VnReview
Hà Nội

Captain America: Civil War may mà có... người nhện

Mỗi phần trước đều có sự thú vị liên quan tới nhân vật chính - Captain America, còn trong phần này "Đội trưởng Mỹ" trở nên nhạt nhòa và nếu thiếu sự xuất hiện thú vị của Người Nhện thì có lẽ bom tấn siêu anh hùng chẳng khác gì một "phim tình cảm tâm lý xã hội" dài tập.

Được mong chờ sẽ là bom tấn mở màn cho mùa hè năm nay, Captain America: Civil War (Nội chiến) đã chính thức ra rạp tại Việt Nam từ ngày 27/04 vừa qua. Phim tiếp mạch của hai phần trước đây và cũng là mạch nối dài của dòng phim siêu anh hùng ăn khách mà các nhà làm phim Hollywood lẫn xuất bản truyện tranh như DC Comic và Marvel đang đua nhau khai thác.

Tương tự các bộ phim siêu anh hùng gần đây, Captain America: Civil War tiếp tục quy tụ nhiều diễn viên gạo cội như Robert Downey Jr. hài hước với vai diễn Iron Man quen thuộc hay cô đào Scarlett Johansson quyến rũ trong vài Natasha Romanoff (Black Widow),… nên ít nhiều vẫn mang lại những đóng góp đáng kể cho khả năng hút khách của bộ phim.

Kỹ xảo và những màn combat mãn nhãn

Phim được dàn dựng dưới sự chỉ đạo của anh em nhà Russo, đạo diễn phần phim "Captain America: The Winter Soldier" trước đó cùng sự góp mặt của công ty LucasArts Ltd. Co, (đứng sau loạt phim Star War nổi tiếng) đảm trách phần hiệu ứng hình ảnh nên được dự báo là sẽ làm mãn nhãn người xem.

Đáng chú ý, đây là phim của Marvel chứ không phải "5 anh em siêu nhân" của Saban/Toei, nên mọi người cứ yên tâm mỗi nhân vật sẽ có một miếng đánh (combat) riêng, không ai giống ai. Một Steve Roger (tài tử Chris Evans thủ vai) với lối đánh Krabicombo được xây dựng từ phần trước cho đến nay. Là Winter Soldier (diễn viên Sebastian Stan) với lối cận chiến Krav Maga của US Army. Black Panther (do Chadwick Boseman đảm trách) thì như một võ sỹ UFC chính hiệu. Những pha combat máu lửa sẽ làm hài lòng bất kỳ khán giả khó tính nào.

Cuộc nội chiến của những cá tính đối lập

Iron Man vẫn chiến đấu dựa trên sự khôn ngoan, giàu có và công nghệ Stark Industrial

Nói qua một chút về hai nhân vật chính. Để dễ hình dung, có thể so sánh Captain America và Iron Man của vũ trụ Marvel là hai phiên bản của Superman và Batman của vũ trụ DC. Một bên là những cá nhân với sức mạnh nội tại đủ sức cất vạc nhổ núi, những siêu nhânthực thụ. Còn một bên chỉ là những con người bình thường (như bao "phó thường dân"khác) chiến đấu dựa vào các kỹ năng cùng sự giúp sức của khoa học kỹ thuật công nghệ cao.

Qua những phần phim về các siêu anh hùng của Marvel từ trước đến nay đã khắc họa nên hình ảnh của một Tony Stark (Iron Man) là một "tay chơi, tỷ phú, nhà hảo tâm", có một cái tôi vĩ đại với xu hướng ái kỹ, rất tự tin vào bản thân mình và sẵn sàng phá luật để đạt được mục đích. Trong khi Steve Roger (Captain America), một quân nhân, viên chức chính phủ mẫn cán, luôn đề cao kỷ luật, lại là một con người sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân để duy trì lợi ích của tập thể.

Nhưng dần dần, qua các sự kiện ở New York, Sokovia, và mới đây là Nigeria, Vienna, cả hai bắt đầu có sự chuyển biến trong suy nghĩ và nhận thức. Tony dần dần bỏ đi cái tôi và Steve suy nghĩ lại về nguyên tắc của mình. "Chúng ta cứu cả thế giới không có nghĩa là chúng ta có thể cứu tất cả mọi người. Chúng ta phải chấp nhận rằng sẽ có những người chúng ta cứu được, và sẽ có những người không." - Steve Roger.

