VnReview
Hà Nội

Khoa học: Càng có quyền lực, con người càng dễ bị cám dỗ

Đây là kết luận được đưa ra sau khi các nghiên cứu tiến hành khảo sát 250 sinh viên thuộc ĐH Texas tại El Paso (Mỹ) về việc liệu một người có trở nên bất chấp mọi thứ để đạt được một phần thưởng ưu đãi hay không.

Theo tạp chí Harvard Bussiness Review (HBR), các phần thưởng hay ưu đãi thường là một cách để khuyến khích ai đó cố gắng hơn trong công việc, nhằm đạt được kết quả tốt hơn. Song không phải trong mọi tình huống cách làm này cũng tỏ ra đúng đắn về mặt đạo đức. Đặc biệt trong một số trường hợp, phần thưởng có thể là nguyên nhân khiến người ta bước vào "tà đạo".

Bản nghiên cứu được công bố trên ấn bản tạp chí Tâm lý Xã hội Cơ bản và Ứng dụng, xuất bản vào ngày 29/9 năm ngoái, do các nhà nghiên cứu Jessica Swanner tại ĐH Bang Iowa (Mỹ) và Denise Beike tại ĐH Arkansas (Mỹ), thực hiện nghiên cứu hành vi của 250 sinh viên chưa tốt nghiệp thuộc ĐH Texas. Các nhà nghiên cứu đã lập ra một tình huống trong đó các sinh viên được khảo sát sẽ có cơ hội thể hiện tính trung thực của mình khi đối mặt với "cám dỗ".

Cụ thể, các sinh viên này được yêu cầu đến lớp để tham gia một bài kiểm tra mà họ được cho biết sẽ cộng thêm điểm vào bài thi cuối kỳ. Lẽ tất nhiên, họ không hề được hay biết về bản nghiên cứu trên và mình là người "được chọn". Nhưng khi các sinh viên đến nơi, họ lại được thông báo rằng chiếc máy tính dùng để làm kiểm tra đã bị sinh viên tới trước làm hỏng. Do vậy bài kiểm tra bằng máy được thay thế bởi con người, các sinh viên "được chọn" này sẽ được ghép cặp với một sinh viên khác (những người hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu). Các cặp đôi mới này sẽ trao đổi và thảo luận một số vấn đề với nhau, trong đó gồm cả việc ai đã làm hư máy kiểm tra.

Tiếp sau, các nhà nghiên cứu bắt đầu phân chia ngẫu nhiên "quyền lực" cho từng sinh viên trong cặp (một người làm quản lý, một người làm nhân viên). Rồi họ tách các cặp ra và hỏi riêng từng người về việc liệu ai có thể là người đã làm hỏng máy tính. Các nhà nghiên cứu còn "khuyến khích" thêm các sinh viên được chọn cũng bằng lời hứa sẽ cộng thêm điểm vào bài thi cuối kỳ nếu họ chịu "hỗ trợ". Ban đầu họ hỏi các sinh viên liệu đối tác của họ (những sinh viên "được cài") có từng đề cập tới chuyện làm hư máy hay không. Và họ nhắc đi nhắc lại tới 8 lần để những người được hỏi có quyền thay đổi đáp án của mình.

Thống kê so sánh tỷ lệ "trở mặt" của những người tham gia nghiên cứu. Màu xanh là những người thừa nhận làm hư máy và xám là phủ nhận

Trong trường hợp sinh viên được chọn đáp CÓ - bất kể là người kia có nhận hay không - họ sẽ phải ký vào một bản ghi nhớ rằng đối tác của họ đã làm hỏng máy tính. Các nhà nghiên cứu cũng ghi dấu lại xem sau bao nhiêu lần "nhắc khéo" thì sinh viên được hỏi chịu ký giấy, cũng như là có yêu cầu thay đổi lại các từ ngữ trong bản ghi nhớ. Sau khi ký giấy, các sinh viên lại bị "ép cung" tiếp về việc chính xác các đối tác đã nói gì, các lợi ích mà họ được nhận và họ tự tin đến mức nào các chi tiết đã thừa nhận.

