VnReview
Hà Nội

Cuộc chiến chống các loại tin tức giả trên mạng Internet

Trong thời đại mà khái niệm nhà báo công dân nở rộng như hiện nay, việc tung tin tức thất thiệt (hoang tin) lên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến, ở cả nhiều quốc gia phát triển lẫn ở Việt Nam. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết về vấn nạn này trên trang BuzzFeed.

Một ví dụ về hoang tin được đưa lên Facebook, phao tin kẻ khủng bố ở Boston bị thương trong tù

"Bạn có thể mong đợi Allen Montgomery tôn trọng Facebook, vì công ty trị giá 300 tỷ USD này vừa là kẻ thù lớn nhất, cũng là nguồn cung cấp tài chính lớn nhất của ông."

"Không đâu. Chủ sở hữu của trang tin tức giả mạo National Report có thái độ cực kỳ thách thức. Bạn sẽ không bao giờ ngừng thông tin sai lệch hoặc giả tin tức. Sẽ có những người luôn nói dối ngoài kia"

Hoang tin trên mạng xã hội là một tai họa, nhưng tới nay chúng vẫn là một lực lượng không thể ngăn cản và xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ dòng trạng thái của người bạn nhẹ dạ của bạn, tới những trang báo của tờ New York Times.

Khoảng hơn một năm trước, phản ứng với sự phát triển của các câu chuyện tin tức giả trên News Feed, Facebook đã tuyên chiến với các trang web chuyên về tin tức giả như National Report - tồn tại để tạo ra những câu chuyện cực kỳ thu hút độc giả, nhưng hoàn toàn sai lệch và kiếm tiền từ những mẩu quảng cáo hiện ra khi người ta nhấn vào tin tức. Lời tuyên chiến của Facebook có ý nghĩa rất quan trọng bởi trang News Feed của hãng, công cụ truyền tải tin tức mạnh mẽ nhất thế giới, đang vô tình tiếp tay chi những trang tin tức giả này.

Tuy nhiên, theo một phân tích của BuzzFeed về tương tác trên 9 trang tin tức giả hàng đầu, nhờ các chiến thuật mới và các mối quan tâm lành mạnh, các trang này vẫn phát triển mạnh mẽ trên Facebook.

Theo nhiều cách khác nhau, đây là kỷ nguyên vàng của tin tức giả. Việc dễ dàng tiếp cận các công cụ xuất bản tin tức khiến việc tạo ra các nguồn tin giả ngày nay dễ dàng hơn bao giờ hết. Và các kênh truyền thông xã hội đã giúp những bản tin giả này rộng đường đến với công chúng. Tuy nhiên, Facebook đã khẳng định sẽ chặn đầu dòng chảy tin thất thiệt này.

"Nhìn chung, từ khi đưa ra các cập nhật mới để giảm lượng tin tức giả trên Facebook, lượng chia sẻ từ các trang tin giả này đã giảm đi," một phát ngôn viên của Facebook chia sẻ với BuzzFeed.

Để kiểm tra những thắng lợi của Facebook trong cuộc chiến này, BuzzFeed đã nghiên cứu dữ liệu về hàng ngàn bài đăng trên Facebook của các trang tin giả và tìm ra kết quả khá hỗn hợp. Từ tháng 1-12/2015, lượng tương tác (thích+chia sẻ+bình luận) trung bình cho mỗi bài đăng giảm từ 972,7 xuống còn 434,78, nhưng lại tăng lên 827,8 vào tháng Một năm nay và tăng vọt lên 1.304,7 vào tháng Hai vừa qua.

Rất khó để xác định số người thực sự đã nhìn thấy các bài đăng này nếu không tiếp cận được dữ liệu của Facebook. Tuy nhiên, đưa các lượt thích, chia sẻ và bình luận vào quá trình xác định lượng tương tác của một bài đăng cũng là một cách hay. Ba yếu tố này có ảnh hưởng quan trọng tới thuật toán quyết định những gì sẽ xuất hiện trên News Feed.