Cuộc nội chiến trong Captain America: Civil War cũng là cuộc nội chiến về tính cách của các người hùng

Điều ngược đời là giờ đây, Iron Man và Captain America lại là hình ảnh phản chiếu những gì mà đối phương đã loại bỏ. Tony Stark là một viên chức chính phủ còn Steve Rogers mới là kẻ sẵn sàng đứng ngoài vòng pháp luật (vì ai!?). Sự va chạm giữa cả hai cá tính đẩy sự xung đột đến đỉnh điểm, một cuộc đụng độ ít nhiều mang tính "rảnh rỗi sinh nông nổi" của các siêu anh hùng trong vũ trụ Marvel

Ván bài Spider-Man liệu có đủ giải cứu Captain America?

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì Captain America: Civil War thực sự nhàm nhán, các nhà làm phim sẽ không để điều đó xảy ra. Và rồi chúng ta có Spider-Man (Người Nhện), con bài tẩy của Marvel để câu khán giả. Sau nhiều năm trời "bán mình" ở Sony, cuối cùng siêu anh hùng được yêu thích nhất Marvel đã quay về nhà. Trên phim thì Người Nhện là nhân vật có thể cho thêm vào hoặc rút ra cũng không ảnh hưởng đến mạch truyện chính.

Thực tế, kịch bản những ngày đầu, trước khi có thoả thuận giữa Sony và Disney, cũng chưa có phần cho Người Nhện. Thế nhưng sự xuất hiện quá hoành tráng của anh chàng đã khiến dân tình điên đảo. Vầng hào quang của anh làm lu mờ tất cả. T'Challa a.k.a.Black Panther, trai đẹp, "cao-to-đen-không hôi", body 6 múi, "nhà mặt phố bố làm vua" cũng chỉ là muỗi trước màn ra mắt của một cậu sinh viên con nhà nghèo. Chỉ cần vài phân cảnh xuất hiện trên màn ảnh thì chàng tài tử Tom Holland mới toanh trong vai diễn Spider-Man cũng đã chiếm trọn trái tim của khán giả. Thật vậy, ngay sau khi Iron Man hô: "Underoos", gần như cả rạp (mà chắc chắn đa phần đây là fan boy, những fan cứng) hú hét, hoan hỉ, inh ỏi. Không khí rất huyên náo rất phấn khích. Và không phụ lòng fan hâm mộ, những gì diễn ra sau đó còn tuyệt vời hơn thế.

Sự xuất hiện của nhân vật Spider-Man là điểm nhấn thú vị của bộ phim

Nói chung, trong phim cứ phân đoạn nào có Người Nhện đều sẽ rất thú vị. Người viết sẽ không đề cập chi tiết nhường phần khám phá lại cho các bạn. Đối với người viết, 20 phút góp mặt của Spidey là 20 phút ấn tượng nhất phim. Mãn nhãn! Nếu trước đây chúng ta từng cảm nhận chưa từng có Batman nào vào vai xuất sắc hơn Ben Affleck trong bom tấn Batman v Superman: Dawn of Justice vừa qua thì lần này lời ngợi khen sẽ dành cho - người vào vai Spider-man trong bom tấn này.

Có thể nói chưa từng có Người nhện nào hay hơn thế!; Đúng là diễn viên do Marvel "casting" có khác, phải gọi là tuyệt vời! Không ngoa khi nói Spidey như kiểu từ trong truyện tranh bước ra vậy. Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu một năm sau, người ta lại xếp hàng dài trước rạp để được xem "Spider-Man: Homecoming."

Và cũng chỉ có thế, một cánh én không làm nên mùa xuân...

Cái khó của Marvel

Civil War là một event kinh điển của Marvel nói riêng (một trong 3 event hay nhất trong 10 năm trở lại đây của Marvel), cũng như thế giới siêu anh hùng giả tưởng nói chung nên việc đặt kỳ vọng cao và đòi hỏi sự chỉn chu trong việc truyền tải trọn vẹn tinh thần của câu truyện từ phía người hâm mộ là một áp lực rất lớn cho nhà sản xuất. Và dù đã rất cố gắng nhưng nhà sản xuất vẫn chưa làm được tốt điều này.

Hành động nhiều, rất rất nhiều nhưng ko có gì thật sự ấn tượng. Nội dung kịch tính nhưng sự đơn điệu vẫn còn đấy. Chưa đẩy lên hết được những xung đột tư tưởng và sự dằn xé nội tâm giữa hai nhân vật đại diện cho hai cực. Nhịp phim lên xuống ổn định, có cao trào, có đủ khoảng lặng nhưng cốt truyện nửa đầu và nửa sau dường như không ăn nhập gì với nhau nhiều lắm gây cảm giác mạch phim bị gãy. Nếu nửa đầu phim là những vấn đề mang tầm quốc tế, ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, thì nửa sau phim lại là những ân oán cá nhân. Và lúc này khán giả phải ồ lên rằng đây mới là nguyên nhân cốt lõi.