Sau khi tiến hành khảo sát và tổng hợp số liệu, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc cộng thêm điểm cho kỳ thi gần như không có tác động lên các sinh viên được chọn. Tất cả những người được khảo sát đều trả lời giống với những gì mà các đối tác của họ đã nói, bất kể là có điểm cộng hay không. Song ở trường hợp những sinh viên "có quyền lực", họ lại đưa ra câu trả lời khác với những gì mà đối tác từng nói. Tỷ lệ đáp án SAI ở những người này cao gấp 3 lần so với các nhóm khác, cho thấy lợi ích từ cộng điểm đã khiến họ "mờ mắt".

Ngoài ra, bản nghiên cứu này còn cho thấy một vấn đề khác - các sinh viên có quyền "phản bội đồng đội" nhiều hơn các nhóm khác. Mọi sinh viên có 8 lần cơ hội để "trở mặt" với đối tác (ví dụ, họ sẽ được hỏi: "Anh/chị có chắc họ không đề cập gì tới chuyện hư máy hay không?"). Nếu các đối tác thừa nhận có, chỉ trong 5 lần hỏi đầu tiên, mọi sinh viên đã trả lời giống với các đối tác. Nhưng nếu đối tác trả lời không, những sinh viên có quyền sẽ thường nói có tuỳ theo số lần họ được hỏi (càng hỏi nhiều thì càng đáp có).

Nghiên cứu này cho thấy, trong nhiều trường hợp, những người có quyền lực thường chú trọng nhiều tới lợi ích của bản thân hơn những người bình thường khác. Và tuy các phần thưởng hay lợi ích thường được đặt ra để khuyến khích người ta cố gắng hơn, thì ở một số tình huống, "kẻ mạnh" thường có xu thế giành lấy chúng cho riêng mình.

So sánh tỷ lệ "trở mặt" sau số lần được hỏi. Màu đen là những người có quyền và được lựa chọn thêm điểm cho bài thi

Và điều này xảy ra trong cả thực tế. Có 2 ví dụ điển hình nhất có thể kể đến. Trong tình huống thứ nhất, vào 1994, một người có tên Kenneth Wyniemko bị cáo buộc sai các bản án về xâm hại tình dục, đột nhập vào nhà và cướp có vũ trang. Anh bị tuyên 40 - 60 năm tù mặc dù nạn nhân thừa nhận cô ta không nhìn rõ kẻ gây án. Một trong các chứng cứ đã buộc Kenneth vào tù là lời khai của một tù nhân khác cùng buồng - hắn đã xác nhận như trên để nhằm tránh một bản án chung thân cho chính mình.

Trong tình huống thứ hai, vào 2014, thị trưởng của thành phố Edmundson, bang Missouri (Mỹ), đã nói với các cảnh sát địa phương rằng họ sẽ được thưởng thêm lương nếu số vé phạt lỗi giao thông của họ gia tăng. Kết cục là về sau, sở cảnh sát của bang đã nhận được rất nhiều lời cáo buộc bắt lỗi sai từ người dân, mà đặc biệt nhất là những người dân da đen của bang.

Những ví dụ trên cho thấy trong một số tình huống, các khoản thưởng hoặc lợi ích cộng thêm có thể khiến cho những con người có quyền lực lâm vào "tà đạo". Tuy vậy không có nghĩa chúng ta không nên có những khoản "khuyến khích" để động viên các nhân viên tích cực làm việc hơn. Vấn đề ở chỗ bản thân những nhà quản lý nên đưa ra các chính sách động viên như thế nào để người có quyền không lạm dụng được quyền của họ. Lấy ví dụ như các bản giám sát chéo kết quả làm việc của nhau từ các đơn vị khác nhau.

Huyền Thế

Chủ đề khác