VnReview
Hà Nội

“Triển khai 4G như xây đường cao tốc, và bây giờ là thời điểm thích hợp”

Đã đến lúc thích hợp để triển khai 4G là quan điểm của ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, tại Hội thảo quốc tế về 4G LTE tiểu vùng sông Mekong do Tập đoàn IDG tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội, trả lời cho những băn khoăn về việc mạng 3G mới đi vào hoạt động ở Việt Nam chưa lâu, các nhà mạng còn chưa khai thác hết và số thuê bao 3G vẫn còn hạn chế.

Hội thảo quốc tế 4G LTE Tiểu vùng sông Mekong 2015 có chủ đề: Quy hoạch tổng thể, tối ưu hoá công nghệ, đa dạng hoá dịch vụ hướng tới đồng nhất công nghệ 4G tại tiểu vùng Mekong.

4G là cơ hội lớn với Việt Nam

Theo ông Thiều Phương Nam, hiện nay 4G LTE là xu hướng đang phát triển rất mạnh ở khu vực và thế giới và đây là thời điểm chín muồi để triển khai mạng 4G ở Việt Nam. Điểm thuận lợi là Việt Nam đã có một hạ tầng 3G khá tốt, số người dùng 3G ngày càng gia tăng và 3G đã dần đi vào cuộc sống, trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó, chính sách của nhà nước cũng đã có những bước chuẩn bị tốt, như đã sẵn sàng về băng tần cho triển khai 4G, một yếu tố rất quan trọng quyết định tốc độ và chất lượng mạng. Đối với các nhà mạng, giá thiết bị 4G đã trở nên phù hợp, và về mặt công nghệ là hoàn toàn sẵn sàng, thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G cũng đã khá phổ biến trên thị trường với giá hấp dẫn.

Vậy tại sao vẫn nên triển khai 4G ngay, khi mà mạng 3G còn chưa được khai thác hết? Ông Thiều Phương Nam cho rằng, việc xây dựng mạng 4G cũng giống như xây đường cao tốc, rất cần thiết để phục vụ sự phát triển của xã hội, trong khi các tuyến đường khác vẫn giữ vai trò của nó. Mạng 4G được triển khai nhưng mạng 3G và 2G vẫn tồn tại trong nhiều năm nữa, sẽ có những ứng dụng chạy trên 4G, nhưng có những ứng dụng chỉ cần chạy trên 3G, thậm chí như dịch vụ thoại thì chỉ cần 2G là đủ, và người dùng có thể cùng lúc sử dụng hợp lý các công nghệ này với chi phí phù hợp.

"Mạng 4G sẽ giúp nâng cao tốc độ dữ liệu, cho phép mở ra nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều dịch vụ băng rộng mới, tạo điều kiện và cơ hội cho Internet of Things (Internet kết nối vạn vật) phát triển, kéo theo những dịch vụ thông minh được xây dựng, phát triển các dịch vụ giao thông, y tế, giáo dục… ở một mức cao hơn…", ông Nam nói.

họp báo qualcomm

Đại diện Tập toàn Qualcomm trong cuộc họp báo sáng 26/3. Ảnh: Nhandan.com.vn

Cùng quan điểm này, ông Jay Srage, Chủ tịch tập đoàn Qualcomm khu vực Đông - Nam Á, Trung Đông và châu Phi cho rằng: "Nền tảng để chuyển dịch từ 3G sang 4G đã có, và bất cứ sự chậm trễ nào trong việc triển khai 4G sẽ tác động đến phát triển kinh tế, bởi ngành viễn thông là ngành quan trọng, đi đầu kết nối các ngành khác để phát triển kinh tế nói chung". Ông cũng khuyên Việt Nam, các nước khu vực Đông - Nam Á nói riêng và tại châu Á nói chung không nên trì hoãn việc xây dựng lộ trình 4G cho tương lai.

