VnReview
Hà Nội

Đề xuất chi 1.160 tỷ làm dự án đuổi chim, vật thể lạ sân bay

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không, đề xuất dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng, với tổng mức đầu tư 1.160 tỷ đồng.

Cụ thể, hệ thống này sẽ phát hiện tự động, cảnh báo và xử lý toàn bộ chim, vật thể lạ trên đường hạ cất cánh có nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay, thay thế cho phương pháp hiện tại là quan sát bằng mắt thường.

ACV cho biết hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang phục vụ 67% lượng khách và 65% sản lượng chuyến bay của toàn mạng. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động với tần suất là 726 chuyến một ngày trong khi Nội Bài là 420 chuyến một ngày.

Do đó, ACV cho rằng việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay tại hai sân bay này rất quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao công suất toàn bộ hệ thống cảng.

Hiện việc kiểm tra, đảm bảo an toàn cho các đường băng đang được thực hiện bằng phương pháp trực quan bằng mắt thường với tần suất tối thiểu 7 lần/ngày cho mỗi đường băng.

Trong điều kiện diện tích bề mặt đường băng cần được kiểm tra lớn, tình trạng thời tiết xấu, hạn chế tầm nhìn, thiếu ánh sáng vào ban đêm, thời gian kiểm tra không thể quá dài, yêu cầu phát hiện vật thể lạ trên đường băng không đảm bảo tuyệt đối chính xác.

"Việc đầu tư hệ thống này cho hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài là hết sức cần thiết. Trên thế giới nhiều sân bay đã trang bị hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho các chuyến bay", ACV nhấn mạnh.

Theo đó, đầu tư mới hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng cho phép phát hiện ngay lập tức vật thể lạ 24/7 một cách tự động với toạ độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không can nhiễu với hệ thống khác của sân bay.

Quy mô đầu tư là gồm 4 hệ thống phát hiện vật thể lạ trên 4 đường băng lại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Tổng mức đầu tư là 1.162 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ACV cho biết qua nghiên cứu các giải pháp tài chính và công nghệ thì phương án đầu tư trong điều kiện thu xếp nguồn vốn hiện tại đang hết sức khó khăn.

Do đó, ACV đề nghị thực hiện theo hình thức xã hội hoá. Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế và các đơn vị liên danh hợp pháp sẽ thực hiện đầu tư. Hình thức thu hồi vốn là thực hiện thu phí trên mỗi chuyến bay cất cánh và hoàn trả cho các nhà đầu tư trong 6 năm 6 tháng kể từ ngày khai thác hệ thống.
;
"Mức phí đề xuất 35 USD đối với các chuyến bay quốc tế, 17 USD đối với chuyến bay nội địa trên toàn bộ các cảng hàng không của ACV đang khai thác", ACV đề xuất và cho biết thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến 2023.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không đánh giá dự án cảnh báo, xử lý chim trời là cần thiết nhưng đề xuất của ACV còn khá sơ sài và thiếu phương án tổ chức quản lý, chủ thể khai thác… Ngoài ra, dự án chưa cung cấp các báo giá tham khảo cho thiết bị làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư.

Cục Hàng không nhận định, việc chỉ đầu tư tại hai cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhưng lại đề xuất mức thu cho mỗi lượt hạ cất cánh từ các chuyến bay quốc tế và nội địa trên tất cả các cảng hàng không là không hợp lý.

Ngoài ra, Cục Hàng không cho rằng, thời gian hoàn vốn dự án 6 năm 6 tháng là quá ngắn, cần xem xét lại và xây dựng mức thu phù hợp điều kiện và khả năng chịu chi trả của các hãng, không làm tăng thu đột ngột, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các cảng hàng không Việt Nam.

Đặc biệt, một lãnh đạo làm việc trong ngành hàng không cho biết, thực tế các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất rất ít các vụ chim va vào máy bay mà chủ yếu là ở các sân bay địa phương. Tuy nhiên, dự án lại đề xuất làm ở hai sân bay này là chưa thực sự hợp lý.

Theo VnEconomy

Chủ đề khác