VnReview
Hà Nội

5 bài học từ cách làm PR của Apple

Cameron Craig là một chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm trong ngành truyền thông và từng làm việc cho nhiều tên tuổi lớn như Apple, Visa, Yahoo!, PayPal. ;Ông vừa có một bài viết thú vị trên HBR để chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong thời gian làm PR cho Apple.

Bài học sau 10 năm làm PR cho Apple

Cameron Craig bắt đầu làm việc cho bộ phận PR của Apple ở Porter Novelli, Sydney, Australia vào năm 1997. Thời gian này cựu CEO huyền thoại Steve Jobs vừa quay về công ty và các dòng sản phẩm của Apple đang gặp nhiều khó khăn trên thị trường: đó là những chiếc máy tính với tên gọi khó hiểu, máy in, máy quét và cả một chiếc PDA chưa bao giờ được hoàn thành có tên là Newton.

Triển vọng của Apple là vô cùng ảm đạm – hầu hết các phương tiện truyền thông đều cho rằng Apple chỉ còn là cái bóng của mình so với trước đây. Nội dung các bài viết về Apple thời điểm đó thường được giật tít đại loại như: "Dự kiến kế hoạch sa thải của Apple", "101 cách để cứu Apple"…

Cameron Craig không hề biết rằng ông là một phần trong bước ngoặc lịch sử 10 năm sau của Apple. Ông từ Sydney chuyển đến Singapore, nơi ông gia nhập công ty và trở thành người đứng đầu bộ phận truyền thông của Apple tại khu vực Thái Bình Dương. Cuối cùng, Craig được điều về công ty mẹ có trụ sở tại California để tham gia vào bộ phận PR sản phẩm cho Apple.

Đây chính là giai đoạn mà Apple đã chứng minh cho những người hoài nghi rằng họ đã sai và làm mê hoặc thế giới với những đổi mới mang tính đột phá và phương thức tiếp thị hướng người dùng một cách hiệu quả nhất.

Và dưới đây là những bài học mà Craig đã rút ra được trong giai đoạn làm PR sản phẩm cho Apple.

Hãy giữ cho mọi thứ luôn đơn giản

Bài học sau 10 năm làm PR cho Apple

Nếu đọc qua một thông cáo báo chí của Apple bạn sẽ thấy rằng nó đơn giản đến mức một cậu học sinh lớp 4 cũng có thể hiểu được. Bất kỳ các gợi ý chuyên môn với nội dung sáo rỗng đều bị loại bỏ. Craig nói chỉ cần có người không hiểu những thông điệp này thì có nghĩa rằng họ đã thất bại. Và thất bại không phải là một lựa chọn. Steve Jobs đọc và phê duyệt từng thông cáo báo chí.

Bài học: Hãy viết làm sao để một cậu học sinh cũng có thể hiểu được. Thông điệp càng dễ hiểu thì lan tỏa càng rộng.

Tiết kiệm thời gian và nguồn lực của báo chí

"Chúng tôi chỉ phát hành thông cáo báo chí cho các sản phẩm hoặc sự kiện quan trọng nhất của công ty. Nhiều sản phẩm, cập nhật phần mềm, thay đổi nhân sự chỉ cần một chút thủ thuật PR để được biết đến. Điều này làm ảnh hưởng đến một số bộ phận trong nội bộ Apple, những người muốn sản phẩm, dự án của họ được biết đến nhiều hơn. Nhưng bằng cách áp dụng phương pháp này, các phóng viên biết rằng khi chúng tôi liên lạc với họ, chúng tôi đã có một cái gì đó quan trọng để nói".

Bài học sau 10 năm làm PR cho Apple

Bài học: Hạn chế việc liên lạc với các phóng viên ở mức thấp nhất và chỉ khi nào công ty có một cái gì đó quan trọng để thông báo. Đừng bao giờ tung ra hàng loạt thông cáo báo chí và các danh sách nhiều sản phẩm. Hãy tìm hiểu xem từng cá nhân viết về những mảng gì, và chỉ đưa đủ thông tin cho anh ta.

Luôn luôn nhiệt tình, đầy đủ

Craig cho biết: "Trước khi tổ chức một buổi phỏng vấn với giám đốc hay gửi sản phẩm để đánh giá, chúng tôi phải chắc chắn rằng tất cả các phóng viên, nhân vật có ảnh hưởng và nhà phân tích đã nhận được thông tin tổng hợp về sản phẩm trước đó.

