VnReview
Hà Nội

Việt Nam tụt hạng chỉ số Tài năng toàn cầu

Trong Báo cáo xếp hạng Chỉ số Tài năng toàn cầu triển vọng đến 2015 (Global Talent Index ;Report: Outlook to 2015), Việt Nam đã bị đánh tụt 1 hạng so với năm 2011, đứng thứ 53/60.

Báo cáo này do Economist Intelligent Unit soạn thảo. Kết quả nghiên cứu đánh giá các quốc gia theo các tiêu chí năng lực phát triển, thu hút và duy trì tài năng. Cụ thể, có 7 tiêu chí đánh giá: Nhân khẩu học, Giáo dục bắt buộc (phổ cập giáo dục), Giáo dục đại học, Chất lượng nguồn nhân lực, Môi trường (để phát triển tài năng), Sự cởi mở và Khuynh hướng thu hút nhân tài.

Để thực hiện nghiên cứu này, các chuyên gia đã phỏng vấn các chuyên gia, giám đốc cấp cao phụ trách nguồn nhân lực về những áp lực, thách thức đối với các tài năng trong doanh nghiệp và trong phạm vi quốc gia.

Báo cáo cho thấy tài năng vẫn là một cấu thành quan trọng trong sức cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp và quốc gia. Do vậy, việc phát triển, thu hút và giữ tài năng như thế nào sẽ vẫn là một lịch trình ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo doanh nghiệp. Bản báo cáo Global Talent Index Report: The Outlook to 2015 nhằm mục đích thông tin cho họ bằng việc tiếp cận các xu hướng tài năng trên khắp thế giới theo hai chiều: cấp độ quốc tế thông qua chỉ số đánh giá môi trường tài năng ở 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; và ở mức độ doanh nghiệp để các giám đốc đánh giá như thế nào về triển vọng khả năng thu hút và duy trì nhân sự của họ.

Theo kết quả công bố, top 5 quốc gia có chỉ số tài năng cao nhất lần lượt là Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Singapore. Trung Quốc đã thăng hạng từ thứ 33 (2011) lên 31 (2015), đáng chú ý là điểm số được cải thiện cao, đến 5 điểm – là quốc gia có điểm số tăng cao nhất trong báo cáo. Yếu tố chính giúp Trung Quốc thăng hạng mạnh là mong muốn của nước này tiếp nhận nhân lực nước ngoài gia tăng.

Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore xếp trong top 5, đứng trên Việt Nam có Malaysia (hạng 39, giảm 3 bậc), Philippines (hạng 44, không thay đổi), Thái Lan (hạng 45, tăng 1 bậc). Indonesia mặc dù đứng vị trí dưới Việt Nam (hạng 56), nhưng đã có sự cải thiện so với năm 2011 (hạng 58).

Chỉ số tài năng Việt Nam

Bảng tổng hợp số điểm của Việt Nam theo các tiêu chí của Báo cáo Chỉ số Tài năng toàn cầu. Điểm số 100 là cao nhất.

Kết quả ở bảng điểm số chi tiết trên cho thấy có 3 trong tổng số 7 tiêu chí là bị đánh giá thấp đi, gồm có nhân khẩu học, giáo dục đại học và chất lượng nguồn nhân lực. Điều đáng mừng là sự cởi mở và mong muốn thu hút nhân tài có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Mặc dù báo cáo này chỉ là thông tin tham khảo nhưng nó cũng cho thấy cộng đồng quốc tế nhìn nhận về tài năng của Việt Nam ra sao. Từ đây, các nhà hoạch định chính sách cần phải có những chính sách mạnh mẽ hơn để cả 7 tiêu chí nói trên của Việt Nam trong thời gian tới ít nhất sẽ vượt ngưỡng trung bình.

Hoàng Thảo

Chủ đề khác