VnReview
Hà Nội

2016 sẽ đón những làn sóng mới Internet of Things?

Tại buổi Toạ đàm về xu hướng ICT 2016 do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức ngày 28/12, Internet of Things – Internet của Vạn vật được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-VT đề cập tới như là một xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ và năm 2016 sẽ đón nhận những làn sóng mới của xu hướng đó ngay tại Việt Nam.

xu hướng ICT 2016

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực CNTT-VT đã tham dự buổi toạ đàm do CLB Nhà báo CNTT tổ chức

Internet of Things đang phát triển rất nhanh

Internet of Things (IoT) đã không còn là khái niệm xa lạ mà đang ngày càng đi vào cuộc sống. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT VINASA cho rằng, "Internet of Things đã vào Việt Nam rồi, nhưng vào ở quy mô khác". Ông Bình kể rằng hiện đang có nhiều nhóm nhỏ thực hiện những dự án IoT quy mô nhỏ, chẳng hạn như dùng Internet và ứng dụng di động để kiểm soát lượng oxy, lượng thức ăn phù hợp cho đầm nuôi tôm của nhiều hộ nuôi tôm ở nông thôn. "Internet of things thì từng gia đình sẽ là người tiêu thụ, làm sao cho tiết kiệm nhất trong một gia đình, làm sao xem cái gì tiết kiệm nhất ở trong nhà, bảo vệ an ninh gia đình mình…", ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết, IoT có thể là một app nhỏ nhưng không phức tạp, nhưng ảnh hưởng của nó cực kì lớn. Như FPT sắp làm demo cho bệnh viện ở Singapore, bệnh nhân được đeo vòng để được theo dõi giám sát ngày đêm, thuận tiện cho việc chăm sóc sức khoẻ. Những ứng dụng như vậy sẽ ngày càng nhiều và đi vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Trương Gia Bình

Ông Trương Gia Bình

Có cùng nhận định với ông Bình, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn CMC cũng cho rằng, Internet of Things không phải là xu thế nữa, nó đang xảy ra và phát triển mạnh mẽ, có thể nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi, nó đã đi rất sâu vào đời sống xã hội. Ông Chính nêu ví dụ về một người bạn nuôi cá Koi đã cho cá ăn nhờ Internet, các gia đình có con đi học xa chủ động giao tiếp với nhà trường qua Internet, hoặc như các ngân hàng hiện nay bắt buộc phải cạnh tranh bằng các dịch vụ, tiện ích qua Internet nếu không muốn thất bại.

Đại điện Tập đoàn công nghệ Bkav, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Phần cứng và SmartHome cũng cho rằng IoT là tất yếu. Ông Thắng dẫn số liệu của hãng nghiên cứu Gartner dự báo năm 2016 có cỡ khoảng 6,4 tỷ thiết bị kết nối Internet tham gia vào Internet of things; Mỗi ngày, có 5,5 triệu thiết bị kết nối vào Internet; Đến năm 2020, số lượng thiết bị kết nối Internet có thể lên đến 20 – 21 tỷ, thị trường đạt hơn 3000 tỷ USD. "Nó không là xu hướng nữa, nó là làn sóng", ông Thắng nhận định.

Vũ Thanh Thắng

Ông Thắng cũng cho biết, Bkav đã tham gia vào việc phát triển các thiết bị và phần mềm về SmartHome từ năm 2004, đã nhận ra và dự đoán xu hướng IoT từ hơn 10 năm trước và giải pháp của Bkav đến nay đã hoàn chỉnh, sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu của người dân đối với một ngôi nhà thông minh: điều hoà, đèn mành, an ninh, giải trí, trí tuệ nhân tạo… Với nhu cầu ngày càng cao, ông Thắng cho rằng IoT sẽ sớm bùng nổ trong tương lai gần.

Những rào cản

Mặc dù IoT là một xu hướng tất yếu và không thể cưỡng lại, nhưng để IoT bùng nổ mạnh mẽ sớm và mạnh mẽ ở Việt Nam thì vẫn còn cần một số yếu tố. Nhân lực CNTT là bài toán đầu tiên cần đặt ra, bởi thị trường Internet of Things đang cần một số lượng lớn nhân lực để triển khai.

Ông Trương Gia Bình chia sẻ về mạng học trực tuyến MOOC cho phép người học có thể đăng ký các khoá học từ khắp nơi. Những mạng học trực tuyến như vậy đang mở ra rất nhiều. Hoặc như Đại học trực tuyến FUNiX thuộc hệ thống đại học FPT do Nguyên TGĐ FPT Nguyễn Thành Nam sáng lập, cho phép học sinh từ cấp 3 đã có thể tham gia học lập trình qua mạng, học trong 3 năm là có trình độ tương đương với sinh viên kĩ thuật CNTT, bất kỳ ai cũng có thể tham gia học không cần qua các khâu tuyển sinh. Với mạng học trực tuyến này, mỗi năm có thể bổ sung vào nguồn nhân lực CNTT khoảng 40.000 người.

