VnReview
Hà Nội

Nikkei Asian Review: Đây là lời đáp của người Việt dành cho iPhone

Với tiêu đề "Enter Bkav: Here's Vietnam's answer to the iPhone" (tạm dịch: Thâm nhập Bkav: Đây là lời đáp của người Việt dành cho iPhone), báo Nhật Nikkei Asian Review đã có bài phân tích khá sâu về chiếc điện thoại Bphone sau chuyến thăm trụ sở Bkav và phỏng vấn CEO Nguyễn Tử Quảng.

VnReview xin chuyển ngữ để bạn đọc tiện theo dõi. Tham khảo bài viết gốc tại đây.

Nguyễn Tử Quảng bước ra sân khấu trong tràn ngập tiếng reo hò, tiếng nhạc beat và hàng loạt đèn nháy flash từ các camera. Trên tay ông giơ cao một thiết bị mà ông khẳng định sẽ thay đổi nền công nghệ của Việt Nam mãi mãi - một chiếc smartphone cao cấp được sản xuất trong nước.

"Chúng tôi đã làm được",;người được cho là phiên bản Steve Jobs Việt Nam tuyên bố. "Sản phẩm này dành cho bạn".

Bphone là chiếc smartphone đầu tiên của Việt Nam nhắm vào thị trường cao cấp. Bkav, một hãng xuất khẩu phần mềm an ninh và phần mềm diệt virus có trụ sở tại Hà Nội, lần đầu tiên tiết lộ vào hồi tháng Một năm nay rằng họ đang phát triển một chiếc điện thoại, tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) ở Las Vegas. Mọi sự quan tâm và mong chờ [chiếc điện thoại] bắt đầu từ đấy. Công ty này cho biết họ đã nhận được 11.882 đơn đặt hàng cho chiếc điện thoại chỉ trong 12 giờ đầu tiên sau khi nó được bán ra hôm 2/6.

Ông Quảng, vị CEO 40 tuổi kiêm đồng sáng lập của Bkav, hứa hẹn đấy sẽ là một sản phẩm còn đẹp hơn cả iPhone của Apple và thân thiện với người dùng hơn cả dòng Galaxy của Samsung. Và ông đưa ra mức giá bán thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Bất chấp thực tế là Bkav chưa từng sản xuất điện thoại nào trước đó, và các điện thoại được sản xuất trong nước thường mang tiếng kém chất lượng,

Được truyền cảm hứng từ sự thành công của thương hiệu đang tăng trưởng nhanh Xiaomi (Trung Quốc),ông Quảng nhìn nhận Việt Nam chỉ là bước khởi đầu cho Bphone. "Mục tiêu sau cùng của chúng tôi là xây dựng ra một thương hiệu smartphone toàn cầu, được yêu thích bởi người dùng toàn thế giới", ông Quảng phát biểu tại hôm ra mắt Bphone 26/5.

Việt Nam hiện là trung tâm lớn về xuất khẩu điện thoại và các linh kiện điện tử cho các hãng như Samsung, Nokia, LG Electronics và một số thương hiệu khác. Đây cũng là một thị trường tăng trưởng nhanh. Được tiếp sức từ mức thu nhập gia tăng cũng như sự phổ biến của các mạng di động tốc độ cao nhưng giá thành thấp, người tiêu dùng Việt Nam đã mua 11,6 triệu chiếc smartphone trong năm 2014, tăng 57% so với năm trước đó, theo ghi nhận từ IDC. Một nghiên cứu của Google cho thấy khoảng 36% dân số trong 92 triệu dân nước này sở hữu smartphone.

Những tiềm năng chưa được khai thác

Các thương hiệu điện thoại nước ngoài, như Apple, Samsung, Sony, Nokia, LG, Asus và Oppo, là những cái tên phổ biến nhất ở thị trường Việt Nam. Trong khi các công ty Việt Nam khác, như Viettel hay VNPT, bán những chiếc smartphone rẻ tiền mang thương hiệu của họ, đều thất bại trong việc tìm được chỗ đứng trên thị trường. Thiết kế nghèo nàn, chất lượng thấp và marketing ít ỏi đã khiến những chiếc smartphone thương hiệu Việt bị hạ thấp giá trị.

Ông Quảng quyết định cho mọi người thấy thương hiệu Việt Nam có thể cạnh tranh được ở đẳng cấp cao nhất. Ông nói với tạp chí Nikkei Asian Review: "Chúng tôi có mặt trễ trên thị trường, chúng tôi biết điều đó. Điều này có nghĩa chúng tôi phải tạo ra khả năng nhận diện thương hiệu, chúng tôi phải làm ra một sản phẩm tốt hơn các đối thủ. Tôi cho rằng chúng tôi đã làm được với Bphone".

Tại buổi ra mắt hồi tháng trước, hơn 2000 nhà báo, các nhà quan sát trong ngành, các blogger cũng như khách VIP đã tề tựu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội để nhìn ngắm Bphone cũng như để "trăm nghe không bằng một thấy" sản phẩm này.

Trong một buổi trình diễn y hệt kịch bản của Apple, ông Quảng, đóng bộ trong chiếc quần jean và chiếc áo T-shirt đơn giản của công ty, lần lượt công bố những tính năng ấn tượng của chiếc điện thoại. Nó có một thiết kế phẳng bóng bẩy, màn hình full HD kích thước 5 inch được nhập từ Sharp, chạy hệ điều hành dựa trên Android Lollipop và chip xử lý Qualcomm Snapdragon 801- những thứ thường thấy trên một smartphone cao cấp. Ông cũng tự hào nhấn mạnh tính năng bảo mật cao cấp cũng như khả năng chia sẻ dữ liệu không dây cực nhanh của sản phẩm.

