VnReview
Hà Nội

Vì sao chưa thể thu phạt giao thông qua Bưu điện?

Thời gian qua, nhiều người dân đã đến các Bưu cục đề nghị được nộp phạt vi phạm giao thông và nhận giấy tờ bị tạm giữ qua Bưu điện. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn chính thức nên VietnamPost chưa thể triển khai được dịch vụ này.

Bộ TT&TT vừa có công văn gửi Bộ Công An về việc phối hợp hướng dẫn triển khai thu, nộp hộ tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm qua hệ thống Bưu điện (VietnamPost).

Trước đó, vào ngày 4/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10 thông báo kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016, trong đó có nội dung cho phép Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống Bưu điện.

Tới đây người dân sẽ có thể nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ qua hệ thống bưu điện

Thông tin này đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều người dân đã đến các Bưu cục đề nghị được nộp phạt và nhận giấy tờ tạm giữ qua Bưu điện. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn chính thức nên phía VietnamPost vẫn chưa thể triển khai cung cấp dịch vụ này trên hệ thống mạng lưới các bưu cục.

Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho VietnamPost có thể sớm thực hiện cung cấp dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm giao thông, Bộ TT&TT đã có công văn đề nghị Bộ Công an phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn một số nội dung chủ chốt.

Cụ thể, phía Bộ Công An sẽ phối hợp với Bộ TT&TT và các Bộ, ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn VietnamPost cách thức triển khai thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua hệ thống Bưu điện.

Bộ TT&TT cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông ký kết thỏa thuận hợp tác cùng VietnamPost (dự kiến ngay trong tháng 3 này) để nhân rộng triển khai trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, Cục Cảnh sát Giao thông và VietnamPost sẽ chỉ đạo Công an tỉnh/thành phố và các Bưu điện tỉnh/thành phố trên địa bàn phối hợp và tổ chức thực hiện.

Đồng thời, hai Bộ cũng sẽ phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến dịch vụ này để người dân hiểu biết và tự nguyện tham gia sử dụng dịch vụ.

Dân nhàn, giảm tiêu cực

Được biết hiện nay, việc thu tiền xử phạt vi phạm giao thông vẫn được giao cho Kho bạc, nhưng hệ thống Kho bạc chỉ có đến cấp huyện và chỉ làm việc trong giờ hành chính, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại, nộp phạt. Trong khi đó, số lượng người vi phạm và số tiền xử phạt từ vi phạm giao thông trên cả nước mỗi năm rất lớn.

Tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 1/2016 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lý giải quyết định của Chính phủ là dựa trên kiến nghị của các bộ Giao thông Vận tải, Công an và Tài chính.

Theo Bộ trưởng, quy trình xử phạt hiện tại có nhiều bất cập, không thuận tiện cho người dân. "Ví dụ, người ở Hà Nội vi phạm giao thông tại Bắc Giang hay Lạng Sơn vào ngày nghỉ sẽ phải quay về Hà Nội và vài ngày sau phải quay trở lại để nộp phạt, lấy giấy tờ. Như vậy, người dân phải đi lại nhiều lần, cả khi về lẫn khi quay lại nơi bị phạt đều không có giấy tờ phương tiện, tăng thêm áp lực giao thông trên đường".

Chính vì vậy, các Bộ và Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị giao cho VietnamPost tổ chức thu nộp phạt vi phạm giao thông và chuyển trả giấy tờ qua đường bưu điện tại mạng lưới bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã trên cả nước.

Việc lựa chọn VietnamPost cũng không phải là ngẫu nhiên. Với mạng lưới bưu cục phủ tới tận từng xã, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thời gian qua đã được đánh giá cao trong việc tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua mạng bưu chính; đồng thời thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ hành chính công như chuyển phát CMND, hộ chiếu. Các dịch vụ công triển khai qua mạng bưu chính đã góp phần tiết kiệm chi phí của người dân ở vùng sâu, vùng xa, giảm áp lực tiếp công dân của các cơ quan chính quyền cấp xã.

Bản thân phía Bưu điện cũng chủ động đề xuất được triển khai dịch vụ này. Tháng 7/2015, Bưu điện TP.HCM đã kiến nghị, mong được cung cấp dịch vụ thu hộ tiền phạt vi phạm giao thông cho những người dân có nhu cầu. Còn Bưu điện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký thỏa thuận với Công an tỉnh về việc thu nộp phạt hỗ lỗi vi phạm giao thông qua bưu điện từ đầu năm 2014. Kể từ khi triển khai dịch vụ đến nay, đã có hơn 1824 vụ việc được nộp phạt hộ kiểu này qua Bưu điện Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo phân tích của các chuyên gia, trước đây, nếu người vi phạm giao thông đến từ nơi khác thì việc tìm đường đến kho bạc gần nhất nộp tiền là rất khó. Việc phải chờ đợi lâu ở các điểm nộp tiền phạt cũng gây phiền hà. Nhiều người dân than thở phải chờ nguyên buổi sáng mới đóng được tiền, nhận giấy hẹn chiều quay lại lấy giấy tờ, lại chờ đợi tiếp một buổi chiều nên coi như hết nguyên một ngày làm việc. Nếu bưu điện thu hộ tiền phạt sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề này. Những dịch vụ như cò nộp phạt, hay tiêu cực cũng sẽ vì thế mà giảm bớt.

Thu phạt hộ qua ngân hàng cũng là một giải pháp tốt, nhưng với những người dân không có tài khoản thì thu tiền qua bưu điện vẫn là lựa chọn phù hợp hơn cả.

Trả lời Pháp luật TP.HCM mới đây, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cũng xác nhận, quá trình nộp phạt hiện nay phát sinh nhiều vấn đề gây phiền hà cho người dân. Nhiều trường hợp nộp phạt tại chỗ có thể gây hiểm nhầm là đưa tiền cho CSGT. Hơn nữa, hình thức nộp phạt hiện nay còn dễ tạo cơ hội cho người vi phạm và CSGT thỏa thuận với nhau. Khi đó, pháp luật vừa không được thực thi, tiền phạt lại thất thoát khỏi ngân sách.

Thiếu tướng Trần Thế Quân cũng khẳng định "Nếu đã có văn bản của Chính phủ thì phải dứt khoát thực hiện. Thời gian tới Bộ Công an sẽ đẩy mạnh nghiên cứu để xây dựng các quy định, hướng dẫn về vấn đề này".

Theo Vietnamnet

Chủ đề khác