VnReview
Hà Nội

10 nghề dễ gây trầm cảm

Nhân viên y tế, người trông trẻ, người làm công tác xã hội, lao động trong ngành giải trí... có khả năng bị trầm cảm cao.

Có một số nghề dễ gây trầm cảm hơn so với các nghề khác vì thường phải đối mặt với stress, sự thay đổi liên tục hoặc làm việc nhiều thời gian và khó kiểm soát. Các chuyên gia y tế đã thống kê 10 lĩnh vực bao gồm 21 ngành nghề làm việc toàn thời gian mà nhân công làm ở đó dễ bị trầm cảm.

"Những người làm công việc nhiều stress sẽ có khả năng kiểm soát tình trạng này tốt hơn nếu họ biết tự chăm sóc bản thân và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần", tiến sĩ Deborah Legge, một chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần tại Buffalo, Mỹ, nói.

Nghề chăm trẻ/chăm người bệnh tại nhà

Đây là nghề đứng đầu danh sách, với gần 11% số người làm trong lĩnh vực này được báo cáo về khả năng trầm cảm.

Đó là những việc chăm trẻ hay chăm người ốm tại nhà họ vào ban ngày bao gồm cho ăn, tắm và chăm sóc những người thường không có khả năng thể hiện sự biết ơn hay ghi nhận. Christopher Willard, nhà tâm lý lâm sàng tại; Đại học Tufts (Mỹ) và tác giả cuốn sách Child's Mind, cho biết: "Thực sự là rất căng thẳng khi trông nom người ốm, trẻ nhỏ và không nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực".

Nhân viên y tế

Nhân viên y tế bao gồm bác sĩ, y tá, nhà trị liệu và các nghề khác mà gắn liền với những người phải vào viện chữa trị và có ít khả năng tự chăm lo cho mình. Nhân viên y tế phải làm việc nhiều giờ, ngoài giờ, trong tình trạng mạng sống của người khác nằm trong tay họ.

"Hằng ngày họ thấy người bệnh, những đau đớn và cả cái chết, đồng thời phải đối mặt với gia đình bệnh nhân. Những điều này có thể khiến họ nhìn toàn thế giới như một nơi nhuốm màu đau khổ", tiến sĩ Willard nói.

Nhân viên công tác xã hội

Không mấy ngạc nhiên khi thấy các nhân viên công tác xã hội thuộc nhóm hàng đầu trong số các ngành nghề dễ trầm cảm. Họ phải đối mặt với những trẻ em bị lạm dụng hay các gia đình bên bờ vực khủng hoảng, công việc luôn có nhiều đòi hỏi, căng thẳng, mà thường không chỉ giải quyết được trong giờ hành chính, thậm chí là 24 giờ trên 7 ngày.

"Có thể nói rằng công việc của họ thực sự vất vả. Họ làm việc với những người thực sự đang rất cần họ và thật khó để làm tốt công việc này nếu thiếu sự hy sinh. Tôi thấy điều này hay xảy ra với nhân viên công tác xã hội và những ngành nghề chăm sóc người khác. Họ thực sự dễ bị kiệt sức", chuyên gia Willard nói.

Nhân viên phục vụ đồ ăn

Nhân viên bưng bê thường được trả công thấp và luôn phải làm theo yêu cầu của người khác với những việc mệt nhoài mỗi ngày. 10% số nhân viên phục vụ ăn uống nói chung mắc trầm cảm trong năm qua, gần 15% phụ nữ làm trong lĩnh vực này bị tình trạng tương tự.

"Đây là một công việc rất bạc bẽo. Nhiều người có thể cư xử thô lỗ và có thậm chí còn dùng bạo lực với nhân viên phục vụ ăn uống. Khi người ta trầm cảm, thật khó để có năng lượng và động lực để làm việc và khi không có những thứ đó, bạn làm việc gì cũng khó khăn", các nhà tâm lý phân tích.

Nghệ sĩ, người làm trong ngành giải trí, người viết

Những công việc này thường có thu nhập, giờ làm không ổn định và dễ cô lập. Người làm nghề sáng tạo cũng có thể có tỷ lệ rối loạn tính khí cao hơn. Ở nam giới, đó là nhóm công việc dễ đi liền với một giai đoạn trầm cảm nặng (khoảng 7% những người làm công việc này toàn thời gian).

Nhà tâm lý nhìn nhận: "Một điều tôi hay thấy ở những người làm trong ngành giải trí và các nghệ sĩ là tình trạng lưỡng cực. Đó có thể là tình trạng rối loạn tính khí không thể chẩn đoán hay điều trị ở những người như các nghệ sĩ. Thường công việc là một phần gây ra tình trạng trầm cảm của họ và sau đó lối sống góp phần củng cố nó".

Giáo viên

Những đòi hỏi đối với giáo viên dường như ngày càng tăng. Nhiều người không chỉ làm việc tại trường mà còn phải mang công việc về nhà.

"Có áp lực từ nhiều đối tượng khác nhau - trẻ em, phụ huynh và các trường học cố gắng nâng cao tiêu chuẩn, đi cùng với đó là các đòi hỏi với giáo viên cũng tăng lên, gây khó cho họ và đôi khi khiến họ quên cả mục đích khi đến với nghề này là gì", nhà tâm lý Willard nói.

Nhân viên bán hàng

Nhiều người bán hàng chỉ được hưởng tiền hoa hồng phụ thuộc trực tiếp vào doanh thu bán hàng của họ, nghĩa là họ không bao giờ biết chính xác khi nào thì tháng lương kế tiếp của mình sẽ tới. Họ có thể phải đi công tác và mất nhiều thời gian xa gia đình, bạn bè.

Nếu họ làm việc độc lập, lợi nhuận có thể cũng hạn chế. Các yếu tố cộng hưởng từ thu nhập bấp bênh, áp lực khủng khiếp về doanh thu và những giờ làm việc kéo dài có thể khiến công việc này trở nên mệt mỏi, căng thẳng.

Tư vấn tài chính và kế toán

Căng thẳng, căng thẳng và căng thẳng là những điều họ có thể nói về những cảm giác của mình. Hầu hết mọi người không thích giải quyết các vấn đề tiên bạc như quản lý khoản tiết kiệm hưu trí của mình. Vì vậy bạn có thể tưởng tượng xem việc phải kiểm soát hàng nghìn hay hàng triệu đô tiền cho những người khác sẽ thế nào.

"Phải gánh nhiều trách nhiệm với tài chính của người khác và không kiểm soát được thị trường. Đôi khi cảm thấy có lỗi và khi khách hàng mất tiền, họ có thể gào thét vào mặt họ thường xuyên", nhà tâm lý Legge nói về công việc của những người thuộc ngành nghề này.

Hỗ trợ khách hàng

Những người làm trong lĩnh vực này thực sự là "làm dâu trăm họ". Họ ở tuyến đầu, tiếp nhận các yêu cầu từ tất cả các phương diện của khách hàng, công ty đối tác, đồng thời vừa phải chịu sự chi phối, áp lực từ phía đơn vị, người quản lý của mình. Họ có thể có những ngày không lường trước được việc gì sẽ xảy ra và thậm chí họ không có chút kiến thức gì về vấn đề mình phải đương đầu.

Theo VnExpress

 

Chủ đề khác