VnReview
Hà Nội

Các website giải trí ở Việt Nam và câu chuyện "bản quyền" nửa vời

Sau khi việc HayHayTV bị đoàn thanh tra liên ngành giữa Bộ TT&TT và Bộ công an đề nghị tạm dừng hoạt động cung cấp phim lậu để chờ xử lý. Đã có nhiều ý kiến cho rằng hiện có nhiều website phim lậu tương tự như HayHayTV mà chưa bị "sờ gáy".

Các website giải trí ở Việt Nam và câu chuyện "bản quyền" nửa vời

Giao diện Zing TV, hiện trang này đã gỡ bỏ hầu hết các nội dung giải trí Âu - Mỹ

Cụ thể, nhiều độc giả phản ánh hiện các website như HDViet, Zing TV, FPTPlay… vẫn tiếp tục duy trì phát sóng các chương trình giải trí và nguồn phim không rõ bản quyền. Đặc biệt trong đó rõ nhất là trường hợp FPT Play, một kênh trực thuộc Tập đoàn FPT hiện đang hoạt động nhộn nhịp.

Khi "hàng lậu" mặc nhiên được kinh doanh công khai

Hiện nhiều trang phim lậu như HayHayTV, HD Viet hay PubTV công khai thu phí người xem dưới danh nghĩa "Thành viên VIP", qua đó người xem phải nạp tiền thông qua thẻ cào điện thoại hoặc tiền ảo để mua gói dịch vụ ở dạng tốt nhất (độ phân giải cao, không có quảng cáo, chất lượng đường truyền tốt hơn,…), trong số đó đáng ngạc nhiên là có cả những tên tuổi "lớn" của ngành thương mại điện tử như Zing TV và FPTPlay.

Ngoài gói "Thành viên VIP" tính phí, các website giải trí này còn tiếp phát nhiều kênh "miễn phí" và; thu phí một số dịch vụ, theo đó người dùng có thể thoải mái xem các bộ phim chiếu rạp, các chương trình truyền hình trực tiếp (bóng đá, show truyền hình...) thông qua ứng dụng di động hoặc website máy tính.

Từ trước tới nay, việc cung cấp nội dung số giải trí mặc nhiên được các nhà cung cấp như Nhaccuatui, FPTPlay, Zing TV, PubVN, HayHayTV, Zing MP3... "hợp pháp hóa" theo kiểu "phục vụ miễn phí" người dùng, mặc cho phần lớn nội dung mà họ sử dụng để thu lợi từ quảng cáo, lượng truy cập hay thành viên VIP là... hàng lậu.

Trang chủ HayHayTV tạm thời đóng cửa sau khi bị thanh tra xử lý

Tuy biết rõ là lậu, nhưng hầu hết các doanh nghiệp và người dùng Việt Nam vẫn giữ tư duy rằng do "điều kiện địa lý và tiền bạc" chưa cho phép nên "dùng tạm", nhưng từ "dùng tạm" đó đã chuyển sang sắc thái "lợi dụng" khi đem những nội dung số đó ra kinh doanh kiếm lời, bất chấp công sức của những nhà sáng tạo và cả tính pháp lý trong kinh doanh.

Đã có thời, Zing MP3 bị các doanh nghiệp phương Tây ngừng hợp tác và quay sang kiện vì phát hiện nhiều vi phạm bản quyền nghiêm trọng khiến tổn hại hình ảnh doanh nghiệp này không ít, tuy nhiên việc thực thi sau đó chỉ mang tính hình thức, người ta vẫn thấy nơi đây cung cấp hàng tá bản nhạc mà khi hỏi về bản quyền thì... "có trời mới biết". Ngay cả sau khi HayHayTV bị "xem xét", nhiều website đã có động thái "ẩn mình chờ thời" bằng cách tạm ẩn/gỡ bỏ những nội dung số liên quan tới Âu - Mỹ (vốn khắt khe về tác quyền), nhưng vẫn đầy rẫy những nội dung số của châu Á và những nơi mà họ suy đoán là ít quan tâm tới bản quyền.

