VnReview
Hà Nội

Phản ứng trái chiều về xếp hạng trường học toàn cầu

Sau khi xếp hạng trường học toàn cầu cho thấy học sinh châu Á, trong đó có Việt Nam, đứng ở vị trí top đầu, thì dư luận ở Việt Nam hoặc hoài nghi, hoặc "dìm" kết quả, trong khi dư luận Anh, Mỹ sôi sùng sục chỉ trích nền giáo dục.

Học sinh trung học Việt Nam xếp hạng cao trên toàn cầu về toán và khoa học nhưng dư luận vẫn không vui

Học sinh trung học Việt Nam xếp hạng cao trên toàn cầu về toán và khoa học nhưng dư luận vẫn không vui. Ảnh minh họa

Theo BBC đưa tin hôm 13/5/2015, hệ thống giáo dục của các nước châu Á dẫn đầu trong xếp hạng trường học trên toàn cầu quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD). Xếp hạng này được thực hiện dựa trên điểm số về toán học và khoa học dành cho học sinh lứa tuổi 15 (ở Việt Nam tương đương với lớp 10 trung học phổ thông).

Cụ thể, Singapore xếp vị trí số 1, tiếp đến là Hong Kong và Hàn Quốc. Nhật Bản và Đài Loan đều xếp hạng 4. Việt Nam đứng thứ 12, trên cả Đức, Úc. Trong khi đó, Anh xếp hạng 20 và Mỹ đứng hạng thứ 28. Nước xếp hạng chót là Ghana.

Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan xếp hạng 47, Malaysia hạng 52, Indonesia hạng 69.

Trung Quốc không có tên trong danh sách này.

Sau khi báo chí các quốc gia đăng tải kết quả này, thì dư luận cả ở quốc gia xếp hạng cao lẫn thấp đều tỏ ra không hài lòng, nghi hoặc và cả bức xúc. Tại sao?

Theo quan sát của chúng tôi trên các báo Singapore như; Straitstimes, Channel News Asia, Asia One và Facebook nhiều bình luận chúc mừng nhưng nhạt nhẽo hoặc tỏ ý mỉa mai. Có bình luận cho rằng có kết quả Singapore số 1 là nhờ hàng tỷ đô la các bậc phụ huynh chi trả cho học thêm, học tư và trở thành một tiêu chuẩn của hệ thống giáo dục. Nó đã giúp cho học sinh Singapore "thông minh trong các kỳ thi" nhưng các kỹ năng giao tiếp lại nghèo nàn do đó, đã đến lúc phải thay đổi.

Còn Bộ trưởng Giáo dục Ghana thông qua báo chí địa phương đã chỉ trích kết quả xếp hạng là không chính xác, phiến diện và rằng Ghana có hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới.

Trong khi đó, các bình luận trên báo Anh, Mỹ tỏ thái độ thất vọng, bức xúc, cho đó là nỗi xấu hổ quốc thể. Hàng loạt khuyết điểm của hệ thống giáo dục quốc gia được liệt kê, như để trẻ đưa điện thoại di động đến trường, trẻ em nghiện smartphone, kỷ luật trường học yếu kém, sức ép quá lớn đối với giáo viên dẫn đến tình trạng giáo viên bỏ nghề, cải cách giáo dục thất bại dù mất tiền tỷ đô... Có ý kiến chỉ ra đó là do lỗi ở các bậc cha mẹ và các giá trị xã hội.

Tuy nhiên, có một số ý kiến tỏ ra ít bị xúc động hơn bởi kết quả, cho rằng xếp hạng cao không phải là một đảm bảo cho kinh tế thành công. Các kỹ năng toán và khoa học là bổ ích nhưng chúng không phải là những điều duy nhất có ảnh hưởng đến sự thành công của một học sinh. Một nền văn hóa khuyến khích sự  ham hiểu biết, tự do chia sẻ ý tưởng sẽ hoàn thiện các kỹ năng cho học sinh tốt hơn là nền văn hóa theo mệnh lệnh và hạn chế sự sáng tạo.

Trong khi đó, tại Việt Nam, điều đáng ngạc nhiên dư luận trên mạng lại không mấy lạc quan, tự hào mà ngược lại, tỏ ra hoài nghi về kết quả xếp hạng này. Có nhiều ý kiến không tin, cho rằng đó là "hoang đường", "hư cấu". Bởi vì tại sao học sinh Việt Nam giỏi toán và khoa học như vậy nhưng tại sao nền sản xuất của Việt Nam cả về nông nghiệp và công nghiệp đều yếu kém, phụ thuộc nhiều vào nước ngoài? Rằng điểm số xếp hạng này không phản ánh đúng thực tế chất lượng giáo dục bởi minh chứng rõ ràng là ngày càng nhiều học sinh Việt Nam lựa chọn du học ở các nước xếp hạng thấp hơn nhiều như Anh, Mỹ. Và thực tế trình độ phát triển kinh tế Việt Nam không phản ánh đúng so với kết quả xếp hạng mặc dù OECD cho rằng, kết quả này - dựa trên điểm số bài thi ở 76 quốc gia – cũng phần nào thể hiện sự tương quan giữa giáo dục và phát triển kinh tế.

Hiện cách thức tính điểm xếp hạng trường học toàn cầu của OECD chưa được công bố. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này trong thời gian tới. Mời bạn đọc quan tâm theo dõi.

Hoàng Thảo

Chủ đề khác