VnReview
Hà Nội

Dự thảo Luật báo chí sửa đổi: Bức xúc với "giật tít câu view"

Trong thời gian qua, tình trạng báo chí chạy theo tin giật gân câu khách, đưa tin một chiều theo hướng tiêu cực hoá đã làm lu mờ những thông tin tích cực, gây tâm lý không tốt cho người dân. Nhiều trang tin cóp nhặt thông tin lẫn nhau và đưa dẫn nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, tạo nên tình trạng lộn xộn, bát nháo trên môi trường mạng, trong đó có sự góp phần không khỏ của các mạng xã hội.

Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII về dự án Luật báo chí (sửa đổi) diễn ra hôm 26/11, bà Tòng Thị Phóng - Phó chủ tịch Quốc hội nhận định, để tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của báo chí, đảm bảo vai trò định hướng, nhận thức xã hội, đặc biệt là nhận thức của giới trẻ, việc nâng cao công tác quản lý nhà nước về báo chí là hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh phát triển chóng mặt của các trang tin điện tử, Internet và mạng xã hội. Nhiều vấn đề "nóng" đã;được các đại biểu Quốc hội đề cập và phản ánh trong phiên thảo luận này, VnReview xin trích dẫn một số nội dung đáng chú ý.

Dự thảo Luật báo chí sửa đổi: Hoàn thiện tự do báo chí

Các đại biểu quốc hội tại phiên họp khóa 10 (Ảnh: báo Thanh niên)

Cần có chế tài để kiểm soát nạn "giật tít câu view"

Mặc dù tình trạng "giật tít câu view" hiện nay trở nên phổ biến và tràn lan trên mạng internet có sự góp phần của không ít báo điện tử chính thống, song nguyên nhân chính là do sự xuất hiện của quá nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp. Tuy nhiên, theo phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật báo chí thì trang thông tin điện tử tổng hợp không phải là thể loại báo chí mà chỉ là trang cung cấp thông tin có tính chất báo chí trên môi trường internet và do đó nó thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 72 (Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng).

Điều này khiến đại biểu Nguyễn Thanh Hải – tỉnh Hoà Bình băn khoăn. Ông chỉ ra thực tế: "Do thủ tục đăng ký hoạt động đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp tương đối đơn giản và hình thức trang thông tin điện tử tổng hợp không khác gì so với báo điện tử, dưới góc độ của người đọc. Nên trong thời gian qua, số lượng các trang thông tin điện tử tổng hợp tăng lên rất nhanh, gây quá tải cho công tác quản lý nhà nước về vấn đề này. Có rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động sai chức năng, nhiệm vụ, vi phạm bản quyền tác giả, Luật sở hữu trí tuệ, gây bức xúc rất nhiều đối với các nhà báo, tờ báo chân chính. Các trang thông tin điện tử tổng hợp không được coi là báo chí nên không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật báo chí. Chính vì vậy, hoạt động cụ thể là việc tổng hợp tin tức từ báo khác là hoàn toàn không có tôn chỉ, mục đích. Việc tổng hợp tin tức thường theo hướng giật gân, câu khách thiên về việc tuyên truyền mặt trái, mặt tiêu cực trong xã hội hướng thanh niên đến một lối sống lười lao động, thích hưởng thụ, tôn sùng vật chất. Các tin chính thống, tin chính trị xã hội tích cực khác thường ít được tổng hợp, nếu có thì rất mờ nhạt và tỷ lệ rất nhỏ".

Ông Hải cũng đưa thông tin mà ông tìm hiểu: "Các học sinh đang độ tuổi trung học phổ thông, trung học cơ sở khi lên mạng, trang thông tin điện tử, báo điện tử mà các em hay đọc không phải là báo Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ online mà lại là trang Kênh14.vn, trang Zing.vn, các trang này đều là trang điện tử tổng hợp không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật báo chí".

