VnReview
Hà Nội

Đánh giá phim Mission: Impossible - Rogue Nation (2015)

Tiếp tục chuỗi sứ mệnh giải cứu thế giới khỏi các thế lực đen tối, phần 5 của series Mission: Impossible (Nhiệm vụ bất khả thi) với tựa đề Rogue Nation (Quốc gia bí ẩn) tiếp tục đưa khán giả phiêu lưu xuyên quốc gia của điệp viên Ethan Hunt do tài tử điển trai Tom Cruise thủ vai.

Đánh giá phim Mission: Impossible - Rogue Nation (2015)

Một trong những series phim hành động kinh điển, vừa mang tính trinh thám hình sự vừa có hơi hướng khoa học viễn tưởng thành công từ trước tới nay chắc có lẽ phải kể tới Mission: Impossible (MI) với tựa Việt là Nhiệm vụ bất khả thi. Kể từ khi ra mắt phần đầu tiên vào năm 1996 tới nay, tính đến nay MI đã có 5 phần và đều được đầu tư kỹ lưỡng cũng như nhận được sự quan tâm của người xem.

Không chỉ vậy, kể từ khi phim ra mắt, khúc nhạc dạo đầu của phim cũng trở thành một đoạn nhạc kinh điển, mang tính biểu trưng cho phim hành động với giai điệu dồn dập mô phỏng sự nghẹt thở của tình tiết trong phim tựa như ngòi nổ đang sắp cháy tới tâm bom. Phần 5 của bộ phim có tên là Mission: Impossible – Rogue Nation (MI5), liệu đạo diễn Christopher McQuarrie và tài tử Tom Cruise có tiếp tục nối gót thành công của những sứ mệnh "bất khả thi" với những pha hành động không tưởng như những phần trước hay không?

Kịch bản khá đơn giản nhưng đủ lôi cuốn đến phút chót

Mở đầu phim với cảnh… "không thể tin nổi" khi Ethan Hunt của tổ chức Lực lượng Điệp vụ bất khả thi (Impossible Mission Force - IMF) phải đu vào thân một chiếc máy bay chở hàng quân sự vừa cất cánh, dĩ nhiên với sự hỗ trợ của cộng sự và năng lực phi thường của mình, Ethan đã xuất sắc bám trụ và hóa giải thành công phi vụ mở màn này.

Cặp bài trùng Ilsa (Rebecca Ferguson) và Ethan Hunt (Tom Cruise) trong phim

Sau đó, anh trở về một điểm hẹn (cơ sở) bí mật của tổ chức và mở đĩa than để nhận lời khen ngợi và thông tin về nhiệm vụ mới như thường lệ thì bất ngờ bị tấn công theo cách mà anh không hề nghĩ tới, một tổ chức nào đó đã cướp và truy cập vào mạng lưới và tuyên bố sẽ giải tán tổ chức IMF của anh ngay trong thông điệp dành cho anh mà lẽ ra phải được phát đi từ IMF, Ethan chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì anh đã bất ngờ thúc thủ và phải tận mắt chứng kiến nữ liên lạc viên của cơ sở bị một kẻ lạ mặt giết hại ngay trước mắt trong sự bất lực của Ethan.

Kẻ hạ thủ nữ liên lạc của cơ sở ngay trước mặt anh là ai? Kẻ nào đang dã tâm xóa sổ tổ chức IMF của anh? Đó là những điều duy nhất mà Ethan kịp tự hỏi bản thân mình trước khi lịm đi trước sự mờ ảo của đám khói thuốc mê đang bủa vây quanh anh…

Phần 5 của phim tiếp tục là những phi vụ xuyên quốc gia, với sự tham gia của IMF, CIA và cả tình báo Anh. Phim vẫn tiếp tục có màn "mang mặt nạ" và "lột mặt nạ" silicon kinh điển của series Mission Impossible, có điều màn lột mặt nạ của phần này dễ đoán hơn trước.

Tiếp tục sứ mệnh giải mã những nhiệm vụ bất khả thi

Nếu bạn từng xem các phần trước của Mission: Imposible, có lẽ phần 5 này sẽ ít nhiều không làm bạn thỏa mãn với những trò lột mặt nạ kẻ thù ở phút cuối. Ở các phần trước, "trùm cuối" thường cuối phim mới lộ diện và bị phơi mặt, trong khi ở phần 5 này gần như kẻ thù của Ethan đã xuất hiện chính diện ngay từ đầu và không hề có thủ thuật giấu mặt nào, điều này khiến ít nhiều làm giảm đi sự hồi hộp và gay cấn khó đoán định như những phần trước.

Nhân vật phản diện xuất hiện quá sớm...

Rất may, đạo diễn Christopher đã không khiến bạn phải thất vọng khi tạo ra một vài điểm thắt nút mở nút trong suốt mạch phim, phần nào giúp người xem không bị nhàm chán hoặc quá dễ suy đoán tình huống, giữ được ánh mắt bạn khó rời màn ảnh trong suốt gần 131 phút của bộ phim.

