VnReview
Hà Nội

Qualcomm: 4G tại Việt Nam triển khai sau nhưng có thể “đi tắt đón đầu”

Mặc dù mạng di động 4G tại Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng việc triển khai sau của các nhà mạng không có nghĩa là chúng ta đang tụt hậu.

Theo Qualcomm, hiện nay trên thế giới đã có 521 mạng LTE thương mại hóa, có 5600 mẫu thiết bị khác nhau với 1,29 tỷ người dùng. Giá thiết bị đầu cuối hiện tại đẫ khá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Như vậy có thể hiểu rằng; mạng 4G trên thế giới đã phát triển ở mức tối đa.

Một số quan điểm cho rằng Việt Nam triển khai mạng di động 4G chậm so với thế giới nhưng lúc này  mới là thời điểm phù hợp. Hệ sinh thái 4G đã có đầy đủ từ những chính sách của nhà nước với việc cấp phép dải tần, nhà mạng với khả năng triển khai phủ sóng, người tiêu dùng với phần cứng có khả năng kết nối 4G và mức giá phải chăng cùng hàng loạt nội dung số.

Theo ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á: "Có thể thấy từ 2G lên 3G và đến nay là từ 3G lên 4G nhu cầu của người dùng về sử dụng dữ liệu chưa bao giờ được thỏa mãn. Do vậy thách thức ở đây chính là kỳ vọng của người dùng về dung lượng và các nhà mạng phải đáp ứng điều đó.  Đây là thời điểm phù hợp để triển khai 4G và các nhà mạng tại Việt Nam nên phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp, nhà cung cấp thiết bị để sớm triển khai kết nối này".

Ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á

Tại hội thảo Quốc tế 4G LTE 2016 được IDG tổ chức, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Năm 2016 sẽ là năm khởi đầu tốt đẹp cho 4G LTE và năm 2017 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ". Cũng theo Thứ trưởng, Bộ đang xem xét  để có thế cấp giấy phép khai thác chính thức cho các nhà mạng vào tháng 9 và tháng 10.

Lộ trình để triển khai 4G với các nhà mạng thường kéo dài từ 3 đến 5 năm và chia thành nhiều giai đoạn. Các giai đoạn này có thể bắt đầu từ việc cung cấp dịch vụ tại các thành phố lớn trước, sau khi mở rộng vùng phủ sóng sẽ tiến đến việc thêm các ứng dụng, chức năng mới sử dụng kết nối này.

Khi đã có 4G còn một vấn đề kỹ thuật khác đó là các lớp mạng hiện nay được tăng lên 2 gồm cả 2G và 3G. Do vậy các nhà mạng cũng cần phải tính toán tối ưu hạ tầng của mình.

Các nhà phân phối thiết bị hiện nay cũng đã có kế hoạch cụ thể cho việc đưa các sản phẩm với kết nối 4G vào thị trường Việt Nam với mức giá phù hợp nhất. Một nhà phân phối thiết bị đứng thứ 2 tại Việt Nam chia sẻ rằng tất cả những mấu máy của họ bán ra từ nay đến cuối năm tại Việt Nam đều sẽ hỗ trợ kết nối 4G.

Trên thực tế cũng đã có không ít quốc gia triển khai 4G trước Việt Nam nhưng đến nay họ chưa thể phủ sóng toàn quốc nhưng vì đi sau với một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nước ta hoàn toàn có thể đi tắt đón đầu trong việc triển khai mạng di động này.

Qualcomm cho biết họ cũng rất sẵn sàng hỗ trợ các công ty Việt Nam sản xuất các thiết bị phục vụ 4G, không chỉ là điện thoại thông minh mà còn là các thiết bị IoT, đồng thời nhắn nhủ các công ty Việt Nam nên hướng ra thị trường quốc tế chứ không chỉ trong nước, luôn có những thị trường ngách cho các nhà sản xuất thiết bị của Việt Nam.

Bình luận về việc thử nghiệm của 4G của 3 nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone vừa qua, đại diện Qualcomm cho rằng các nhà mạng đã có những bước đi đúng hướng, lựa chọn công nghệ phổ biến hiện nay, phù hợp với nhiều thiết bị hiện có, tốc độ thử nghiệm cao, giá cước hợp lý. Các nhà mạng nên tiếp tục thử nghiệm trên diện rộng để việc triển khai 4G nhanh chóng.

Thành Đạt

Chủ đề khác