VnReview
Hà Nội

Kỹ sư Apple thà nghỉ việc chứ không tiếp tay cho chính phủ

Các kỹ sư phát triển iOS tuyên bố họ sẽ sẵn sàng nghỉ việc nếu bị buộc phát triển một phiên bản hệ điều hành dành riêng cho chính phủ mang tên GovtOS.

Trang tin PhoneArena dẫn nguồn từ tờ New York Times cho biết nếu FBI thắng Apple trong phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào thứ 3 tuần sau và buộc Apple phải phát triển nên GovtOS, thì "chướng ngại vật" tiếp theo dành cho FBI lần này sẽ là: các nhân viên của Apple.

Nhóm kỹ sư của Táo khuyết đã bàn luận với nhau để đưa ra các phương án hành động nếu Apple bị xử thua trong phiên tòa sắp tới. Tại đây, các thẩm phán sẽ đưa ra lý do vì sao Apple cần tuân theo lệnh của Tòa án để mở khóa và lấy thông tin từ chiếc iPhone 5c của Syed Farook, tên khủng bố đã chết trong một vụ xả súng tại Mỹ cuối năm ngoái.

Còn phía Apple, hãng sẽ giải thích lý do vì sao họ không thể thực hiện yêu cầu của Chính phủ. Về mặt kỹ thuật, hãng "không thể mở khóa" một chiếc iPhone bị cài mật khẩu, trừ khi phát triển một phiên bản đặc biệt của iOS mang tên GovtOS với lớp bảo mật yếu kém để giải mã nó. Song yêu cầu trên của Chính phủ không được đồng ý bởi hãng lo ngại mã nguồn của GovtOS sẽ rơi vào tay kẻ xấu, từ đó không chỉ GovtOS mà các thiết bị iOS của hàng triệu người dùng trên thế giới cũng gặp nguy hiểm.

Trong trường hợp tòa án tiếp tục buộc Apple phát triển GovtOS, các kỹ sư phát triển mã nguồn cho iOS quyết định họ sẽ từ chối làm việc này, một số khác thà nghỉ việc chứ không thể làm suy yếu đi chính công sức mà mình đã gây dựng nên. Tháng trước, CEO Tim Cook đã gửi "tâm thư" cho các nhân viên của mình và nói rằng ông sẽ kiên quyết bảo vệ chiếc iPhone kia tới cùng. Nếu thẩm phán xử thua thì Apple vẫn có quyền kháng cáo lại tòa, nhưng thời gian xem xét đơn kháng cáo của Apple có thể mất đến vài tháng.

Cũng trong bức thư trên, Cook cho biết cần có một nhóm từ 6 đến 10 kỹ sư giỏi nhất cùng nhau làm việc để phát triển nên GovtOS trong thời gian 1 tháng vì hệ điều hành này rất phức tạp. Song, nếu họ thực sự không muốn làm thì thời gian hoàn thiện của GovtOS có thể lâu hơn, nhất là những người đã xây dựng nên lớp bảo mật vững chắc cho iOS trong 1 thập kỷ qua nay phải chính tay mình phá hủy nó.

Trong số những người này có 1 kỹ sư được miêu tả là "chuyên gia bắt lỗi" cho các sản phẩm Apple trước khi ra mắt, người tiếp theo là chuyên viên đã thiết kế nên hệ thống bảo mật cho iPhone, Mac và Apple TV trong suốt thời gian qua.

"Việc này làm ảnh hưởng đến những nguyên tắc cốt lõi của Apple, đó là sự chủ động của các nhân viên và của chính Apple", luật sư của Táo khuyết viết trong một bản đơn gửi lên Tòa án. Jean-Louis Gassée, nhà đầu tư mạo hiểm từng là giám đốc kỹ thuật của Apple cũng nói rằng: "Apple là một nền văn hóa độc lập và có phần "nổi loạn", vì vậy nếu chính phủ cố gắng ép buộc nhân viên của Apple làm một điều gì đó mà họ không thích, chúc họ (chính phủ) may mắn."

Một cựu công tố viên liên bang cho rằng nếu các nhân viên của Apple nghỉ việc, nhiều khả năng hãng sẽ không phải mở khóa chiếc iPhone đó nữa. Ngược lại, nếu họ vẫn làm việc nhưng không chịu phát triển GovtOS, hãng có thể bị phạt tiền mỗi ngày cho đến khi chịu nghe theo lời của Tòa án. Trước đây từng có một số công ty công nghệ phải chịu phạt tiền hằng ngày vì không cung cấp các thông tin bảo mật từ người dùng của mình cho Chính phủ theo yêu cầu.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác