VnReview
Hà Nội

FBI có thể mở khóa iPhone của kẻ khủng bố

Theo BBC, một đơn vị bên ngoài sẽ giúp Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) mở khóa chiếc iPhone của Farook, nghi phạm xả súng trong vụ San Bernardino, mà không cần đến Apple.

Ngày 21/3, Bộ tư pháp Mỹ đã quyết định hủy phiên điều trần về việc Apple phải hỗ trợ nhà điều tra mở khóa chiếc điện thoại iPhone 5c của nghi phạm xả súng trong vụ khủng bố ở San Bernardino, California (Mỹ).

Các công tố viên cho biết một bên thứ ba đã chứng minh rằng có thể mở khóa iPhone mà không cần tới sự giúp đỡ của Apple.

"Sẽ cần kiểm tra xem phương pháp này có hiệu quả và không gây tổn hại đến dữ liệu trên chiếc iPhone của Farook hay không. Nếu phương pháp này khả thi, chúng tôi sẽ không cần tới sự hỗ trợ của Apple nữa", Melanie Newman, người phát ngôn của Bộ tư pháp Mỹ cho biết.

Bộ tư pháp Mỹ có thể không cần tới Apple để mở khóa iPhone

Động thái của Bộ tư pháp Mỹ có thể sẽ giúp dẹp sang một bên cuộc tranh cãi dấy lên thời gian qua giữa chính phủ Mỹ và Apple liên quan tới chiếc iPhone của nghi phạm xả súng và về việc chính quyền có được phép khai thác kho dữ liệu số của các tập đoàn công nghệ không, khai thác theo cách nào và trong điều kiện nào.

Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, Rizwan Farook và vợ là một trong số những tên khủng bố đã gây ra vụ xả súng giết chết 14 người ở San Bernardino, California (Mỹ). Cả hai sau đó cũng đã bị cảnh sát bắn chết.

FBI cho rằng Farook và người vợ Tashfeen Malik thực hiện mệnh lệnh khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và chiếc iPhone 5c có thể chứa những bằng chứng quan trọng.

Rizwan Farook (bên phải) và vợ Tashfeen Malik

FBI muốn truy cập vào các dữ liệu này nhưng thiết bị đã được mã hóa và chỉ có thể mở bằng cách nhập đúng passcode. Việc nhập sai passcode nhiều lần có thể xóa vĩnh viễn tất cả dữ liệu trên iPhone của nghi phạm khủng bố. Do đó, FBI đã yêu cầu Apple tạo ra Govt.OS nhằm mở khóa chiếc iPhone 5c.

Apple trước đó nói rằng, đạo luật All Writs Act mà FBI viện dẫn để bắt Apple tạo ra Govt.OS là không phù hợp. Đạo luật này đã ra đời quá lâu và nếu bắt buộc các công ty mở khóa sản phẩm của mình thì không chỉ Apple mà cả những tên tuổi lớn như Google, Facebook… cũng cho rằng nó sẽ làm suy yếu các hệ thống an ninh được tạo ra để bảo vệ người dùng trước tin tặc.

G.L

Chủ đề khác