Ông Bình cũng nêu một khó khăn khác, vốn là khó khăn chung của các doanh nghiệp Việt Nam, đó là thủ tục hành chính của Việt Nam quá chậm. Ở nước ngoài, chỉ cần 1 USD cũng thành lập được công ty, và thủ tục thành lập công ty có thể hoàn thành trong ngày. FPT cũng đang tạo một giải pháp gọi là Lò gia tốc Accelerator, cho phép các bạn trẻ có ý tưởng hay có thể nhanh chóng sáng tạo với tinh thần khởi nghiệp, sớm đưa các ý tưởng IoT vào cuộc sống.

"Internet of Things là lĩnh vực mà xu hướng công nghệ luôn đi trước nhu cầu của người sử dụng", ông Vũ Thanh Thắng nói và cho rằng nhu cầu của người sử dụng còn hạn chế chính là một rào cản đối với sự phát triển của IoT. Thị trường IoT sẽ tăng lên khi nhu cầu của người dùng gia tăng.

Thiếu khả năng sáng tạo là điều mà ông Nguyễn Trung Chính lo ngại. Theo ông Chính, các cá nhân, các nhóm nhỏ thường dễ sáng tạo và vận động hơn các tập đoàn, công ty lớn và nếu không cẩn thận, chính Internet of Things sẽ giúp các nhóm nhỏ vượt qua, thậm chí "tiêu diệt" các ông lớn.

Nguyễn Trung Chính

Ông Nguyễn Trung Chính

Các chuyên gia cũng nhiều lần đề cập đến việc Việt Nam không sẵn sàng để đón nhận các cơ hội và do đó đã để mất nhiều cơ hội phát triển. Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT cho rằng, người Việt Nam có số giờ truy cập Internet trung bình mỗi ngày lên đến 5,5 giờ nhưng lại không tận dụng được sức mạnh công nghệ, trong đó có IoT. "Để có khả năng sáng tạo thì phải tạo môi trường và tôn trọng tự do độc lập của từng cá nhân", ông nói.

Thời cơ đã chín

Những làn sóng IoT đã và đang diễn ra khắp nơi trên thế giới và Việt Nam cũng đang trong tiến trình đó, chỉ là chưa rõ ràng và đủ sâu rộng để mọi người có thể cảm nhận thấy. Trong 19 sự kiện ICT tiêu biểu được các nhà báo CNTT đề cử và bình chọn năm nay, có một số sự kiện cho thấy thời cơ của IoT tại Việt Nam đã chín muồi.

Ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36A/NQ-CP về xây dựng Chính phủ điện tử, đặt ra mục tiêu trong 3 năm 2015-2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đến hết 2016 các bộ, ngành trung ương có 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức cho phép người dùng điền và gửi trực tuyến các văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Đây sẽ là nền tảng thúc đẩy quá trình IoT ở Việt Nam.

Năm 2015, Viettel đã chính thức thử nghiệm mạng di động 4G LTE và chắc chắn các mạng còn lại cũng sẽ tiến hành thử nghiệm rộng rãi công nghệ mạng băng rộng mới này, tiến tới thương mại hoá 4G vào cuối 2016 hoặc đầu 2017. Cùng với tốc độ mạng được gia tăng đáng kể với công nghệ mạng mới, các dịch vụ và ứng dụng di động đa dạng sẽ được tung ra thị trường, hiện thực hoá những ý tưởng IoT mới mẻ và sáng tạo.

Các doanh nghiệp CNTT sẽ ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào các mặt của đời sống. FPT vừa cùng tập đoàn Fujitsu hoàn thành xây dựng Trung tâm hợp tác Nông nghiệp thông minh tại Hà Nội, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây vào ngành thực phẩm và nông nghiệp. Đây là dự án nằm trong Hệ thống giải pháp xã hội thông minh của Fujitsu. Viettel cũng đang triển khai những dự án về nông nghiệp, y tế, giao thông, ngân hàng, giáo dục… với lợi thế của một nhà cung cấp dịch vụ kết nối. Bkav đang tấn công mạnh vào lĩnh vực nhà thông minh, chính phủ điện tử, kê khai thuế qua mạng, chữ ký số…

Internet of Things không còn là chuyện "thế giới" nữa rồi.

Vân Anh

Chủ đề khác