VnReview
Hà Nội

Marvel vs DC: Cuộc chiến của những gã khổng lồ (Phần 3)

Sau hai phần trước từng bước khám phá về Marvel và DC, ở phần cuối này chúng ta sẽ quay trở lại với cuộc cạnh tranh giữa hai nhà xuất bản Marvel Comics và DC Comics.

Tuy vũ trụ MCU đang phát triển rất mạnh mẽ nhưng cũng không thể không để mắt tới đối thủ cạnh tranh đáng gờm là DC. Dưới đây là phần cuối trong loạt bài do VnReview.vn lược dịch từ trang tin Cnet:

Đối thủ của Disney là Time Warner, chủ sở hữu DC Comics, đã sản xuất một số phim dựa trên các nhân vật DC. Cách tiếp cận của Marvel đối với Avengers tạo cảm hứng cho DC để làm nên các bộ phim có liên kết, bắt đầu với "Man of Steel" (2013). Trước đó, các bộ phim Superman của Christopher Reeve, Batman năm 1989 và các hậu bản, cũng như bộ ba phần Dark Knight của Christopher Nolan không hề liên quan đến nhau, và cũng không liên quan đến bất kỳ phim nào trong vũ trụ hiện tại của DC.

Bộ phim thứ 2 trong vũ trụ của DC (DCEU - DC's Extended Universe) là "Batman v Superman: Dawn of Justice". Thay vì từ từ xây dựng các nhân vật, chúng ta có một cái nhìn trực tiếp về Batman, chúng ta được giới thiệu tới các nhân vật như Wonder Woman, Cyborg, Aquaman và the Flash. Trong một cảnh ngắn, ta được thấy một chút về năng lực của họ.

Dường như họ hơi mạo hiểm khi tiếp cận với người xem thông qua việc giới thiệu các nhân vật một cách vội vàng như vậy. Nhưng ít ra sau tất cả, chúng ta có một vị thần (Wonder Woman), một vị vua biển cả (Aquaman), một cyborg (Cyborg) cùng xuất hiện trong một thế giới với một Batman mới và một chàng người ngoài hành tinh (Superman). Nguồn gốc của nhóm nhiều khả năng sẽ được kể lại chi tiết hơn trong "Justice League" sắp ra mắt (2017), nhưng để làm vậy chỉ trong một bộ phim sẽ là một vấn đề lớn.

"Suicide Squad" vừa ra mắt cũng là một bộ phim tiếp theo trong DCEU. Bộ phim nói về nhóm tội phạm cùng tên, với sự xuất hiện của Harley Quinn, Joker và Deadshot. Batman cũng sẽ có mặt trong phim.

DC trên TV

Không như Marvel, các phim truyền hình DC lại không liên kết với phim điện ảnh. Vũ trụ điện ảnh của DC là DCEU, nhưng đối với các series TV nó lại là "DC Multiverse". Theo Zack Snyder – đạo diễn "Batman v Superman" – phim lại tồn tại trong một "đa vũ trụ". Có vẻ hơi khó hiểu đúng không?

Trên TV, 2 series "Arrow" và "The Flash" đều có bối cảnh trong cùng một thế giới, nhưng thế giới này lại không hề liên quan đến các phim điện ảnh. The Flash trong series và trên màn ảnh rộng là do 2 diễn viên khác nhau thủ vai (Grant Gustin và Ezra Miller). Thêm vào đó, một spinoff khác của "Arrow" bên cạnh "The Flash" là "Legends of Tomorrow"; cũng không liên quan đến DCEU.

Cả "Supergirl" vừa ra mắt, sau màn crossover với Flash, cũng được xem như đang tồn tại trong cùng vũ trụ với các series khác (Update: đã có một Superman do diễn viên khác thủ vai xuất hiện trong series này). Tuy vậy, vẫn có một series khác không hề kết nối tới các phim truyền hình khác của DC: "Gotham".

Vây bạn chọn DC hay Marvel?

Nếu bạn thích sự liên kết chặt chẽ thì Marvel là sự lựa chọn tốt. Mọi sự kiện ở đây đều liên quan đến nhau, từ TV đến màn ảnh rộng. Đôi lúc bạn có thể bị ngợp do lượng thông tin khá lớn, cũng như do phải theo dõi thường xuyên để đảm bảo rằng mình không bỏ lỡ gì đó quan trọng nhưng xét cho cùng, cảm giác theo dõi mọi thứ liền mạch nhau khá thú vị đấy chứ?

Ngược lại, nếu bạn thích mọi thứ độc lập và ít ảnh hưởng đến nhau hơn thì bạn nên chọn DC. Bạn có thể đảm bảo là những thứ xảy ra trên màn ảnh rộng sẽ không ảnh hưởng đến series yêu thích của bạn và ngược lại (chí ít là đến bây giờ vì DCEU chỉ mới bắt đầu thôi).

Phương Nam

Chủ đề khác