Hối hả chuẩn bị cho 4G – LTE

Hiện nay, công nghệ 4G LTE đã được triển khai rộng khắp ở hơn 100 nước trên toàn thế giới, với khoảng hơn 300 nhà mạng đã triển khai công nghệ này. Khu vực châu Á có 61 đơn vị thuộc 25 quốc gia triển khai 4G. Tại khu vực Đông Nam Á, dịch vụ 4G đã được phát triển thành công tại các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến, hiện đại như Singapore, Malaysia, Indonesia, Brune…, còn tại các quốc gia thuộc lưu vực tiểu vùng sông Mekong, công nghệ 4G vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc mới bước đầu được triển khai. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu tổng thể của Tập đoàn công nghệ Qualcomm, dự tính đến năm 2020, trên thế giới sẽ có khoảng 25 tỷ thiết bị kết nối công nghệ internet di động. Như vậy, có thể khẳng định rằng thị trường công nghệ 4G tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và tại Châu Á nói chung còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Theo một báo cáo của Ericsson, đến cuối năm 2014, LTE tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và đã có 500 triệu thuê bao. Chỉ tính riêng quý 4/2014, lần đầu tiên thế giới chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục của công nghệ này trong một quý, lên tới 110 triệu thuê bao LTE mới. Dự báo trong khoảng thời gian 2015 đến 2020, châu Á Thái Bình Dương sẽ là khu vực đứng đầu về sự tăng mới thuê bao LTE, dự kiến sẽ có thêm 1,8 tỉ thuê bao, chiếm 60% sự tăng trưởng về lượng thuê bao LTE toàn cầu. Tới năm 2020, số lượng thuê bao băng rộng di động sẽ chiếm 90% tổng số thuê bao di động.

Hỗ trợ cho xu hướng này là sự phát triển của thị trường smartphone. Năm 2014, đã có khoảng 1,3 tỉ smartphone được bán ra và có thêm 800 triệu thuê bao smartphone mới. Tính tới năm 2012, trong vòng 5 năm kể từ khi lần đầu xuất hiện smartphone, số lượng thuê bao smartphone lên tới 1 tỉ. Tuy nhiên chỉ trong 2 năm gần đây, smartphone tăng mạnh đạt thêm 1 tỉ thuê bao mới. Tới năm 2016, số lượng thuê bao smartphone sẽ vượt số lượng điện thoại thường. Tới năm 2020, số lượng thuê bao smartphone sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm 2015. Vào năm 2020, smartphone sẽ tạo ra lượng sử dụng di động gấp 5 lần mức hiện nay và chiếm 70% tổng lưu lượng dữ liệu di động. Dự kiến sẽ có 6,1 tỉ thuê bao smartphone trên toàn cầu vào năm 2020. Tại các nước châu Á Thái Bình Dương, lưu lượng dữ liệu trung bình hàng tháng mà các thuê bao smartphone sử dụng năm 2014 là 0,7GB và dự kiến tới năm 2020 sẽ là 3,2GB.

Hội thảo quốc tế về 4G LTE tiểu vùng sông Mekong được tổ chức trong bối cảnh mọi thứ đã gần như chín muồi tại Việt Nam. Mới đây, Bộ Thông tin – Truyền thông đã cấp giấy phép cho 5 doanh nghiệp gồm FPT Telecom, VNPT, Viettel, CMC và VTC thử nghiệm 4G công nghệ LTE trong thời gian một năm.

Cơ quan quản lý cũng đã có lộ trình chuẩn bị băng tần cho triển khai 4G. Theo ông Lê Văn Tuấn, Cục phó Cục Tần số vô tuyến điện, hiện tại đã quy hoạch băng tần 2.3 và 2.6 GHz sẵn sàng cho triển khai 4G, trong đó băng tần 2.6 GHz sẽ cho đấu giá trước. Ngoài ra Bộ TT-TT cũng đã cho phép các nhà mạng đang có giấy phép 2G được triển khai thử nghiệm công nghệ IMT/IMT-Advanced (tương đương 3G/4G) trên băng tần 1800 MHz, nếu nhà mạng thử nghiệm dịch vụ 3G cho kết quả tốt, không can nhiễu thì có thể xem xét bổ sung các băng tần này cho 3G để tối ưu hóa hiệu quả. Thêm nữa, băng tần 700MHz hiện đang dùng cho truyền hình cũng đang được giải phóng và quy hoạch lại để phục vụ cho mạng 4G.

hội thảo 4G LTE

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Nam Thắng phát biểu tại hội thảo. Ảnh:thegioididong.com.vn

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, việc công nghệ 4G trở thành xu thế, phổ biến trên thế giới là một yếu tố quan trọng để Việt Nam quyết định triển khai 4G. Ngoài ra, do công nghệ 3G khá phổ biến nhưng lại hạn chế về mặt chất lượng và tốc độ, nên muốn đáp ứng được nhu cầu của thương mại điện tử trên di động và chính phủ điện tử trên di động thì việc triển khai 4G là rất cần thiết để hỗ trợ thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Theo Thứ trưởng, trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và các điều kiện khác, Việt Nam dự kiến cấp phép cho mạng thông tin di động này từ 2016.