Chúng tôi sẽ hướng họ theo lí do tại sao chúng tôi lại thiết kế các nút bằng cách này, loại bỏ một cổng kết nối theo cách kia hay chỉ ra các tính năng tinh tế mà họ có thể không nhìn thấy hoặc không đánh giá cao nếu chúng tôi không gợi ý. Sau cuộc phỏng vấn, chúng tôi sẽ theo dõi xem liệu họ có câu hỏi nào khác không và thăm dò xem câu chuyện của cánh truyền thông đã được lèo lái theo ý công ty hay chưa. Nếu họ có vấn đề gì đó, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ 24/7. Nếu câu chuyện đi theo hướng sai lệch ý đồ của công ty, chúng tôi phải nỗ lực để làm cho nó quay trở lại quỹ đạo".

Bài học sau 10 năm làm PR cho Apple

Bài học: Nói chung, hãy chu đáo nhất với giới truyền thông nhưng đừng trở nên khó chịu. Nếu có một người làm bài đánh giá sản phẩm, cố gắng đem sản phẩm tới tận nơi và hỗ trợ họ trải nghiệm. Nếu họ làm một bài viết về dịch vụ của bạn, hãy đưa cho họ một số câu chuyện về những người sử dụng hoặc khách hàng mà bạn lựa chọn. Luôn hỏi họ có cần hình ảnh hay thông tin gì khác không, và đừng quên chỉ dẫn họ nếu họ muốn so sánh với sản phẩm của đối thủ.

Giữ sự tập trung

Đội ngũ truyền thông của Apple đã xác định nhiệm vụ của họ là kể câu chuyện sản phẩm của Apple đem lại cho khách hàng quyền năng sáng tạo và thay đổi thế giới như thế nào. Ngày nào bộ phận PR cũng tiếp nhận những yêu cầu phát ngôn về xu hướng của ngành, chính trị, nhân sự và vô vàn các thứ khác. Nếu yêu cầu không phù hợp với nhiệm vụ của nhóm, họ sẽ lịch sự từ chối. Đây là phương pháp giúp nhóm của Craig sử dụng thời gian một cách hiệu quả nhất.

Bài học sau 10 năm làm PR cho Apple

Bài học: Phấn đấu để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực của bạn. Xác định các thông điệp chính của bạn và tập trung vào nó. Không làm loãng các tài khoản mạng xã hội của bạn với các tin nhắn ngoài lề. Giúp đỡ các nhà báo, chuyên gia phân tích trong ngành dù điều đó không mang lại lợi ích trực tiếp cho bạn.

Ưu tiên làm việc với những đơn vị có ảnh hưởng truyền thông

Craig cho biết nhóm của ông không làm việc với một danh sách dài các cơ quan truyền thông. Thay vào đó, họ tập trung vào một lượng nhỏ các phóng viên có thể tạo ra ảnh hưởng cho những người khác.

"Chúng tôi đề nghị với họ các cuộc phỏng vấn độc quyền sau buổi lễ ra mắt, hoặc cung cấp sản phẩm để đánh giá sớm. Bằng cách này, chúng tôi quản lý các kênh truyền thông dễ dàng hơn. Sau khi làm việc với nhóm phóng viên này, công ty mới sắp xếp mở rộng phạm vi tới các phóng viên trong khu vực và các ấn phẩm thương mại".

Bài học sau 10 năm làm PR cho Apple

Bài học: Tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với 5 - 10 người, đơn vị có ảnh hưởng truyền thông hàng đầu trong lĩnh vực của mình. Đưa thông tin phản hồi về các bài viết của họ từ các đồng nghiệp và các đối tác trong ngành công nghiệp. Bình luận và bắt đầu thảo luận câu chuyện của họ trên Twitter và LinkedIn. Khi bạn sắp phát hành một thông báo, xem xét khả năng cung cấp cho họ các thông tin độc quyền.

Quan trọng nhất là người làm PR phải tôn trọng thương hiệu của chính mình. Đó là bài học lớn nhất mà Craig đã học được từ Apple. Đó là tài sản lớn nhất và một người làm PR phải bảo vệ nó.

Hãy suy nghĩ 2 lần trước khi phát đi các thông điệp liên quan đến sản phẩm của bạn. Hãy suy nghĩ cẩn thận về các nhãn hiệu khác mà bạn liên kết. Chọn cách tiếp cận khác biệt, làm cho mình nổi bật nhất.

Bạch Đằng

Chủ đề khác