Giá khởi điểm cho bản 16 GB của Bphone là 9,99 triệu đồng (458 USD), rẻ hơn iPhone 6 Plus tới 40%. Còn phiên bản mạ vàng 128 GB có giá 20,19 triệu đồng.

Bkav, ít nhất tại thời điểm này, đang phỏng theo mô hình bán hàng online của Xiaomi. Bphone chỉ được bán trên trang web của Bkav và trang thương mại điện tử có tên Vala. Mặc dù nó vẫn được trưng bày tại một số cửa hàng bán lẻ của FPT Shop và Thế Giới Di Động trong vài ngày dưới thoả thuận với Bkav. Công ty cho biết họ kiểm soát việc bán sản phẩm nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị lừa đảo mua nhầm hàng giả hoặc đã qua sử dụng.

Chiến lược của Bkav khá lạ lùng tại Việt Nam. Lấy ví dụ như Apple, đã có thành công lớn khi bán sản phẩm tại các cửa hàng của FPT. Một khảo sát hồi đầu năm bởi hãng nghiên cứu Epinion cho thấy 86% người Việt Nam thích mua smartphone và tablet ở cửa hàng.

Nghi ngờ và đố kỵ

Tại ngày ra mắt, Bphone đã nhận được hàng ngàn bình luận trên các diễn đàn, nhiều trong số chúng tỏ ra hoài nghi. Một người dùng có nick Thỏ Xinh viết trên một fanpage không chính thức của Bphone: "Sản phẩm của các anh chưa được kiểm chứng và giá thành quá cao so với các smartphone phổ thông khác. Tôi không muốn phí tiền của mình cho một thử nghiệm".

Phần lớn các chỉ trích nhằm vào CEO của Bkav. Ông đã phát triển ra phần mềm diệt virus của mình khi còn là sinh viên ở ĐH Bách Khoa Hà Nội hồi giữa những năm 1990 trước khi sáng lập ra Bkav, hiện đang là nhà cung cấp phần mềm bảo mật Internet lớn nhất Việt Nam và là một đối tác của chính phủ, năm 2001. Trong khi được ngưỡng mộ bởi con đường đi tới thành công của mình, ông cũng bị ghét bởi sự tự tin quá đáng và các lời phát biểu quá táo bạo.

Riêng trường hợp của Bphone, nhiều người cảm thấy thất vọng bởi sự thiếu minh bạch về sản phẩm. Quy mô đầu tư của Bkav cho việc phát triển, nguồn kinh phí sản xuất và địa điểm sản xuất ra chiếc điện thoại vẫn chưa được tiết lộ.

Một phần lý do mà ông Quảng có xu hướng muốn tạo nên sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận chính là chính là văn hoá. Một nhà báo làm việc cho một hãng tin nhà nước cho biết: "Việt Nam có kiểu tâm lý bầy đàn và nền kinh tế quản lý tập trung. Ở đây, mỗi một thành công đều bị gắn liền với một tập thể hoặc tổ chức và vai trò của từng cá nhân bị giảm xuống. Đồng thời, mọi người thường có xu hướng đố kỵ và sợ người khác thành công hơn mình, đặc biệt nếu thành công đó đến từ tài năng thực sự. Những người mê công nghệ có thể rất 'hung hãn'."

Một trong những minh chứng cho sự ghen ăn tức ở ấy là trường hợp của Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên Hà Nội khá ôn hoà, tác giả của Flappy Bird, một game di động đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Nhưng anh lại bị cộng đồng mạng Việt Nam "quăng gạch" không thương tiếc. Nhiều người chế nhạo sáng tạo của anh là quá đơn giản, không có gì đặc biệt và nổi tiếng một cách vô lý.

Với Quảng, dù sao, số bình luận tích cực trên mạng vẫn ngang với tiêu cực. Nguyễn Hải Triều, CEO của YouNet Media, một công ty nghiên cứu thị trường truyền thông có trụ sở ở TP.HCM, cho biết: "Bphone đã tạo ra được các tranh cãi, nhưng sự tranh cãi đó là tốt. Từ phân tích của mình, chúng tôi tin rằng Bkav đã tạo ra khả năng nhận diện thương hiệu rất tốt. Và một phần lớn của việc đó là nhờ thương hiệu 'Mr. Quảng'."

Ông Triều hy vọng điều này có thể dần dần chuyển thành doanh số. "Mọi người bắt đầu tin rằng Bphone có thể trở thành cái gì đó lớn lao. Dường như sản phẩm này đã có được 3 điều quan trọng nhất trong việc bán hàng - một giao diện tốt, một camera tốt và một thiết kế tốt. Những người dùng đầu tiên sẽ khám phá nó, và nếu nó tốt như bề ngoài của nó, họ sẽ phát tán những điều ấy".

Ông Nguyễn Lâm, giám đốc IDC tại Việt Nam, cho biết còn quá sớm để nói liệu Bkav có thành công trong việc quảng bá Bphone ra nước ngoài như họ đã từng làm với các sản phẩm an ninh hay không. "Nếu họ cạnh tranh với Apple, họ phải tạo ra một hệ sinh thái mạnh hơn và phải làm nhiều hơn việc tạo ra một chiếc smartphone".

Nhưng nếu bản thân ông Quảng có bất cứ nghi ngại gì, ông cũng không để lộ điều đó. Ông tuyên bố tại buổi ra mắt: "Đây là một ngày lịch sử của nền công nghệ Việt Nam. Chúng tôi làm ra Bphone vì chúng tôi yêu các bạn. Chúng tôi làm điều đó vì chúng tôi yêu Việt Nam".

Huyền Thế

Theo Nikkei

Chủ đề khác