VnReview
Hà Nội

‘Dư luận viên’ Trung Quốc tạo 448 triệu bình luận/ năm

Chính phủ Trung Quốc tạo khoảng 488 triệu bình luận trên mạng xã hội mỗi năm – gần bằng số lượng tin đăng tải trong một ngày trên toàn cầu của Twitter – trong nỗ lực lớn nhằm đánh lạc hướng người dân khỏi tin tức xấu và các tranh luận chính trị nhạy cảm.

Theo hãng tin Bloomberg, ba học giả do nhà khoa học chính trị Gary King thuộc Đại học Harvard chuyên về sử dụng dữ liệu định lượng để phân tích chính sách công, đã tiến hành một nghiên cứu có hệ thống đầu tiên về các nhân viên tuyên truyền trên mạng của Trung Quốc, còn gọi là dư luận viên.

Trái với nhận thức phổ biến ở Trung Quốc, dư luận viên tránh tham gia vào các cuộc tranh luận với các nhà phê bình và không châm chọc các chính phủ nước ngoài. Thay vào đó, nó hoạt động chủ yếu là để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi các chủ đề nóng bằng cách làm nổi bật những tích cực, cổ vũ nhà nước, biểu tượng của chế độ, hoặc quá khứ cách mạng của Đảng Cộng sản.

"Nhìn lại thì thấy điều này có rất nhiều ý nghĩa – cách ngăn chặn tranh luận tốt nhất là đánh lạc hướng và thay đổi chủ đề thay vì tranh luận nhiều hơn – nhưng điều này trước đây không được biết đến", ông King viết trong một email.

Mặc dù những người đăng bình luận thường được đồn là những người dân bình thường, nhưng các nhà nghiên cứu đã ngạc nhiên phát hiện ra rằng hầu hết tất cả các bài đăng là được viết bởi các nhân viên ở các cơ quan chính phủ, gồm các đơn vị thuế, nguồn nhân lực và cả toà án. Các nhà nghiên cứu nói họ không phát hiện ra bằng chứng rằng người ta được trả tiền cho đăng bài, mà có thể đó là một phần công việc của công chức nhà nước.

Khoảng một nửa thông điệp tích cực xuất hiện trên các website của chính phủ và phần còn lại được bơm vào thế giới mạng xã hội với khoảng 80 tỷ bài đăng. Điều đó có nghĩa cứ 1 trong mỗi 178 bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc là được tạo ra bởi nhân viên nhà nước, theo các nhà nghiên cứu. Các trang web có đông bài đăng của dư luận viên gồm các trang do Tencent, Sina và Baidu quản lý.

Các phát hiện của nhóm nghiên cứu cũng dựa vào dữ liệu email năm 2013 và 2014 bị rò rỉ từ Văn phòng tuyên truyền Internet Zhanggong, một quận có dân số gần nửa triệu người ở thành phố Ganzhou thuộc tỉnh Giang Tây. Dữ liệu lưu trữ này bao gồm một tập hợp các định dang email, chương trình và tệp đính kèm khiến các nhà nghiên cứu phải phát triển mã nguồn máy tính tuỳ biến để crack và phân tích văn bản tự động.

Các nhà nghiên cứu phát hiện tên, thông tin liên hệ và thậm chí cả ảnh của nhiều người đăng bài nhưng không tiết lộ vì nó không phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu.

Thời điểm đăng bài trên mạng xã hội cho thấy nó được kiểm soát có sự điều phối. Đặc biệt, các dư luận viên sẽ hành động ngay sau khi xảy ra những sự kiện làm bấn loạn xã hội và cố gắng đánh lạc hướng dư luận bằng một làn sóng mạng xã hội mà các nhà nghiên cứu nói là "các chủ đề thú vị nhưng vô thưởng vô phạt, không liên quan".

Các nhà nghiên cứu nói họ đã suy luận ra các nguyên tắc của bài đăng của dư luận viên: Trước tiên, không tham gia vào các vấn đề gây tranh cãi. Thứ hai, chấm dứt thảo luận về khả năng biểu tình bằng cách hăng hái đánh lạc hướng. Cho phép một số ý kiến bất đồng để chế độ đánh giá ý kiến công chúng về lãnh đạo cấp địa phương vì kiểm duyệt tuyệt đối chỉ khuấy động sự tức giận.

"Chính quyền Trung Quốc cảm nhận mối đe doạ chính trong thời hiện đại không phải là tấn công quân sự từ bên ngoài mà hơn cả là sự nổi dậy từ chính người dân", các nhà nghiên cứu nói.

Theo họ, chính sách hướng dẫn dư luận viên của Trung Quốc rõ ràng là đánh lạc hướng tốt hơn xung đột. "Để một cuộc tranh luận chìm xuồng, hoặc thay đổi chủ đề thường hiệu quả tốt hơn nhiều so với việc làm cho nhiều người ủng hộ trong một cuộc tranh luận".

Thanh Xuân

Chủ đề khác