Hạt sạn trong các phim hành động hình sự viễn tưởng kiểu này vẫn thường nằm ở tính logic, và phim này cũng không ngoại lệ, cảnh Thủ tướng của một quốc gia (xin phép giấu tên) bị những tên thích khách tiếp cận ngắm bắn quá dễ dàng so với tầm quan sát của lực lượng mật vụ (những vị trí khả dụng có thể nhắm tới nguyên thủ thường được bảo vệ và theo dõi thường xuyên); hay việc dễ dàng giả dạng ai bất chấp các chỉ số sinh trắc học khác nhau của mỗi người (kích thước/chiều cao/dáng đi..), và một số tình huống khác.;

Nhìn chung, bỏ qua những hạt sạn khó tránh khỏi đó, chúng ta có thể hài lòng với những gì mà Tom và các cộng sự của bộ phim mang lại. Phim vẫn là bữa tiệc của những cảnh hành động khó tin, diễn ra ở những cấp độ mang tính thách thức cao chứa đựng yếu tố an ninh quốc gia. Có điều phim khắc họa hình ảnh thủ tướng của 2 quốc gia cao cấp quá mờ nhạt, gần như người xem không cảm nhận được họ là nguyên thủ quốc gia tầm cỡ. Trong khi đó, hình ảnh và vai trò/quy mô của IMF trong MI5 tỏ ra khá mờ nhạt.

Màn rượt đuổi bằng motor phân khối lớn hiệu BMW rất phấn khích trong phim

Loạt phim Jame Bond 007 (Điệp viên 007) hay nhiều phim hành động viễn tưởng khác, thường "lòe" công nghệ tương lai trong phim đến mức… thái quá và mang tính biểu diễn cao. Nhưng xuyên suốt Mission Impossible 5, thỉnh thoảng người xem sẽ bất ngờ với những màn trình diễn công nghệ ấn tượng và tinh tế, tôi thích kiểu "trình diễn" nhẹ nhàng và tự nhiên như thế này hơn. Trong 007 bạn sẽ thốt lên vì các công nghệ trong mơ và những màn giới thiệu choáng ngợp về chúng và lý trí bạn sẽ chối bỏ với suy nghĩ "lòe thiên hạ quá", còn trong phim này bạn chỉ kịp nhận ra công nghệ "tương lai" vừa được sử dụng để mở cửa hay đột nhập vào một cơ sở bí mật mà không hề có cảm giác người sử dụng khoe mẽ, bởi chúng không hiện diện theo kiểu quá lòe loẹt hay màu mè.

Tương tự vậy, các cảnh hành động cháy nổ và kỹ xảo trong phim cũng ở mức vừa phải nhưng khá thuyết phục, từ cảnh rượt đuổi moto cho đến cảnh bắn nhau, không hề có lửa tung tóe hay cháy nổ đậm chất CGI như nhiều phim hành động "rẻ tiền", các VFX artist của studio Double Negative đủ tài năng để đưa đến các khung hình "thật" hơn và vừa đủ để người xem dán mắt vào màn hình. Trong khi đó, âm thanh của phần 5 này  lại có phần mờ nhạt, vẫn tiết tấu quen thuộc của series Mission: Impossible nhưng dường như được biến tấu một chút và âm thanh xuyên suốt bộ phim chỉ ở mức tròn trịa chứ không đủ xuất sắc để góp phần mang lại sự dồn dập/ngột ngạt hay cảm giác hoành tráng như những phần trước.

Điểm chú ý là phần 5 có sự tham gia của Alibaba Pictures Group đến từ Trung Quốc và một công ty phát hành phim khác của Trung Quốc, nên trong phim tiếp tục có vài yếu tố... văn hóa Trung Quốc được lồng vào tương tự phần trước của phim với điệp vụ ở Thượng Hải. Trong phần này là vở opera ở nhà hát trong sắc phục... truyền thống của Trung Hoa. Điều này ít nhiều khiến người xem có cảm giác khiên cưỡng.

Một cảnh hành động mạo hiểm của Tom trong phim: Leo lên cánh máy bay trong khi máy bay đang cất cánh...

Tom Cruise vẫn tiếp tục là tài tử của MI5

Lần đầu tham gia vào series Mission Impossible, nhưng đạo diễn Christopher McQuarrie không xa lạ gì với Tom Cruise khi chính ông đã cùng làm việc với Tom qua hai bộ phim Jack Reacher (2012) và Edge of Tomorrow (2014, có tựa Việt là Cuộc chiến luân hồi). Do vậy, chúng ta có quyền hy vọng vào thành công của ekip này.

Đặc biệt, nếu bạn đã từng dõi theo 4 phần trước đó của Mission: Impossible (MI) ắt hẳn đều đã quen thuộc với gương mặt của Tom Cruise, cũng chính series phim này đã góp phần làn nên tên tuổi của Tom. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng kể từ khi ra phần đầu tiên đến nay đã gần 20 năm, Tom giờ đây đã không còn trẻ trung để tung hoành trên màn ảnh như trước, do vậy việc anh tiếp tục có mặt trong phần 5 của MI vừa khiến khán giả vui mừng vì có sự liền mạch nhưng cũng vừa hoài nghi vào khả năng của anh trong các pha hành động trong phim vốn đòi hỏi nhanh nhẹn và mạnh mẽ.