Có quá nhiều nhân vật cần được "tô vẽ" trong phim

Phim đã cố gắng nhồi nhét thêm vài ba nhân vật mới nữa (để cố làm bất ngờ người xem chăng?!), nâng tổng số nhân vật chính trong phim lên tới tận con số 15. Làm sao Civil War có thể vừa duy trì tính giải trí, vừa thể hiện được ý tưởng của bộ truyện gốc, lại vừa phải cân đo đong đếm đủ đất diễn cho từng nhân vật để không ai bị lu mờ là một bài toán khó. Thật may mắn, anh em đạo diễn Russo đã đưa ra được đáp án vừa đủ tốt cho các khúc mắc ở trên. Ai cũng có đất diễn cho những pha trò của mình đủ để khán giả nhớ đến. Nhưng trừ những nhân vật đã có xuất hiện từ các phần phim trước, những nhân vật xuất hiện gần đây như Wanda, Vision, Zemo, T'challa...lại chưa được xây dựng hình ảnh, khắc họa tâm lý rõ nét.

Song song đó ở đôi chỗ, cách giải quyết bộ phim tạo cảm giác nhồi nhét, và cách giải quyết vấn đề còn gượng ép. Trong một bộ phim tập trung nhiều vào các siêu anh hùng, có thể nói sự hiện diện của các villain (nhân vật phản diện) khá mờ nhạt. Zemo, do tài tử người Đức Daniel Brühl thủ vai, trên thực tế, nhân vật này giữ vai trò lớn trong câu chuyện, song kế hoạch của hắn còn nhiều sơ hở, phụ thuộc quá nhiều các điều kiện khách quan để thành công. Thế mà các siêu anh hùng của chúng ta cứ mặc nhiên mà lao đầu vào bẫy. Người viết đã phải thắc mắc tại sao họ là những con người mạnh nhất thế giới, những bộ óc thông minh nhất thế giới lại đi chọn hướng giải quyết dễ bị dắt mũi như vậy?!

Điểm sáng là diễn xuất ổn định của diễn viên. Nếu đã có xem qua phim Rush sẽ thấy Brühl có lối diễn khắc khổ đặc trưng, dễ dàng chạm đến nội tâm khán giả mà không cần phải cố gắng, một diễn viên tài năng như thế này nên có nhiều đất diễn khắc hoạ nội tâm hơn. Ngoài ra, không nhắc lại có khi mọi người còn quên luôn sự xuất hiện của Cross-bone, một villian vô cùng bad-ass, đủ khả năng "dần" Captain America ra bã.

Trong phim tồn tại một plot đến gần cuối phim mới hé lộ cho người xem biết là gì. Nhưng với cái cách úp mở từ đầu phim, rồi nhai đi nhai lại thiếu khéo léo nên thật ra lại cực kỳ dễ đoán. Đối với người viết plot này chẳng mang lại sự bất ngờ gì. Phần cũng do concept này cũng cũ rồi, xuất hiện nhan nhản ở nhiều phim khác.

Designer: Tống Tất Tuệ

Biếm họa của một khán giả sau khi xem phim. (Tác giả: Tống Tất Tuệ)

 Có nên tới rạp?

Phim thích hợp cho giải trí trong dịp nghỉ lễ này, triết lí không có gì sâu sắc dù nhà làm phim đã rất cố gắng thêm vào. Nhìn chung, có thể miêu tả hài hước theo ngôn ngữ của Tony Stark về bộ phim này như sau: "Xem Captian America: Civil War mà có cảm giác như xem một bộ phim tâm lý Đài Loan dài tập, đơn thuần là hành trình tìm kiếm hạnh phúc của ba gã đàn ông đã mang lại khổ đau cho vô số kẻ còn lại, một Brokeback Captain thì đúng hơn".

Ở hai phần trước, mỗi phần đều có sự thú vị liên quan tới nhân vật chính - Captain America, thì phần này dường như "Đội trưởng Mỹ" trở nên nhạt nhòa và gần như ít nhiều khiến bom tấn này trở thành một dạng "phim tình cảm tâm lý xã hội" mang mác Mỹ.

Một trailer chính thức của Captain America: Civil War

Fan comic nên đi coi để thấy Người Nhện trong Captain America: Civil War xuất sắc như thế nào dù anh ta chỉ là một nhân vật được đưa thêm vào phút chót. Nếu không phải fan comic cũng nên thưởng thức nếu có dịp tới rạp vì đây là một phim giải trí và hành động khá chỉn chu. Nếu thích thì các bạn nên nán lại một chút để xem thêm mid-credit và một after-credit. "Spider-Man will return"! Các bạn nhớ xem credit và nhớ sơ sơ thì người Viết đã đếm được 3 cái tên Việt Nam trong ekip làm phim.

Hồng Cơ

Chủ đề khác