VnReview
Hà Nội

Android đang “hít khói” iOS trong cuộc chiến ứng dụng

Sở hữu số lượt tải ứng dụng cao gấp đôi, nhưng Play Store chỉ có doanh thu bằng một nửa của App Store.

Cựu CEO của Microsoft, Steve Ballmer, đã đúng khi nhận định rằng các nhà phát triển ứng dụng đóng vai trò then chốt trong thế giới smartphone. Có vô số hệ điều hành lẽ ra đã có thể thành công trong làng di động, nhưng đa phần đều thất bại vì thiếu một nhân tố rất quan trọng: ứng dụng.

Hỗ trợ phát triển ứng dụng cho bên thứ ba vẫn là một trong những chiến lược quan trọng nhất của các công ty sở hữu hệ điều hành như Apple và Google. Không một hệ điều hành mới nào có thể mơ cạnh tranh với kho ứng dụng của iOS và Android.; Nếu không phát hành ứng dụng của mình qua App Store và Play Store, các nhà phát triển sẽ rất khó thu hút được lượng người dùng như mong đợi.

Hệ sinh thái của iOS và Android được tạo thành bởi các ứng dụng đơn lẻ, và cả hai nền tảng này đang tích cực chiêu mộ các nhà phát triển về đầu quân cho mình. Đa số các nhà phát triển sẽ làm việc với cả hai hệ điều hành, trừ những ai cảm thấy không hài lòng với một bên. Tức là, nếu phải chọn một nền tảng để phát triển ứng dụng, thống kê mới nhất cho thấy các nhà phát triển đang ưu ái iOS của Apple hơn.

Mặc dù hệ sinh thái của Google lớn hơn đáng kể về số lượng, nền tảng di động của Apple lại tạo ra doanh thu lớn hơn với mỗi ứng dụng cho nhà phát triển. Kết luận trên được rút ra từ báo cáo mới nhất của công ty chuyên nghiên cứu thị trường ứng dụng App Annie. Nhìn chung, App Store của Apple đang tạo ra doanh thu gấp đôi trong khi số lượt ứng dụng tải xuống chỉ bằng một nửa của Play Store.

Khoảng cách này cũng đang nới rộng. So với quý 1/2016, mặc dù chênh lệch về lượt tải xuống giữa hai hệ điều hành vẫn giữ nguyên, doanh thu của iOS đã tăng thêm 10% so với Android trong quý 2 năm nay.

Có một số lý do giải thích tại sao Apple đang chiếm thế thượng phong trước Google trong cuộc chiến ứng dụng. Lý do dễ thấy nhất là bản chất về giá của thiết bị. Do smartphone của Apple phần lớn có giá từ 400 đến 700 USD, khách hàng của táo khuyết có nền tảng tài chính tốt hơn so với người mua thiết bị Android, với mức giá từ 100 đến 200 USD đang ngày càng trở nên phổ biến.Ngoài ra, khách hàng của Android chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển, nơi mà việc sử dụng thẻ tín dụng không thịnh hành như ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Điều này khiến cho hoạt động mua bán ứng dụng trên Android trở nên kém sôi nổi hơn.

Phần lớn smartphone Android bán ra thuộc phân khúc giá rẻ và được sử dụng như điện thoại phổ thông. Bên cạnh gọi điện, nhắn tin, vào mạng xã hội và lướt web, những chiếc điện thoại này ít được trang bị ứng dụng, dẫn đến làm giảm doanh thu từ ứng dụng trên Android.

Thị trường Android còn phải đối mặt với tình trạng thiếu đồng bộ giữa thiết bị và các phiên bản hệ điều hành. Ví dụ mới nhất là công ty điện toán đám mây Salesforce gần đây chỉ cho phép ứng dụng doanh nghiệp của mình hoạt động trên thiết bị Nexus và Samsung mới nhất. Điều này cho thấy hệ điều hành Android đang bị chia rẽ sâu sắc.

Vấn đề cuối cùng nằm ở tâm lý của nhà phát triển. Các nhà phát triển xem Android là một nền tảng yếu hơn, vì thế ngày càng nhiều trong số họ chuyển sang đầu quân cho iOS. Các chuyên gia cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Việc Android N và iOS 10 ra mắt trong thời gian tới sẽ làm biến đổi hệ sinh thái, nhưng không có ảnh hưởng lớn lên cục diện hiện nay. Nước chảy chỗ trũng, nhà phát triển sẽ tìm đến nơi nào giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn. Mặc dù mỗi hệ điều hành có ưu điểm và cơ chế kiếm tiền riêng, cứ mỗi ngày trôi qua hệ sinh thái iOS lạicho thấy mình đang ăn nên làm ra hơn hẳn Android.

Long Nam

Chủ đề khác