Một số bài viết trên các trang tin giả đã trở nên cực kỳ nổi tiếng sau khi Facebook thông báo lệnh đàn áp của mình. Ví dụ, hồi tháng Tám năm ngoái, một bản tin của Empire News đã nói rằng Dzhokhar Tsarnaev, nghi phạm vụ nổ bom tại giải điền kinh Boston đã bị thương nặng trong tù. Tin tức này hoàn toàn là giả, nhưng đã nhận được hơn 240.000 lượt thích, 43.000 lượt chia sẻ, và 28.000 bình luận trên Facebook.

Một bài đăng tin giả khác hồi tháng 9/2015 về một cuộc đụng độ băng nhóm dẫn đến chết người do sự kiện "Mặt trăng máu" cũng được chia sẻ tới hơn 22.000 lượt từ trang Facebook của Huzler, một trang tin giả khác.

Trang BuzzFeed đã phân tích 9 trang tin tức giả sau: National Report, Huzlers, Empire News, The Daily Currant, I Am Cream Bmp, CAP News, NewsBiscuit.com, Call the Cops và World News Daily Report. Cả 9 trang này đều có mặt trong danh sách "Các trang tin giả" của Fakenewswatch.com và vẫn đăng tin giả dù đã bị liệt vào danh sách này.

BuzzFeed đã xem xét sự tương tác trên các trang này theo hai cách. Thứ nhất là theo dõi lượng tương tác trên các bài đăng Facebook của các trang này. Thứ hai là xem xét dữ liệu tương tác trên tất cả các bài đăng công khai có liên quan tới các tin tức trên các trang này.

Hoang tin về các vụ bắt cóc trẻ em tràn ngập trên mạng xã hội Việt Nam thời gian qua.

Từ tháng 1/2015 đến giữa tháng 12/2015, Huzlers, trang web đã bịa ra vụ đánh nhau giữa các băng nhóm có lượng tương tác các bài đăng công khai trên Facebook tăng từ 294,9 lượt/bài lên 340,6 lượt. Thời điểm tháng 1/2015, số nội dung công khai có nguồn gốc từ Huzler trên Facebook đã thu hút 1.000,7 lượt tương tác/bài đăng. Với National Report, lượt tương tác trung bình từ 1-7/2015 đã giảm từ 370,8 xuống còn 92,9. Nhưng đến tháng 12/2015, con số này lại tăng lên thành 251,7 lượt.

Các đường dẫn tới bài đăng tin tức giả lan truyền trên Facebook qua nhiều kênh khác nhau. Chúng bắt nguồn từ các trang Facebook do các kênh tin tức giả này lập nên, nhưng để tăng số lượng độc giả, cần có người chia sẻ các tin tức này. Và BuzzFeed phát hiện ra những thông tin này được phát tán nhờ một bên thứ ba không ngờ.

Lấy ví dụ về D.L. Hughley. Diễn viên hài với hơn 1,7 triệu người yêu thích trên Facebook đã xuất hiện hai lần trong số liệu của Huzler. Một câu chuyện hư cấu của Huzler được Hughley đăng đã thu hút hơn 10.000 lượt chia sẻ từ trang của anh. Hughley cũng đã chia sẻ 4 đường dẫn đến tin tức của National Report năm 2015.

Các trạm phát thanh cũng thường xuyên đưa tin giả. Kênh 93XFM ở Florida là một trong số những đài phát thanh từng chia sẻ tin tức từ trang Huzler năm 2015. Khi được hỏi về bản tin liên quan đến tin tức do Huzler đưa về một phụ nữ phê thuốc tấn công bạn trai, một người dẫn chương trình của 93XFM tên là Sadie giải thích rằng việc kiểm tra tính xác thực "không phải là ưu tiên hàng đầu."

"Chúng tôi có quyền tự quyết trong việc làm mới tin tức, nên đôi khi thấy có gì đó hài hước hay giải trí, chúng tôi chia sẻ mà không nhận ra đó là tin giả," cô nói trong một cuộc phỏng vấn thực hiện qua trò chuyện trên Facebook. "Chúng tôi không cố ý lừa dối, chúng tôi chỉ không có đủ thời gian để xác minh."

