VnReview
Hà Nội

Thấy gì qua vụ game của BKGM bị phía Trung Quốc ăn cắp?

Trong thời gian qua, tình trạng sao chép các ứng dụng game, tác phẩm thiết kế đang ngày càng diễn ra tràn lan. Gây bức xúc cho không chỉ tác giả và các nhà phát triển mà còn khiến người dùng hoang mang. Gần đây nhất là vụ game Halloween Nightmare của nhóm BKGM bị một công ty Trung Quốc đánh cắp trắng trợn.

Thấy gì qua những vụ đánh cắp bản quyền số hiện nay?

Ứng dụng gốc (bên trái) của BKGM (Việt Nam) và game ăn cắp (bên phải) của Atom Boog;(Trung Quốc).

BKGM là một nhóm gồm các bạn trẻ sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội lập ra, nhóm đã tạo ra nhiều ứng dụng trò chơi nhưng Halloween Nightmare là một trong những dự án tâm huyết, được đầu tư kỹ lưỡng và cũng mang lại thành công nhất cho nhóm. Hiện game này đã có mặt trên cả 3 nền tảng là iOS, Android và mới đây là Windows Phone.

Tuy nhiên, chưa kịp mừng khi ứng dụng thu hút được sự quan tâm của người dùng thì vào hôm thứ Bảy tuần trước, các thành viên của BKGM đã tá hỏa khi phát hiện trò chơi của mình bị một đơn vị phát hành game của Trung Quốc tung lên trên mạng và hiện đang chễm chệ nằm trong top các game được tải nhiều nhất tại kho ứng dụng Windows Phone ở nước này, tệ hơn là sản phẩm của BKGM chưa chèn quảng cáo nhưng phía Trung Quốc đã đánh cắp, xóa sạch phần giới thiệu và chèn quảng cáo của họ vào.

Đánh cắp trắng trợn và lách luật tinh vi

Theo đánh giá ban đầu của nhóm phát triển game BKGM, có thể bên Atom Boog (Trung Quốc) đã tải file .XAP của nhóm BKGM, sau đó đưa lên một server trung gian khác. Cụ thể, họ up một ứng dụng có tên Halloween Nightmare Adventure lên Store của Microsoft nhưng thực chất đấy chỉ là một link (dung lượng <1Mb) dẫn tới file (họ đánh cắp) đang lưu trữ ở server trung gian, khi cài đặt thì app đó mới tải file .XAP về máy để cài đặt. 

Artist Phạm Đình Thịnh, công ty Gameloft: Vẫn chưa có một giải pháp nào chống "ăn cắp" sáng tạo triệt để.

Theo anh Phạm Đình Thịnh (nickname là Zen Chip), Studio Lead Artist tại công ty Gameloft: "Thực tế cho thấy, không chỉ có các nhà phát hành Trung Quốc đi sao chép hay crack game của các nhà làm game khác, bao gồm cả ở Trung Quốc và các nước khác, mà ngay chính ở Việt Nam cũng hình thành những cổng game mà trên đó game crack, leak tràn lan. Chính tôi cũng từng báo cáo về những vụ việc đó với Microsoft và account đó đã bị xóa nhưng gần như ngay lập tức sau đó họ đã lập ra một account khác với tên tương tự để tiếp diễn việc phát tán game phi pháp. Thậm chí trên fanpage của họ trên Facebook, một admin còn than vãn về việc bị report và bị xóa account liên tục nên đã nỗ lực tái lập lại account để 'phục vụ cộng đồng'!?

Bản thân tôi là một người làm game và tôi không hiểu được "tinh thần" đó của họ, những người vẫn đang tự xưng là những nhà phát triển game vì cộng đồng game dev Việt. Một công ty game Việt khác thì đi Việt hóa những tựa game Freemium (miễn phí) của nước ngoài rồi bán lại cho người Việt với giá 15.000vnd/1 lượt tải, rồi tự hào công bố trên website của họ là đã cung cấp cho người chơi game VN hàng trăm đầu game chất lượng???".

Không chỉ BKGM, các artist trong nước gần đây cũng kêu trời khi xuất hiện những studio/trường dạy đồ họa trong nước sử dụng tác phẩm của họ để "câu" các học viên mà không thèm xin phép tác giả, thậm chí còn xóa tên tác giả trên đó và "hô biến" nó thành tác phẩm của họ qua các title câu khách như "vẽ bằng chuột trong 5 phút",... Đến mức một 2D artist kiêm nhạc sĩ như anh Nguyễn Uy Vũ (Hyde) tại công ty VNG phải thốt lên gọi họ là "thief-pro" (tạm dịch là kẻ cắp chuyên nghiệp).

Ảnh chụp một status chia sẻ và vạch mặt một trung tâm dạy đồ họa đánh cắp tác phẩm trắng trợn. 

Tạm thời bó tay với nạn "sao chép"?