Khi VnReview liên hệ với FPT Play để hỏi về vấn đề bản quyền thì được trả lời rằng, FPT Play đã và đang nỗ lực đàm phán để hoàn tất bản quyền cho tất cả các hạng mục hiện có, tuy nhiên việc đàm phán đòi hỏi thời gian và nhiều vấn đề khác nên hiện mới chỉ bản quyền hóa được một số hạng mục. Ví dụ như đơn vị này đã hợp tác với K+ và một số bên liên quan để tiếp phát giải ngoại hạng Anh, hợp tác với hãng phim Phước Sang để phục vụ người xem online với giá chỉ 10.000 đồng/phim, bên cạnh đó còn hợp tác với một số hãng phim / nhà phát hành của Đức trong lĩnh vực điện ảnh.

Các website giải trí ở Việt Nam và câu chuyện "bản quyền" nửa vời

Tương tự Zing TV, FPTPlay cũng đã gỡ bỏ các chương trình truyền hình giải trí (game show) của Âu - Mỹ trên ứng dụng/website của họ.

Phía FPT cũng cho biết, hiện ứng dụng di động FPTPlay của họ đã gỡ bỏ nhiều chuyên mục liên quan tới các show truyền hình của Mỹ hay các phim lẻ của Mỹ/Âu do chưa đàm phán được bản quyền. Qua đây có thể thấy có lẽ phía FPT hay Zing đã ít nhiều ý thức được vấn đề bản quyền sau sự kiện HayHayTV bị "sờ gáy". Trong khi đó, nhiều website khác vẫn phớt lờ cảnh báo này và tiếp tục thu phí, kinh doanh công khai.

Hệ lụy nhãn tiền đòi hỏi sự đồng lòng từ nhiều phía

Đến đây chúng ta có thể thấy việc thực thi bản quyền ở Việt Nam như "bắt cóc bỏ đĩa", mới chỉ dựa vào ý thức của các doanh nghiệp và người dùng, trong khi các hành lang pháp lý còn quá yếu ớt và quan liêu.

Thực trạng công khai vi phạm bản quyền này rồi đây sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là khi mới đây Việt Nam đã đàm phán thành công hiệp định tự do hóa thương mại song phương (TPP), đòi hỏi khung pháp lý và việc thực thi chặt chẽ hơn. Các doanh nghiệp khai thác/cung cấp nội dung giải trí nước ngoài giờ đây hoàn toàn có cơ sở để đưa các doanh nghiệp Việt Nam ra tòa với những gì mà các doanh nghiệp này đang "kinh doanh", qua đó hình ảnh Việt Nam sẽ ngày càng trở nên xấu xí trong con mắt bạn bè quốc tế cũng như các nhà đầu tư.

Đánh giá phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" - Tìm lại tuổi thơ đã qua...

Chỉ có thực thi bản quyền nghiêm túc thì các nhà sáng tạo nội dung số mới có cơ hội tái đầu tư vào các tác phẩm mới của họ.

Đó là về mặt pháp lý, còn về mặt quản lý và đạo đức kinh doanh thì vấn đề này còn gây ra những tổn thất dài hạn, đó là nhận thức sai lệch của cả người kinh doanh lẫn người dùng về bản quyền nội dung số, cùng với đó là thui chột khả năng sáng tạo (do ăn cắp sản phẩm của người khác đã trở thành thói quen) và suy yếu khả năng tự xây dựng nội dung số.

Hy vọng trong tương lai, với nhận thức sâu sắc về pháp lý và lợi ích lâu dài, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số sẽ tiếp tục hoàn thiện việc đàm phán về bản quyền cũng như tăng cường khả năng sản xuất nội dung để tạo thêm giá trị cho chính mình. Trong khi bản thân người dùng cũng nâng cao nhận thức để "chịu chi" cho các khoản phí tương xứng với những nội dung số mà họ muốn sở hữu/thưởng thức, chỉ khi có sự "đồng lòng" từ hai phía thì mới mong câu chuyện bản quyền ở Việt Nam sáng sủa hơn.

H.T

Chủ đề khác