VnReview
Hà Nội

Con người đã "ngốn" hết tài nguyên một năm trong vòng... 8 tháng

Thông tin thoạt nghe có vẻ sốc như vậy lại vừa diễn ra vào ngày 8/8 vừa qua. Các nhà khoa học nhận định, con người đã tiêu thụ nguồn tài nguyên khai thác một năm của Trái Đất chỉ trong vòng chưa hết 8 tháng đầu năm.

Trang ScienceAlert đưa tin, vào ngày thứ Hai (8/8) vừa qua, loài người đã chính thức tiêu thụ toàn bộ tài nguyên của Trái Đất tạo ra trong vòng một năm. Những thời điểm như vậy được ấn định là Overshoot day, tức là ngày tiệu thụ vượt quá giới hạn phục hồi tài nguyên của Trái Đất. Và năm nay, Overshoot day diễn ra sớm hơn 5 ngày so với năm 2015. Điều đó có nghĩa rằng, loài người đang "tiêu thụ" điên cuồng các nguồn tài nguyên trên Trái Đất chỉ trong vòng một thời ngắn. Năm ngoái, Overshoot day xảy ra vào ngày 15/8, sớm hơn 6 ngày so với năm 2014.

Con người đang được đà lấn tới

Nếu tình trạng vẫn duy trì như hiện nay, kết hợp quy mô dân số thế giới tiếp tục gia tăng không kiểm soát, có lẽ chúng ta sẽ cần nhiều hơn 1,6 hành tinh mới có thể đủ đáp ứng "cơn thèm khát" tài nguyên.

Thậm chí, nếu cả thế giới sống như người Mỹ, chúng ta sẽ phải cần tới 4,8 hành tinh nữa mới đủ đáp ứng. Người Úc là tệ nhất với ước tính lên tới 5,4 hành tinh mới đủ cho lối sống tiêu thụ tài nguyên khủng khiếp.

Global Footprint Network, tổ chức phi chính phủ của Mỹ chịu trách nhiệm tính toán Overshoot day mỗi năm. Tổ chức này sử dụng nguồn dữ liệu từ Liên Hợp Quốc dựa trên hàng ngàn lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải và sản xuất năng lượng.

Khi đề cập đến nguồn tài nguyên, đó không chỉ bao gồm đất đai, nước và thực phẩm, đó còn là trữ lượng carbon. Loài người đã và đang chạm tới ngưỡng phát thải CO2 kỷ lục vào bầu khí quyển, thậm chí vượt ngưỡng hấp thụ CO2 của rừng và đại dương. Theo một thông cáo báo chí từ Global Footprint Network giải thích: "Lượng khí thải carbon đang là yếu tố nguy hiểm có tốc độ gia tăng nhanh nhất đối với hệ sinh thái. Hơn nữa, carbon đang dần chiếm tới 60% nhu cầu tiêu thụ của loài người đối với tự nhiên".

Global Footprint Network đã tính toán ngày Overshoot day của Trái Đất hồi năm 1960 và chỉ ra một sai lầm rằng, loài người vẫn đủ dùng nguồn tài nguyên tự tái tạo của Trái Đất tới năm 2017. Thực tế chỉ một năm sau đó, tức năm 1961, chúng ta đã sử dụng tới 3/4 nguồn tài nguyên có thể tiêu thụ trong vòng một năm. Vào năm 1970, Overshoot day rơi vào ngày 23/12 nhưng kể từ đó cho tới nay, con người ngày càng "lấn vạch" và Overshoot day ngày càng tiến gần hơn, thậm chí chỉ trong vòng chưa đầy 8 tháng như hiện nay.

Nan giải bài toán dân số với quy luật phân phối tài nguyên

Có một lý do dễ hiểu để giải thích cho vấn đề này, đó là dân số thế giới. Nếu như những năm 1970, dân số thế giới chỉ có khoảng 4 tỷ người thì cho tới nay, dân số thế giới đã chạm ngưỡng 7 tỷ người. Dân số gia tăng kéo theo nhu cầu không ngừng gia tăng về an ninh, thực phẩm và năng lượng. Tuy nhiên một thực tế dễ nhận thấy, chính là nhu cầu khủng khiếp của loài người đã vượt quá "khả năng" tái tạo của mẹ Trái Đất.

Khi nhu cầu tăng nên đột ngột trong khi nguồn cung không kịp đáp ứng, tất yếu dẫn tới hiện tượng khan hiếm, thậm chí không đủ để cung cấp nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn nhu cầu của hàng tỷ con người.

Vẫn còn lối thoát nếu...

Tin tốt là tiến bộ khoa học đang giúp con người chống lại diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và tình trạng cạn kiệt tài nguyên.Tính trung bình từ năm 1970, ngày Overshoot Day của Trái Đất đã tới sớm hơn 3 ngày/năm nhưng trong 5 năm vừa qua, Overshoot Day đã chậm lại ít hơn 1 ngày/năm.

Đáng vui mừng hơn, con người đã bắt đầu biết kiềm chế cơn khát nhiên liệu hóa thạch. Năm ngoái, Costa Rica đã thành công trong việc đưa 100% năng lượng tái tạo vào sử dụng trong 75 ngày liên tục.

Đức hiện đang sử dụng tới 95% nguồn năng lượng tái tạo vào năm ngoái. Mới đây nhất, Bồ Đào Nha cũng đã vận hành thành công mạng lưới điện quốc gia bằng 100% năng lượng tái tạo trong suốt 4 ngày liên tiếp. Ở nhiều nước, năng lượng tái tạo thậm chí đã rẻ hơn rất nhiều so với năng lượng hóa thạch.

Một thách thức trong việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng hóa thạch đó chính là Trung Quốc, quốc gia mới nổi phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài nguyên như than đá và dầu mỏ. Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, soán ngôi Mỹ kể từ năm 2007 cho tới nay. Mới đây nhất tại hội nghị COP 21 diễn ra tại Paris, Pháp vào hồi tháng 12/2015, Trung Quốc đã cam kết sẽ cắt giảm tới 50% lượng tiệu thụ thịt từ nay tới năm 2030, tương ứng với khoảng 1 tỷ tấn CO2 phát thải ra bầu khí quyển. Đó là mục tiêu vô cùng tham vọng nhưng cũng rất được thế giới chờ đợi.

Tuy nhiên thách thức đó chưa phải là vấn đề đau đầu nhất với nhân loại. hiện nay. Dân số mới chính là nguy cơ tiềm tàng nguy hiểm nhất mà con người phải vật lộn để tìm hướng giải quyết. Dự kiến tới cuối thế kỷ 21, dân số thế giới có thể chạm mức 11,2 tỷ người. Đó là một áp lực vô cùng lớn đối với nguồn tài nguyên vốn hạn hẹp của Trái Đất.

Liệu chăng món nợ với mẹ Trái Đất, món nợ với thiên nhiên có thể giải quyết được ngay từ thế hệ của chúng ta hay phải đợi tới khi, mọi điều tàn khốc nhất, đau khổ nhất sẽ dồn về thế hệ tương lai, con cháu của chúng ta?

Tiến Thanh

Chủ đề khác