Quay trở lại vụ việc của BKGM, trong tình hình hiện tại thật khó để ngăn chặn sản phẩm của mình bị phát tán lậu hoặc khai thác phi pháp nếu sản phẩm đó đã bị đưa vào tầm ngắm. Mọi người cũng biết Trung Quốc là một "cường quốc" trong việc sao chép, làm hàng lậu trong hầu hết các lĩnh vực chứ không chỉ sản xuất game. Việc một game lớn bị làm nhái chỉ sau vài ngày phát hành đã trở nên quá bình thường và hầu như không thể kiện được những nhà phát hành ma như vậy. Khi ta chưa kịp lần ra dấu vết thì họ đã lập một cái khác để phát hành sản phẩm khác.

Anh Thịnh cho rằng, về mặt tiêu cực thì đây là một sự việc đáng buồn cho BKGM khi sản phẩm của mình bị xâm hại. Nhưng cũng có mặt tích cực là thông qua sự việc này với sự chủ động của các bạn thì việc truyền thông tên tuổi của BKGM cũng có phần thuận lợi hơn, hy vọng với cú hích nhẹ này các bạn sẽ cố gắng tiếp tục phát huy để cho ra đời những sản phẩm ngày càng chất lượng.

Bên cạnh đó là các bạn cũng đã đánh động được cộng đồng các nhà phát triển game Việt Nam tham gia vào việc bảo vệ lẫn nhau, đó là việc đáng mừng.

Bảng so sánh giữa bản game gốc của BKGM và game nhái của phía Trung Quốc

Cũng theo anh Thịnh, hiện vẫn chưa có một phương pháp nào có thể loại bỏ triệt để được tình trạng sao chép, vi phạm trắng trợn này vì có quá nhiều vấn đề về bảo mật cũng như luật pháp để bảo vệ người làm game. Câu hỏi này có lẽ đành trông cậy vào các nhà lập trình, bảo mật và làm luật.

Ví dụ như việc đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ thì mất khá nhiều thời gian trong khi việc sao chép, crack game có khi chỉ tính bằng giờ, bằng ngày. Luật "chạy theo" không kịp tốc độ vi phạm. "Tuy nhiên chúng tôi vẫn khuyến khích các bạn đi đăng ký bảo hộ, một phần là để đảm bảo tài sản của mình về lâu dài, một phần là cơ hội để cập nhật thêm các kiến thức, vấn đề về luật có liên quan", anh Thịnh nói.

Với các studio nhỏ, mới thành lập, anh Thịnh đưa ra lời khuyên là hãy tập bắt đầu với những dự án nhỏ thôi, mình làm nhỏ mà chắc và xoay vòng nhanh, để nếu có bị xâm phạm chẳng hạn như trường hợp của BKGM thì cũng có thể tung ra sản phẩm khác gần như ngay lập tức để bắt kịp dòng sự kiện cũng như bù vào khoảng trống bị lỗ do sản phẩm kia bị khai thác trái phép. Thế mạnh của BKGM là lập trình thì hãy tập trung làm những game mạnh về mảng đó + gameplay thú vị thay vì đầu tư nhiều về đồ họa, nếu cần thì các bạn có thể bổ sung, phát triển từ từ về sau. Nên nhớ những game thời kỳ đầu của ngành công nghiệp video game gần như không có sự tham gia của game artist nhưng vẫn thu hút và tới giờ vẫn còn thu hút rất đông tín đồ.

Thay lời kết

Tổng quan lại về sự việc của BKGM, đây có thể là một cú sốc về mặt tinh thần cho các bạn nhưng đồng thời cũng là một lợi thế nho nhỏ cho các bạn về mặt truyền thông. Quan trọng là họ phải biết cách thích ứng và khai thác kịp thời những hiệu ứng dây chuyền như vậy để tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn cho bản thân cũng như đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Sâu xa hơn, bản thân các artist và các nhà phát triển cũng cần phải có ý thức sáng tạo và làm chủ kiến thức của mình, luôn đi trước những kẻ sao chép một bước để chủ động tạo ra lợi thế cho mình, nói cách khác, cách tốt nhất để chống hàng nhái đó là tạo ra sản phẩm tốt nhất có thể. Đó cũng là cách mà các nhà phát triển ở những nước tiên tiến đang thực hiện, kể cả Apple.

Mặt khác, bản thân người dùng cũng tự ý thức phân biệt và tránh sử dụng/tiếp tay cho các sản phẩm "ăn cắp" này. Suy cho cùng, sản phẩm nhái/sao chép không bao giờ được đầu tư chỉn chu cũng như được khách hàng thực sự quan tâm và thậm chí còn mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn, như VnReview đã từng đề cập trong bài "Tiền nào của nấy..." hay bài "Những công trình bị sao chép không thương tiếc ở Trung Quốc".

Công sức của một tập thể như nhóm BKGM trong dự án Halloween Nightmare như thế này dễ bị đánh cắp, đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía (tài liệu do BKGM cung cấp)

Về phía Microsoft, nếu các nhà quản lý Windows Phone Store đã không phát hiện ra, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra với các dự án game khác thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà phát triển game lẫn kho ứng dụng của Windows Phone.

H.T

Chủ đề khác