Tom tiếp tục tự mình thực hiện các cảnh hành động trong phim mà không cần người đóng thế

Rất may, như thường lệ, Tom đã hoàn thành khá xuất sắc vai diễn của mình trong các cảnh hành động. Còn Christopher có lẽ cũng đã khá tròn vai khi ông tham gia đạo diễn và biên kịp một phim hành động tầm cỡ như MI5 dù chưa thực sự xuất sắc như những phần trước.

MI không phải là loại phim thiên về diễn xuất nội tâm, thay vào đó phim đơn thuần hành động với những màn rượt đuổi và hành động mang tính thách thức giới hạn và bất khả thi như cái tên của nó. Tương tự những phần trước đó, điểm nhấn của phần 5 vẫn là những cảnh hành động "bất khả thi" mà điệp viên Ethan Hant phải đối mặt, từ pha bám đuổi máy bay ở đầu phim cho tới màn rượt đuổi motor kinh điển và cảnh lặn sâu dưới khu vực chứa đồ bí mật với áp lực nước siêu lớn sau đó… Tất cả đều được tài tử Tom Cruise thực hiện khá trơn tru, khuôn mặt anh có già đi một chút nhưng diễn xuất vẫn đủ thuyết phục người xem. Đáng nể phục hơn khi ta biết rằng, trong thực tế thì hầu hết các cảnh trong phim Tom đều trực tiếp diễn xuất mà không cần diễn viên đóng thế, nhất là cảnh "bám càng" máy bay khi đang cất cánh ở đầu phim.

Nữ minh tinh Rebecca Ferguson với vai diễn Ilsa bí ẩn và gợi cảm

Trong khi đó, vai nữ chính do bông hồng Rebecca Ferguson đảm nhận với vai diễn nhân vật Ilsa bí ẩn nhưng quyến rũ và đôi khi khó nắm bắt với cả người xem lẫn với Ethan Hunt trong phim. Rebecca không chỉ có sắc đẹp mặn mà, cô cũng đã hoàn thành tốt các pha hành động gãy gọn và thuyết phục trong phim.

Tài tử điển trai Jeremy Renner tiếp tục sánh vai cùng Tom sau khi từng góp mặt ở phần 4 của phim, đương nhiên khi Tom đảm nhận vai chính thì Jeremy phải lùi về hậu trường và nhường các cảnh hành động lại cho anh trong vai sếp trực tiếp của Ethan. Đất diễn cho Jeremy trong phim chủ yếu là công tác hậu cần và nắm bắt tình huống, nhìn chung các diễn viên trong phim đều đảm nhận tròn vai và không có gì đáng chê trách. 

Có thể nói, phần 5 của phim vẫn tiếp tục là sân diễn của tài tử Tom Cruise và người xem có lẽ sẽ phải tự hỏi liệu sau phần này sẽ có ai đủ sức thay thế anh trong những màn hành động nghẹt thở tiếp theo, khi mà Tom đã để lại dấu ấn quá lớn ở cả 5 phần vừa qua?

Có nên ra rạp

Nếu biết bỏ qua những điểm bất hợp lý cố hữu của những phim hành động kiểu này, có lẽ Mission Impossible 5 là một bộ phim mà fan hành động và fan của Tom Cruise nên tới rạp để thưởng thức trọn vẹn. Chưa kể phim còn có một vài tình huống hài hước mà chắc là các nhà làm phim cố gắng chèn vào nhằm giảm bớt sự căng thẳng khi xem những phim hành động ly kỳ như Mission:Impossible.

Phim không chứa các cảnh nóng bỏng gần mức 18+ như series Jame Bond 007 hay máu me như nhiều phim hành động khác, nên bạn có thể thoải mái mang trẻ nhỏ đi cùng. Còn 3D là một tùy chọn không quá cần thiết, trừ phi bạn muốn thưởng thức trọn vẹn những màn rượt đuổi ngoạn mục trong phim.

Dân công nghệ sẽ ít nhiều thích thú với một vài concept công nghệ tương lai trong phim, dù ở mức khiêm tốn nhưng khá thú vị. Còn nếu bạn là một fan của motor phân khối lớn hay đơn giản là một game thủ mê trò chơi đua xe, có lẽ những màn lượn lách motor phân khối lớn trong phim đủ để bạn phấn khích nhấn ga một chút khi đi xem phim về, tuy nhiên vui lòng giữ tốc độ ở mức vừa phải vì nên nhớ những cảnh hành động đó chỉ có trong… Mission: Impossible!

Trailer phim Mission: Impossible – Rogue Nation

Mission: Impossible – Rogue Nation có tựa việt là "Nhiệm vụ Bất khả thi: Quốc gia bí ẩn"chính thức được khởi chiếu tại Việt Nam kể từ ngày 31/07/2015 trên các hệ thống rạp trong toàn quốc với định dạng 2D và 3D.  

VnReview đánh giá: 6.5/10

Hữu Thắng

Chủ đề khác