VnReview
Hà Nội

Nhà mạng lúng túng "phân loại" tin nhắn rác với tin sạch

Cơ quan chủ quản tiếp tục yêu cầu các mạng viễn thông ngăn chặn tin nhắn rác. Các nhà mạng thực thi theo kiểu "mạnh ai nấy chạy", đã gây ra tình trạng tin rác vẫn hoành hành còn tin sạch của khách hàng thì bị chặn.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa diễn ra, cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều khẳng định đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý tin nhắn rác.

Đại diện VinaPhone cho biết, nhà mạng này đã triển khai hệ thống có thể chặn online, khóa các tin nhắn dựa trên từ khóa và tần suất. Tùy vào thời điểm và loại hình. Khi hệ thống phát hiện có bất thường sẽ tự động khóa ngay số máy đó (có thời điểm quy định là trên 200 tin nhắn/phút thì hệ thống sẽ khóa).

Phía MobiFone thì thông tin, nhà mạng đã triển khai các biện pháp để chặn tin nhắn rác như: Chặn thuê bao vượt quy định tần suất 30 tin nhắn/phút; chặn hoàn toàn tin nhắn rác được gửi từ các tổng đài nhắn tin nước ngoài; lọc, theo dõi và chặn tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung phản cảm từ các số thuê bao, khóa các thuê bao phát tán tin nhắn rác...

Còn Viettel cũng có thời gian đưa ra quy định chặn những thuê bao gửi 52 tin nhắn/phút…

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu của Bộ, mỗi nhà mạng đang tự đưa ra một phương thức thực hiện để chống tin nhắn rác theo kiểu "mạnh ai nấy chạy", tùy thời điểm. Chính sự thiếu đồng bộ này đã gây nên tình trạng tin nhắn rác chưa hạn chế được bao nhiêu, trong khi khách hàng lại bị ngăn chặn dịch vụ không rõ lý do.

Theo báo Tuổi trẻ, anh Lý Văn Khương là một hướng dẫn viên du lịch ở TP.HCM phản ánh: Ngày 1/4 là sinh nhật mình. Sau khi gửi tin nhắn đến khoảng 23-25 người bạn từ 3 giờ chiều mà tới sát giờ sinh nhật vẫn chưa thấy ai hồi âm, anh Khương gọi điện để kiểm tra thì bạn bè anh đều bảo không nhận được.

Rất khó để các nhà mạng chặn tin nhắn rác triệt để

Sau đó vì lo lắng điện thoại nhắn một tin mà gửi nhiều người thì bị lỗi nên anh đã cẩn thận nhắn riêng cho từng người, nhưng kết quả là vẫn không ai nhận được. Khi anh Khương gọi điện đến tổng đài để thắc mắc thì mới được thông báo mỗi thuê bao trong ngày chỉ có thể sử dụng tối đa một lượng tin nhắn nhất định, nếu sử dụng vượt quá khung, thuê bao đó sẽ bị đưa vào danh sách lưu ý.

Phía tổng đài trả lời đó là do hệ thống tự động làm việc và khóa tin nhắn khách hàng. Khi anh Khương yêu cầu nếu có chặn thì tổng đài phải nhắn tin thông báo, giải thích cho khách hàng biết bao nhiêu tin nhắn là vượt mức quy định thì phía nhà mạng đáp rằng đó là thông tin bảo mật, không thể cung cấp cho khách hàng.

Trường hợp của anh Khương không phải là duy nhất. Nhiều người sử dụng dịch vụ của các nhà mạng cho biết bỗng dưng họ bị chặn việc gửi tin nhắn với lý do "vượt hạn mức số lượng tin". Trong khi đó ở tất cả các mạng di động, khách hàng đều rất bức xúc khi hàng ngày phải nhận nhiều tin nhắn quảng cáo dịch vụ của các nhà mạng.

Thuê bao 09834… than phiền, liên tục nhận được tin nhắn rác mời chào, quảng cáo đủ loại sản phẩm, từ nhà đất đến thiết bị tiêu dùng, dịch vụ và cả tin nhắn của nhà mạng đang sử dụng. "Ngày còn đỡ, có đêm đang ngủ ngon bỗng điện thoại đổ chuông tin nhắn liên hồi, lật đật mở máy hóa ra tin nhắn từ chính mạng đang dùng kiểu: Viettel tặng bạn 7 ngày sử dụng dịch vụ Isign….Soan DK7…Từ chối QC soan gui 199…"

Liên quan đến vấn đề chặn tin nhắn rác, lãnh đạo Bộ TT&TT nhận định, sau khi có Chỉ thị số 82 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng, các doanh nghiệp viễn thông đã vào cuộc để ngăn chặn và bước đầu cũng có kết quả và đồng thời cũng đang phát sinh vấn đề gây ảnh hưởng đến khách hàng.

Vị lãnh đạo này cũng nhìn nhận, thực tế hiện doanh nghiệp đang loay hoay trong việc xử lý tin nhắn rác do chưa có văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ TT&TT đưa ra tiêu chí xác định tin nhắn rác theo định lượng. Từ đó dẫn đến tình trạng mạnh đơn vị nào thì đơn vị tự ra phương án xử lý tin rác. Cũng do chưa có tiêu chí cụ thể nên các nhà mạng cũng bắt đầu phát sinh hiện tượng "nhìn nhau, thực hiện vừa phải để giữ khách".

Về vấn đề này, ông Đoàn Xuân Hợp, Phó trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone cho rằng, Bộ TT&TT cần xác định rõ thế nào là tin rác để có một định nghĩa thống nhất.

Theo Thông tư 04 do Bộ TT&TT ban hành trước đây, tin nhắn rác là tin nhắn lừa đảo, tin quảng cáo mà người dùng không muốn nhận. Theo tiêu chí này, tin nhắn lừa đảo có thể dễ nhận biết, nhưng đối với những tin nhắn quảng cáo nhà mạng rất khó xác định được thế nào là "người dùng không muốn nhận", đồng thời cần có định lượng cụ thể về tin nhắn rác là thế nào, hành vi phát tán thế nào được gọi là tin rác để nhà mạng có cơ sở chặn, còn nếu không xác định đúng thuê bao rác để chặn đúng sẽ ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp và người dùng.

Do đó, cần có những chính sách, giải pháp hữu hiệu, tổng lực để xử lý tin nhắn rác vì số lượng rất nhiều, lại muôn hình vạn trạng, không thể xử lý thủ công.

Đưa ra ý kiến đề đạt tại một cuộc họp lấy ý kiến doanh nghiệp với Bộ TT-TT nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, ông Phan Hoàng Đức, Phó TGĐ tập đoàn VNPT kiến nghị: Bộ TT&TT sớm kết nối với cơ sở dữ liệu thông tin của Bộ Công an để doanh nghiệp có thể đối soát, kiểm tra, xác thực thông tin do người dùng khai báo khi đăng ký thuê bao. Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, việc kết nối dữ liệu với Bộ Công An khó có thể triển khai trong vài năm tới. Do đó, trong thời gian tới, nhà mạng vẫn cần nghiêm túc thực hiện các quy định hiện hành, đặc biệt vấn đề sàng lọc thông tin phải làm tốt tại các điểm đăng ký thông tin thuê bao.

Được biết, hiện Cục An toàn thông tin đang gấp rút xây dựng văn bản hướng dẫn cục thể đối với các nhà mạng trong việc thực hiện chặn tin nhắn rác với các tiêu chí cụ thể thế nào là tin nhắn rác, số lượng/thời gian bao nhiêu sẽ ngăn chặn.

Theo Dân trí

Chủ đề khác