VnReview
Hà Nội

Vì sao CEO Larry Page phải xem xét từng ứng viên dự tuyển vào Google?

Điều này rất quan trọng, không chỉ với ứng viên, mà còn với toàn thể cán bộ, nhân viên Google.

Vào đầu năm 2015, Google có 53.600 nhân viên trên toàn thế giới. Năm ngoái, số nhân sự của Google là 47.800. Như vậy, mỗi năm hãng tuyển dụng khoảng 6.000 người mới.

Theo giám đốc nhân sự Laszlo Bock của Google, đồng sáng lập kiêm CEO Larry Page là người phê duyệt và tuyển dụng từng người một. Laszlo Bock là người đã viết ra quy trình tuyển dụng của Google trong cuốn sách mới có tên "Work Rules!".

Năm 2011, Page nói với trang Wired trong một cuộc phỏng vấn rằng ông đã phát triển một hệ thống phê duyệt chính thức vì ông muốn công ty mà ông cùng sáng lập với Sergey Brin năm 1998 đi đúng hướng như tầm nhìn của ông dù số lượng nhân viên tăng lên theo cấp số nhân.

"Nó giúp tôi biết đều gì đang thực sự diễn ra", Page nói.

Trong cuốn sách, Bock giải thích rằng quy trình tuyển dụng của Google được sắp xếp để tránh đặt quá nhiều trọng trách lên vai của một người quyết định duy nhất. Thay vì chỉ có ý kiến của một hoặc hai nhà tuyển dụng, các ứng viên của Google phải trải qua các vòng phỏng vấn với nhiều nhà tuyển dụng, với sếp tương lai, với đồng nghiệp tương lai, với ủy ban tuyển dụng, với một lãnh đạo cấp cao và cuối cùng là với Larry Page.

Mỗi tuần, Page lại nhận được một báo cáo nhận xét về mỗi ứng viên. Page sẽ xem xét các nhận xét của các nhà tuyển dụng về ứng viên, và kiểm tra hồ sơ ứng viên nếu cần thiết. Page sẽ gửi phản hồi cuối cùng, đồng ý hay từ chối ứng viên, trong vòng vài ngày.

Theo Bock, cả ứng viên và công ty đều rất cần biết Page là người đưa ra tiếng nói cuối cùng.

"Điều quan trọng hơn phản hồi của Page là thông điệp mà Larry gửi đến cho toàn thể Google, đó là việc tuyển dụng phải được tiến hành nghiêm túc nhất, và chúng ta có nhiệm vụ tiếp tục làm việc thật tốt", Bock viết. "Những người mới của Google luôn vui mừng khi biết đích thân Larry đã xem xét việc tuyển dụng họ".

Hương Mai

Theo Business Insider

Chủ đề khác