Sadie cho biết thêm một số đài phát thanh còn có yêu cầu các phát thanh viên phải thường xuyên phát tin mà không cần kiểm tra nguồn tin. "Công ty chúng tôi không phải như thế, nhưng tôi viết một số nơi mà các phát thanh viên phải đáp ứng đủ định mức tin tức, ví dụ như 3 bài đăng Facebook và 5 tweet trong ca trực chẳng hạn," cô nói.

Trong thông báo kế hoạch giảm khả năng tiếp cận của các tin tức giả hồi tháng Một vừa qua, Facebook cho biết hãng sẽ dựa vào phản hồi của người dùng - gắn nhãn bài đăng là giả hay xóa hàng loạt - để quyết định khi nào sẽ can thiệp. Tuy nhiên, khi người nổi tiếng như D.L. Hughley và đài phát thanh đăng những tin này, cơ hội can thiệp của Facebook sẽ giảm đi vì một lý do rất đơn giản: Người ta cho rằng những nguồn tin họ yêu thích đến mức theo dõi trên Facebook không thể nói sai.

Không chỉ có những người thường, mà một số công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng khi không phân biệt được tin tức thật và giả. Trang National Report của Montgomery đã xuất hiện trong một bài báo tháng 12/2015 của tờ New York Times, hối thúc các tiểu bang và chính quyền thông qua các điều luật nghiêm khắc hơn để hạn chế sử dụng súng.

Tờ Times đã gọi luật này là "một bước quan trọng hướng tới một quốc gia an toàn hơn." Nhưng bộ luật này thực tế là tác phẩm của National Report, tức là hoàn toàn là giả mạo. Một cuộc gọi đến văn phòng của thống đốc California Jerry Brown đề nghị được nói chuyện với người phát ngôn được nêu tên trong bài viết nói trên đã nhận được lời hồi đáp như sau: "Không có ai tên đó làm việc trong văn phòng của chúng tôi." Sau khi được BuzzFeed cảnh báo, tờ Times đã gỡ bỏ liên kết và cho đăng thông tin đính chính.

Montgomery không hề thiếu thận trọng khi nói rằng tin tức giả sẽ không bao giờ bị ngăn chặn. Dù lượng truy cập vào trang Facebook của National Report có giảm, Montgomery cũng đã lập một mạng lưới các trang web anh em để lách sự tấn công của Facebook.

"Khi chúng tôi đăng tin ở National Report, hiệu quả không tốt lắm," Montgomery nói. "Nhưng khi chúng tôi khuyến khích rằng chính xác cùng một nội dung thông qua các tên miền khác, sau đó chúng tôi vẫn nhìn thấy lưu lượng truy cập tương tự như những gì nó đã trước khi các cuộc đàn áp lớn."

Daniel Barkeley, người sáng lập của Daily Currant, một trang web giả mạo tin tức khác cho biết tình hình kinh doanh của mình vẫn chưa bị ảnh hưởng gì từ quy định mới của Facebook. "Chúng tôi thực sự đã thấy sự suy giảm vào hồi tháng Một vừa qua khi Facebook ra quy định mới," ông nói. "Nhưng kể từ lúc đó thì lệnh hạn chế này cũng chẳng còn ảnh hưởng gì nữa."

Barkeley nói rằng ông đã nói chuyện với Facebook về chính sách mới, nhưng tin rằng Facebook không có cách tiếp cận đúng để giải quyết vấn đề. "Ấn tượng của tôi từ cuộc hội thoại đó đã là rằng họ vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề và chưa tìm ra giải pháp đúng," ông nói. "Bọn họ nhận thức được tất cả những sự phức tạp và đang cố gắng giải quyết."

Montgomery tin rằng Facebook đang là bên thua cuộc trong trận chiến, bất kể hãng có cố gắng làm gì "Họ có thể đóng cửa National Report. Tất nhiên họ có thể làm điều đó,"ông nói.

"Nhưng tôi có 100 tên miền thiết lập trong một tuần, và họ sẽ chặn tất cả sao? Họ sẽ đọc mọi thứ từ mọi trang web và quyết định tin nào là thật tin nào là giả à? Tôi không nghĩ chuyện đó sẽ xảy ra. Đó không phải là cách mạng Internet vận hành".

Theo Vietnamplus

Chủ đề khác