Theo quy định, trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan tổ chức doanh nghiệp cung cấp thông tin trên cơ sở tổng hợp và trích dẫn nguyên văn chính xác nguồn tin tức, phải ghi rõ tên tác giả cũng như nguồn trích dẫn. Nhưng trên thực tế, rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp tin không trích dẫn hoặc trích dẫn không đầy đủ, dẫn tới nhiều trang đã bị phạt trong thời gian qua. Ông Hải đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một số quy định, chế tài cụ thể đủ mạnh vào Luật báo chí (sửa đổi) để đảm bảo quản lý có hiệu quả đối với những trang thông tin điện tử tổng hợp này, trong khi chờ việc nâng Nghị định 72 về quản lý thông tin trên mạng lên thành Luật.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – tỉnh Lạng Sơn cũng đưa ra nhận định tương tự: "Hiện nay điểm qua báo chí trên mạng và một số báo in, các nội dung chính luận chưa phong phú, nhiều bài viết đi sâu vào khai thác các mặt trái của xã hội, đời tư quá mức". Ông Thành kiến nghị: "Cần phải có các quy định bổ sung như: Cấm lạm dụng thông tin báo chí khai thác các nội dung tệ nạn xã hội, đời tư quá mức để câu khách; cấm lạm dụng quyền tự do báo chí để trục lợi. Một số hình thức hạn chế tự do ngôn luận cũng cần được quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân, như thông tin cá nhân có tính riêng tư cao, thông tin kinh doanh hệ trọng, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, thông tin không chính xác làm ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất và đời sống của người dân".

giật tít câu view

Nguồn ảnh minh hoá: báo Tuổi trẻ

Vấn đề quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí

Quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại phiên thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng, chính việc buông lỏng quản lý quyền tác giả báo chí đã dẫn tới tình trạng bát nháo, thông tin được cóp nhặt thiếu kiểm soát, kiểm chứng. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – tỉnh Lạng Sơn cũng khẳng định: Thực tế hiện nay, quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí bị vi phạm nhiều, khó kiểm soát, tình trạng sao chép bài, tin, ảnh không xin phép, không trả thù lao, trích dẫn nguồn chưa đúng quy định diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc cho tác giả và phản cảm cho người đọc. Theo ông Thành, Luật sở hữu trí tuệ 2005 chưa có quy định cụ thể về vi phạm bản quyền tác giả đối với sản phẩm báo chí. Do vậy, cần có những quy định cụ thể, chi tiết về nội dung này, nhằm tạo cơ sở pháp lý một cách đầy đủ cho việc bảo vệ quyền tác giả.

Theo Đại biểu Trần Ngọc Vinh – TP Hải Phòng, vấn đề quyền tác giả trong báo chí là vấn đề rất quan trọng, có tác dụng đánh giá, động viên, khuyến khích những người làm báo, từ đó phát huy được tài năng và sự cống hiến của các nhà báo. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay cho thấy việc thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả còn chưa nghiêm, chưa triệt để, mất quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, báo chí mất người đọc, mất luôn cả khả năng tăng doanh thu quảng cáo và các cơ hội kinh doanh khác. Ông Vinh cho rằng, toàn bộ dự thảo báo chí chỉ có Điểm h, Khoản 2, Điều 10 quy định: Hành vi bị cấm. Điều 43 quy định về quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí và Khoản 5, Điều 57 quy định xử lý vi phạm lĩnh vực báo chí là chưa đầy đủ, thiếu tính cụ thể, nếu không muốn nói là còn hời hợt, thiếu tác dụng thực tế. Ông Vinh đề nghị bổ sung các quy định chi tiết và chặt chẽ về báo điện tử, về bảo vệ quyền tác giả, trong đó bổ sung vấn đề này vào Điều 7, nội dung quản lý nhà nước về báo chí cho chặt chẽ.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Phi Thường – TP Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật báo chí đề cập quá mờ nhạt về vấn đề quyền tác giả. Thực tế, mặc dù có hệ thống pháp lý và sở hữu trí tuệ bản quyền tác giả nhưng khả năng thực thi, bảo hộ bản quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí hầu như không thể. "Luật sở hữu trí tuệ là quá rộng và các cơ quan báo chí hiện tại chỉ có thể dựa vào ý thức tự giác là chính", ông Thường nói.

Mặt khác, với một tờ báo điện tử cỡ trung bình thì 1 ngày xuất bản khoảng 300 tin, bài, vậy quỹ thời gian để tiền kiểm, hậu kiểm và xử lý khiếu nại là vô cùng khó khăn. Đó là lý do vì sao tình trạng đạo tặc tác phẩm báo chí, vi phạm bản quyền diễn ra thường xuyên, liên tục và không có hướng giải quyết. Các trang tin điện tử tổng hợp là các đơn vị xâm phạm bản quyền nhiều nhất, nhưng một số cơ quan báo chí cũng chạy theo trào lưu này, làm hiện tượng lại trở thành phổ biến.

