCC vừa thông qua vẫn gây xôn xao trong dư luận. CNN cho rằng, FCC vừa tự cho mình cái quyền năng lớn, theo đó các hãng sở hữu mạng lưới độc quyền sẽ có thể giết chết sự tự do Internet bằng cách ngăn chặn một số website – hoặc bằng cách tạo ra một mạng Internet tốc độ cực nhanh cho một số ít những công ty công nghệ đặc quyền, có đủ tiền để trả cho cái tốc độ cao đó.

Trong thực tế, hiện tượng trên đã xảy ra. Trước đây, Verizon đã chặn băng thông Goolge Wallet, AT&T đã chặn các ứng dụng chia sẻ video, Comcast đã làm chậm các dịch vụ chia sẻ file như BitTorrent, hãng điện thoại Madison River đã chặn các cuộc gọi điện qua Internet của Vonage. FCC đã dùng chính những nguyên tắc cũ để giải quyết các vấn đề này. Hay nói cách khác, những quy định mới về quản lý Internet của FCC chẳng khác gì trước đây.

Đó là lý do tại sao một số người cảm thấy lo lắng về việc FCC vừa khẳng định lại "tính trung lập của Internet". Để củng cố sự bình đẳng của các quy định, FCC sẽ quản lý các nhà cung cấp dịch vụ bằng cách ép họ vào các điều khoản của Luật Viễn thông 1934. Các hãng viễn thông nói các quy định này không phù hợp với các dịch vụ mà họ đưa ra. Họ không tin vào hứa hẹn của FCC rằng, FCC chỉ áp dụng một phần nhỏ của những quy định đó và sẽ không kiểm soát tốc độ Internet và không tăng thuế.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ người dùng bình thường, những điều trên có ý nghĩa gì? Theo diễn viên hài nổi tiếng John Oliver, các gói cước Internet tại Mỹ rất đắt đỏ, dịch vụ không đồng nhất và người dùng có rất ít lựa chọn. Rõ ràng, các nhà cung cấp dịch vụ là những "gã xấu xa".

Nhưng trong phiên điều trần vừa qua, hầu hết những người có danh tiếng đều ủng hộ quy định mới của FCC. CEO hãng Etsy Chad Dickerson cảm ơn FCC vì "đang bảo vệ Internet như một động cơ kinh tế". Chuyên gia công nghệ danh tiếng Tim Berners-Lee nói rằng, các quy định này đảm bảo những doanh nghiệp hiện đại có được cơ hội đúng như ông đã có khi ông tạo ra World Wide Web cách đây 26 năm.

Còn Tổng thông Obama, sau cuộc bỏ phiếu, đã đăng tải trên Twitter rằng: "Quyết định hôm nay của FCC sẽ bảo vệ sự sáng tạo và tạo ra sân chơi đẳng cấp cho thế hệ doanh nghiệp mới".

Vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, xét cho cùng cả nhà cung cấp dịch vụ lẫn các website đều có một điểm chung. Đó là thẳng tay ngăn chặn hoặc có thái độ cản trở cạnh tranh là điều không công bằng và nên bị xem là bất hợp pháp. Mặt khác, về lý do kỹ thuật, các nhà cung cấp mạng lưới cần kiểm soát lưu lượng. Việc stream video cần đến tốc độ nhanh hơn so với việc gửi email đơn thuần, điều này nhằm nâng cao trải nghiệm Internet của người dùng.

Rob Atkinson, chủ tịch của tổ chức Information Technology and Innovation Foundation, một tổ chức cố vấn chính sách công nghệ, cho rằng cuộc tranh cãi này ngày càng mất kiểm soát. "Tất cả đã trở thành cuộc tranh cãi mang đến lựa chọn sai lầm: để các nhà cung cấp dịch vụ được làm bất cứ gì họ muốn hay đưa ra những quy định quản lý nặng nề, phiền toái quá mức".

Có vẻ, không lựa chọn nào là hoàn toàn đúng đắn cả.

Hoàng Lan

Theo CNN

Chủ đề khác