VnReview
Hà Nội

5G sẽ giúp Internet of Things bùng nổ

Mới đây, tại triển lãm Mobile World Congress 2016 diễn ra tại Barcelona, các nhà quan sát công nghệ đã chứng kiến nhiều thành tựu mới trong lĩnh vực Internet of Things (IoT), cho thấy xu hướng này sẽ sớm trở nên phổ biến. Đại diện Ericsson tại Việt Nam đã chia sẻ thông tin về xu hướng này với báo giới.

Công nghệ 5G đang trở thành hiện thực

Tại MWC 2015, 5G là thuật ngữ được nhiều người nhắc tới và được xem như một động cơ cực mạnh để tăng tốc Internet cũng như mở khoá cho Internet of Things, biến những chiếc xe hơi không cần người lái và những chiếc tủ lạnh biết nói thành hiện thực. Tốc độ cực lớn của mạng 5G sẽ cho phép các thiết bị kết nối với Internet và nói chuyện được với con người, nói chuyện được giữa các ứng dụng và giữa các thiết bị với nhau.

Trình diễn robot và mạng 5G tại MWC 2016

Đang có những bước nhảy vọt về công nghệ 5G. Tại châu Âu, một dự án tên METIS 2020 đang giúp chuẩn bị cho châu Âu sẵn sàng với 5G bằng việc kết nối 30 công ty toàn cầu và công ty châu Âu hàng đầu trong lĩnh vực này.

Một dự án khác có sự hậu thuẫn của Uỷ ban châu Âu là 5GPPP (5G Infrastructure Public Private Partnership), tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng mạng 5G mà dự báo sẽ là cực lớn. Liên minh châu Âu đang xem xét việc chi tới 700 triệu euro (khoảng 772 triệu USD) vào dự án 5GPPP cùng với 3.0 tỉ euro do khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp.

Cùng với các hãng công nghệ lớn trên thế giới, Ericsson đã trình diễn khá nhiều giải pháp mới tại MCW 2016. Theo ông Anders Larsson, Trưởng bộ phận Networks thị trường Vietnam và Myanmar, Ericsson đã trình diễn các bản mẫu của giải pháp 5G radio, cellular IoT, robot đám mây 5G, connected water (giải pháp xử lý nước) và giải pháp lái xe tự động tại MWC 2016 để chứng minh công nghệ tương lai đều đang hướng về Internet of Things.

xe không người lái

Các giải pháp xe hơi không người lái đang dẫn đầu xu hướng Internet of Things

Hệ sinh thái IoT

Theo Ericsson, ngành công nghiệp ô tô là ví dụ điển hình cho sự ra đời cũng như đặt ra yêu cầu về một hệ sinh thái nhiều đối tượng tương tác lẫn nhau. Cùng một sự kết nối và cùng một nguồn dữ liệu thông tin, rất nhiều bên được hưởng lợi – dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo dưỡng, cung cấp năng lượng xăng dầu, các công ty phát triển ứng dụng trên xe, các công ty bảo hiểm, các công ty cung cấp dịch vụ giải trí, lái xe, cơ quan vận hành giao thông, đường bộ, công ty quản lý phương tiện.

Ericsson đang tham gia tích cực vào việc tạo ra hệ sinh thái bền vững với việc cho ra đời nền tảng cấp bằng chung về IoT để đảm bảo các công ty sáng tạo ra các giải pháp IoT được hưởng lợi ích xứng đáng, đồng thời khuyến khích nhiều giải pháp mới. Ericsson tham gia vào việc xây dựng tương lai IoT qua những cam kết chuẩn hóa IoT di động với 3GPP và tích cực đóng góp vào các liên minh về IoT như Internet Engineering Task Force và Industrial Internet Consortium.

IoT và sự tác động đến các nhà khai thác viễn thông

Nghiên cứu của Ericsson cho thấy, các nhà khai thác viễn thông hiện giờ thường chia thành 3 nhóm phụ thuộc vào chiến lược của họ. IoT có ảnh hưởng khác nhau tới từng nhóm đó. Với các công ty đặt chiến lược vào hệ thống mạng tối ưu (Network Developer), họ sẽ thu lợi nhuận từ việc cung cấp mạng như dịch vụ tiện ích cho các nhà cung cấp dịch vụ khác khai thác. Nhóm hai là các công ty thúc đẩy nền tảng cung cấp dịch vụ (Services Enabler), họ tập trung vào việc quản lý mạng mang tính linh hoạt cao, với hệ thống giám sát và quản lý vận hành rất tốt để tích hợp giải pháp hiệu quả và hợp tác với các doanh nghiệp IT khác để cung cấp các dịch vụ sáng tạo. Nhóm thứ ba là các công ty tạo ra các dịch vụ và ứng dụng sáng tạo mới (Services Creator) – nhóm công ty này rất tích cực trong việc tạo ra hệ sinh thái, xây dựng hệ thống mạng chất lượng cao, trải nghiệm tốt để cung cấp các dịch vụ sáng tạo trong các lĩnh vực như giao thông, dịch vụ tiện ích, tài chính, y tế, truyền thông.

Sự phát triển của IoT tạo ra bốn bước chuyển dịch trong vai trò của các nhà khai thác viễn thông. Vai trò đầu tiên là thu thập dữ liệu để nâng cao hiệu quả nội bộ như hệ thống báo cáo và roaming. Vai trò thứ hai là phân tích thông tin tương tác của khách hàng, để cung cấp những dịch vụ IoT mang tính cá nhân cho các thuê bao của mình. Vai trò thứ ba là sử dụng cơ sở dữ liệu phân tích là giá trị, kết nối với các công ty cung cấp dịch vụ ở lĩnh vực khác tạo ra sản phẩm hiệu quả. Vai trò thứ tư là cung cấp dịch vụ quản lý dữ liệu cho các kết nối IoT, làm cầu nối giữa các công ty cung cấp ứng dụng IoT với chính các kết nối IoT có SIM và không có SIM để các bên đều mua được dịch vụ mình cần và bán được dịch vụ mình có một cách hiệu quả.

Đánh giá về sự quan tâm của các nhà mạng Việt Nam đối với Internet of Things, ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam cho rằng các nhà mạng hiện vẫn khá rụt rè và lo ngại lớn nhất của họ là sợ công nghệ sẽ sớm bị lạc hậu sau khi bỏ một khoản tiền lớn để đầu tư. Các dự án IoT mà Ericsson đang triển khai tại Việt Nam lại đến từ các đơn vị tư nhân và họ chủ động tìm đến Ericsson để hợp tác. "Internet of Things đang dần hiện hữu tại Việt Nam và Ericsson cũng đang thay đổi, tìm kiếm những đối tác ngoài lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam", vị CEO Ericsson Việt Nam cho biết.

Vân Hà

Chủ đề khác