Không chỉ gây bức xúc vì "giật tít câu view", các trang tin điện tử tổng hợp cũng bị chỉ trích vì xâm phạm bản quyền tác giả một cách trầm trọng. Đại biểu Nguyễn Phi Thường - TP Hà Nội cũng lên tiếng mạnh mẽ về nạn vi phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí và cho rằng các trang tin điện tử tổng hợp là một nguyên nhân. Ông cho biết: "Điều kiện để cấp phép là được phép sao chép lại ít nhất 5 cơ quan báo chí, do luật không cho phép làm nội dung nên họ nghiễm nhiên xào lại, cóp nhặt bài vở các trang báo chí khác, họ không thể tồn tại với nội dung từ 5 tờ báo. Với số lượng website quá nhiều nên khả năng ngăn chặn rất khó. Thực tế, loại trang tin này đã ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngọt, ngon nhất cho mình, trong khi họ không phải mất chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào. Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 1.600 trang tin điện tử tổng hợp, gấp hàng chục lần số cơ quan báo chí điện tử, gấp đôi số cơ quan báo chí nói chung. Vậy là có tình trạng người làm thật thì ăn giả, kẻ làm giả thì ăn thật. Trên thực tế, với tốc độ cóp nhặt siêu tốc, việc kiểm soát nội dung trên các trang tin này hết sức khó khăn, như vậy mới có chuyện sáng đưa trưa rút".

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị: "Dự thảo luật cần tính đến việc xóa bỏ khái niệm trang tin điện tử tổng hợp và nhóm chúng về loại hình website đơn thuần, chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí. Chỉ làm như vậy chúng ta mới tạo ra môi trường lành mạnh để báo chí phát triển bình đẳng, để những cơ quan báo chí chân chính yên tâm đầu tư phát triển".

Xem xét điều chỉnh truyền thông xã hội bằng Luật

Đại biểu Nguyễn Phi Thường - TP Hà Nội đặt vấn đề: "Truyền thông xã hội có là đối tượng để luật điều chỉnh hay không?". Ông chỉ ra những thực tế cho đề xuất của mình: Sự bùng nổ của Internet với mức độ bành trướng của truyền thông xã hội đã làm thay đổi địa vị báo chí chính thống. Năm 2013, cả thế giới có 22,8 tỷ người sử dụng Internet chiếm 39%, ở Việt Nam là 31%, trong đó số người sử dụng truyền thông xã hội thông qua điện thoại di động chiếm khoảng 26% dân số. Bên cạnh một số lợi ích đem lại thì truyền thông xã hội đang hàng ngày gây nên nhiều tác động đến xã hội, đặc biệt là hệ thống báo chí, các chuyên gia truyền thông cho rằng hiện nay truyền thông xã hội mới thực sự là xu thế báo chí trong tương lai. Chỉ với một chiếc điện thoại, người sử dụng biến chúng thành một tòa soạn, thành một tờ báo, thành một trường quay, xưởng in, thậm chí là một sạp báo. Một công dân có sự hỗ trợ của công nghệ có thể trở thành một phóng viên, một biên tập viên, thậm chí là một tổng biên tập.

Có thể quan sát thấy một số tác động cụ thể của truyền thông xã hội, như thói quen tiếp nhận thông tin thay đổi từ việc tìm tin, chọn tin, xem tin, mua tin thay đổi cho đến trao đổi thông tin, phản hồi thông tin cũng khác. Sự bùng nổ thông tin trên Internet với tốc độ nhanh nhưng trong đó có rất nhiều thông tin không được kiểm chứng, tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến địa vị của báo chí chính thống. Dường như, làn ranh giới giữa truyền thông xã hội, báo chí truyền thông không còn, dẫn đến một bộ phận bạn đọc thiếu niềm tin vào báo chí chính thống và ngả sang dùng thông tin trên mạng. Việc tham gia không giới hạn các loại hình truyền thông xã hội đã dát mỏng miếng bánh kinh tế báo chí, đẩy các tờ báo truyền thống thêm khó khăn. Một thống kê đáng suy ngẫm là trong hơn 1 năm qua con số các sạp báo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều giảm hơn 1 nửa và xu hướng này đang tiếp diễn.

Mặc dù vậy, theo đại biểu Thường, dự thảo Luật báo chí gần như tránh đề cập đến hoạt động của truyền thông xã hội. "Có ý kiến cho rằng chúng ta mới tập trung túm ông có tóc, còn ông trọc đâu thì chưa. Trong khi ông có tóc thì túm đơn giản, điều xã hội quan tâm nhất là phần quản ông trọc đầu, phần bức bối mà xã hội hiện nay rất quan tâm là Luật báo chí hiện hành và Nghị định 72 hiện chưa chế định và kiểm soát được", đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết. 

Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) hiện vẫn tiếp tục được bàn bạc để thống nhất trước khi trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.

H.T

Chủ đề khác