VnReview
Hà Nội

Viettel kiến nghị cấp phép thiết bị kích sóng để tránh nhiễu cho mạng di động

Trước tình trạng số vụ can nhiễu mạng di động tăng lên đột biến lên đến 173 vụ trong năm 2015, Viettel mới đưa ra kiến nghị Bộ TT&TT cần bổ sung quy định cấp giấy phép cho các đơn vị, cá nhân dùng trạm lặp, để hạn chế tình trạng sử dụng trạm lặp tràn lan gây can nhiễu, thiệt hại cho các nhà mạng di động.

Theo thông tin từ Ủy ban Tần số vô tuyến điện quốc gia, trong năm 2015, Cục Tần số Vô tuyến điện đã tiếp nhận và xử lý kết thúc 260 vụ can nhiễu, tăng 105 vụ so với năm 2014, trong đó có tới 195 vụ can nhiễu thông tin di động, chiếm tới 75%.

Trong năm 2015, số lượng thiết bị trạm lặp gây can nhiễu cũng tăng lên đột biến, các cơ quan quản lý tần số đã phát hiện 173 thiết bị trạm lặp, trong khi số vụ bị phát hiện năm 2013 là 38 thiết bị, năm 2014 là 9 thiết bị. Các thiết bị trạm lặp di động gây nhiễu hầu hết là không có hợp chuẩn, hợp quy và không đảm bảo chất lượng phát xạ được các tổ chức, cá nhân tự ý mua về sử dụng để cải thiện vùng phủ sóng di động trong nhà, trụ sở công ty.

Bên cạnh đó, các thiết bị vô tuyến sử dụng tần số không đúng quy hoạch được nhập vào Việt Nam gây nhiễu cho các mạng thông tin di động.

Điện thoại không gây kéo dài không đạt chuẩn cũng là thủ phạm gây can nhiễu với số lượng khá lớn. Trong năm 2015, cơ quan quản lý tần số cũng xử lý 1.078 điện thoại không dây DECT 6.0 gây nhiễu cho mạng 3G, trong đó riêng khách sạn Sheraton ở TP.HCM đã bị phát hiện có tới 500 chiếc điện thoại DECT gây nhiễu.

Ngoài ra các thiết bị nhận dạng vô tuyến, camera không dây gây nhiễu cho mạng di động, thiết bị khác không đáp ứng chất lượng phát xạ, tương thích điện từ gây can nhiễu. Các thiết bị phát sóng phát thanh FM, truyền thanh không dây gây nhiễu tần số điều hành bay, thiết bị mạng nội bộ không dây cũng gây nhiễu cho mạng di động 3G.

Cá biệt còn có trường hợp thiết bị điện tử trong biển quảng cáo, trong dây chuyển sản xuất bóng đèn cũng gây nhiễu mạng di động.

Trong năm 2015, một số vụ can nhiễu cũng được xác định nguyên nhân là do sử dụng thiết bị bộ đàm, mạng dùng riêng hoạt động không có giấy phép, hoặc dùng sai quy định của giấy phép gây nhiễu cho các mạng dùng riêng khác. Can nhiễu do hiện tượng truyền dẫn sóng đối lưu. Can nhiễu giữa các đài vô tuyến điện mặt đất, can nhiễu giữa các mạng điều hành taxi, điều hành bay, điều hành mạng di động của Việt Nam với các nước khác.

Để ngăn ngừa việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng sai quy định về băng tần hoạc động, tiêu chuẩn chất lượng gây nhiễu có hại, tăng cường công tác phối hợp kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh, ông Khúc Đăng Tuấn, Trưởng Tiểu ban phối hợp xử lý can nhiễu của Ủy ban Tần số vô tuyến điện quốc gia kiến nghị, Bộ TT&TT cần phải tăng cường tổ chức tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng thiết bị vô tuyến trong quá trình sản xuất trong nước, nhập khẩu và sử dụng.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần phối hợp với Bộ Công an, Tổng cục Hải quan và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực thi Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện vào sáng ngày 18/3/2016, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel cũng kiến nghị Bộ TT&TT cần bổ sung quy định cấp giấy phép cho các đơn vị dùng trạm lặp, để hạn chế tình trạng sử dụng trạm lặp tràn lan gây can nhiễu, thiệt hại cho các nhà mạng di động.

Theo ICT News

Chủ đề khác