Nhưng vẫn cần thận trọng

Mặc dù xác định sẽ triển khai công nghệ 4G LTE trong tương lai gần, nhưng cả cơ quan quản lý và các nhà mạng đều còn nhiều vấn đề phải cân nhắc.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Cục phó Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, có một số thách thức khi triển khai; mạng 4G. Thứ nhất là thách thức đối với nhà mạng trước yêu cầu nâng cấp mạng lưới, thiết bị truyền dẫn cáp quang, xây dựng các tuyến cáp quang mới. Quá trình lắp đặt có thể gặp những khó khăn như: một BTS điển hình dùng chung nhiều băng tần 1800, 800, 1900, 3100… có thể bị can nhiễu, ảnh hưởng chất lượng dữ liệu; việc sử dụng các node B trên cùng một cột ăng-ten có thể có vấn đề về truyền dẫn… Ngoài ra, việc triển khai hệ thống mạng lõi mới của doanh nghiệp sẽ phải được tối ưu để sử dụng hiệu quả, tương thích với hệ thống cũ, cần thiết phải nghiên cứu để sử dụng lại, tránh đầu tư chồng chéo hoặc xảy ra vấn đề không kết nối được giữa các dịch vụ.

Thứ hai là thách thức đối với cơ quan quản lý, việc cấp phép thêm cho 4 nhà khai thác công nghệ mới thì sự tham gia thị trường như thế nào là phù hợp, cần có phương án, giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp và thúc đẩy cạnh tranh. Do đó, năm 2015 sẽ là năm mà cơ quan quản lý phải tìm hiểu phương án cấp phép, ví dụ như có thể cấp một giấy phép hạ tầng cho doanh nghiệp có nhiều tài nguyên và công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa ra nhiều phương án kinh doanh trên các hạ tầng đã được cấp phép.

Về việc lựa chọn băng tần, ông Lê Văn Tuấn, Cục phó Cục Tần số vô tuyến điện cho rằng, lựa chọn băng tần nào cũng cần phải đảm bảo các nguyên tắc: được số đông các nước ủng hộ và đang là xu hướng chính trên thế giới nhằm đảm bảo quy mô thị trường lớn; việc quy hoạch băng tần cũng đảm bảo việc đền bù giải phóng các băng tần hiện đang sử dụng sao cho khả thi; có băng thông đủ lớn để các nhà khai thác đều sử dụng hiệu quả...

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, tuy thời cơ cho 4G đã đến, nhưng cũng cần xem xét một số yếu tố. Ví dụ như giá cả của các thiết bị phải giảm vì nếu quá đắt thì đầu tư của doanh nghiệp sẽ tốn kém. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp đầu tư 1 tỉ USD để mua thiết bị mạng lưới thì xã hội cũng phải chi 1 tỉ USD để mua thiết bị đầu cuối. "Mặc dù thị trường đã có khá nhiều thiết bị đời mới hỗ trợ 4G nhưng giá vẫn còn rất đắt so với mặt bằng kinh tế Việt Nam. Hiện chưa có thiết bị 4G có giá 1-2 triệu để phổ cập đến người dùng. Đó cũng là rào cản khiến việc triển khai 4G gặp khó khăn trong việc thu hút số đông người dùng. Cho nên đây cũng là bài toán của doanh nghiệp khi đầu tư vào công nghệ 4G", ông Thắng nói.

Ngoài ra, theo ông Thắng, để 4G phát triển tốt thì ngành công nghiệp nội dung cũng phải phát triển đồng bộ. Nếu người dùng chỉ kết nối mạng để vào web, gửi thư thì không cần đến 4G vì 3G đã làm tốt nhiệm vụ này. 4G chủ yếu phục vụ cho công việc xem TV. Do đó, để 4G phát triển thì ngành công nghiệp nội dung cũng phải phát triển, như dịch vụ xem TV, các dịch vụ dữ liệu lớn, xem phim, video, chơi game, tải ứng dụng lớn...

Theo ông Mantosh Malthotra, Giám đốc vùng, phụ trách khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Qualcomm, thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ với công nghệ LTE, thậm chí nhiều nhà khai thác đã bắt đầu đầu tư cho công nghệ LTE-Advanced Cat 10 có tốc độ có thể lên tới hơn 450 Mbps (so với 100 Mbps của LTE Cat 3 phổ biến hiện nay), do đó Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục các khó khăn để có thể sớm hoà nhập xu hướng này. 

Vân Hà

Chủ đề khác