VnReview
Hà Nội

59% link chia sẻ trên mạng xã hội chưa bao giờ được click vào

Hôm 4/6, trang tin tức khoa học Science Post đã đăng một bài nội dung toàn chữ "lorem ipsum" và chạy hàng tựa: "Nghiên cứu: 70% người dùng Facebook chỉ đọc tít bài báo khoa học trước khi bình luận".

Báo Washington Post cho hay đã có gần 46.000 người đã chia sẻ bài đăng này, trong đó có một số người còn chia sẻ một cách khá nghiêm túc.

Nay chúng ta lại có thêm bằng chứng người dùng mạng xã hội thường chỉ đọc tít: Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đại học Columbia và Viện Quốc gia Pháp, 59% link chia sẻ trên mạng xã hội chưa bao giờ được bấm vào đọc. Nói cách khác, hầu hết mọi người xem ra chỉ chuyển tiếp/ đăng lại link tin tức mà không bao giờ đọc nó.

Tồi tệ hơn, nghiên cứu phát hiện rằng những dạng chia sẻ ngang hàng (peer-to-peer) mù quáng này thực sự quan trọng trong việc xác định tin tức nào được lan truyền và tin tức nào bị loại ra khỏi radar của cộng đồng người dùng mạng xã hội. Do vậy, những chia sẻ thiếu suy nghĩ của người dùng đang thực sự định hình các xu hướng văn hoá và chính trị được chia sẻ trên mạng.

"Người ta ngày càng có xu hướng muốn chia sẻ bài báo hơn là đọc nó", đồng tác giả nghiên cứu Arnaud Legout cho biết như vậy. "Đây là một dạng điển hình của tiêu dùng thông tin hiện đại. Họ hình thành quan điểm dựa trên tóm tắt nội dung, hoặc tóm tắt của tóm tắt, không có nỗ lực để tìm hiểu sâu hơn".

Để xác minh thực trạng đáng buồn này, ông Legout và đồng nghiệp đã sưu tập hai bộ dữ liệu: Đầu tiên là tất cả các tweet (bài đăng trên Twitter) có chứa các link rút gọn Bit.ly từ 5 nguồn tin tức chính trong suốt một tháng (hồi mùa hè năm ngoái) và thứ hai là tất cả lượt bấm vào link đó trong cùng giai đoạn (log do Bit.ly hỗ trợ cung cấp). Sau khi phân tích và đối chiếu dữ liệu đó, các nhà nghiên cứu cơ bản phác được bản đồ cách tin tức lan truyền trên Twitter.

Và bản đồ đó cho thấy khá rõ ràng rằng tin tức "lan truyền" là tin tức được chia sẻ rộng rãi – chứ không nhất thiết là được đọc nhiều.

Các nhà nghiên cứu cũng thực hiện một số quan sát khác như: Hầu hết các click vào tin tức do người dùng Twitter thường xuyên link chia sẻ chứ không phải là một tờ báo chia sẻ. Link người dùng click khá cũ so với thời sự - một số được xuất bản trước đó vài ngày.

Song thú vị nhất là thói quen chia sẻ mà không bấm vào link – một thói quen giải thích nhiều về văn hoá Internet: tin lá cải, các trò chơi khăm dường như phát triển mạnh mẽ và sự thiếu minh mẫn trong các cuộc đàm luận trực tuyến về các chủ đề phức tạp, gây tranh cãi.

Như trường hợp bài báo "lorem ipsum" của Science Post là một ví dụ. Phóng viên của tờ này nói với báo Washington Post rằng ông đã quá mệt mỏi với việc thấy vô số điều hiểu lầm, bị bóp méo hoặc hư cấu được mọi người hân hoan thổi phồng trên mạng. Vận hành trang Science Post là các giáo sư và bác sĩ nên phải chứng kiến cách thông tin lan truyền như vậy họ rất nản.

Thật may cho họ, và cho tất cả chúng ta, là vẫn còn gần một nửa số link được đọc và hy vọng rằng xu hướng này sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Thanh Xuân

Chủ đề khác